Người dân làm căn cước công dân gắn chip điện tử tại Công an phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.TRUNG
Như Tuổi Trẻ thông tin, câu chuyện căn cước công dân ghi "nguyên quán", "quê quán" hay "nơi sinh" tiếp tục trở thành đề tài gây nhiều tranh luận trong bạn đọc.
Mới đây nhất, trong cuộc thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, có trên 65% bạn đọc chọn phương án "nơi sinh" thay vì "quê quán" hoặc kết hợp cả hai là "quê quán" và "nơi sinh".
"Theo tôi, nên đồng nhất "nơi sinh" là "nơi đăng ký khai sinh". Nếu có sinh ra ở nước ngoài, sinh ra trên máy bay, sinh ra ở nơi bố mẹ đi công tác hay du lịch... thì bố mẹ cũng sẽ về nơi cư trú, ra phường/xã để làm khai sinh. Sau này khi cần, cơ quan chức năng có thể tìm đến địa chỉ xác định để tìm hiểu được về bố mẹ, gia đình".
Trích ý kiến bạn đọc Do Nhat
Là người chọn theo số đông, bạn đọc Tho viết: "Tôi thấy ghi nơi sinh là chính xác nhất. Quê quán, nguyên quán chỉ có ý nghĩa nguồn gốc ông bà cha mẹ thôi. Cha người Hà Nội, mẹ Cà Mau, cưới nhau sinh con ở Sài Gòn ghi quê quán Hà Nội, rồi trường hợp mẹ đơn thân hay những người đàn ông bỏ mặc vợ con thì ghi sao?".
Theo bạn đọc này, ghi "nơi sinh" là ghi theo địa chỉ của phường xã, quận huyện, tỉnh thành, chứ không phải nơi sinh là bệnh viện phụ sản hay nhà hộ sinh.
Lý giải thêm, bạn đọc Trần Bá Thu bổ sung: "Nơi sinh là nơi cất tiếng khóc chào đời và được cắt rốn để chấm dứt đường nuôi dưỡng từ mẹ sang con qua đường máu. Từ đây đứa trẻ được làm một con người thực thụ. Nơi sinh có thể là quê quán hoặc không phải quê quán".
Để tránh những rắc rối, phù hợp với thông lệ quốc tế, theo bạn đọc Quang Anh, trong phần khai nhân thân thì chỉ ghi nơi sinh là chuẩn bởi đây là đặc điểm của mỗi cá nhân.
Từ trường hợp bản thân, bạn đọc này dẫn chứng: "Ông bà nội tôi từ hai địa phương tới Sài Gòn rồi thành vợ thành chồng và sinh ra cha tôi. Cha mẹ tôi cũng vậy, gặp nhau trên rừng rồi sinh chúng tôi. Tôi dám cá rằng cả cha và mẹ tôi cũng không rõ nơi ông bà nội ngoại tôi ở trước khi lên Sài Gòn có là quê quán hay nguyên quán của họ hay không. Một vấn đề nữa là tại sao lại xác định nguyên quán hay quê quán là bên nội chứ không phải bên ngoại?".
Vì vậy, bạn đọc Quang Anh kết luận: "Tôi chọn ghi trên căn cước công dân là "nơi sinh". Còn ghi "quê quán" hay "nguyên quán" sẽ rắc rối hơn nhiều".
Trong khi đó, đơn giản hơn, bạn đọc tên Thanh viết: "Ghi gì cũng được, người dân không có ý kiến gì cả, chỉ mong là có sự nhất quán và tính thống nhất giữa tất cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng như phù hợp thông lệ quốc tế".
Theo bạn đọc này: "Người dân chỉ mong khi đi làm giấy tờ được thuận lợi nhanh chóng, còn tranh thủ thời gian đi làm kiếm sống. Càng tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc làm giấy tờ là người dân thấy vui, để rồi cùng chung tay phát triển quê hương, đất nước, cùng nhau hạnh phúc".
Nằm trong số ít những bạn đọc chọn phương án nên ghi trên căn cước công dân "quê quán", bạn đọc Nam lý giải: "Không ghi quê quán thì sẽ quên cội nguồn. Theo tôi, căn cước công dân ta hay dùng nên ghi "quê quán" để nhắc nhớ tới ông bà, chứ vài năm sau quên kêu về giỗ".
"Nơi sinh thì hiện nay gần giống thường trú và họ tự biết. Người Việt Nam thì nên để quê quán còn nhớ tới đồng hương. Hãy thay đổi gì cho hay chứ đừng bắt phải sửa" - bạn đọc này viết.
Thăm dò ý kiến
Đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc nên ghi nơi sinh hay quê quán trên căn cước công dân cũng như hộ chiếu. Theo bạn nên ghi:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận