17/12/2022 09:24 GMT+7

Gen Z và hành trình đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG

TTO - Tiếp nối khát vọng và nỗ lực của những thế hệ đi trước, lứa nghệ sĩ trẻ thế hệ sinh sau năm 1990 (Gen Z) đã mang lại những thành tựu góp phần đưa Việt Nam lên một nấc thang mới trong công nghiệp văn hóa thế giới và khu vực.

Cô bé Ana hát 'Bonjour Vietnam' tại The Voice Kids 2020 của Pháp - Video: THE VOICE KIDS FRANCE

Năm 2004, Marc Lavoine viết bài hát "Bonjour Việt Nam" cho cô ca sĩ trẻ người Bỉ gốc Việt Phạm Quỳnh Anh. Bài hát đã trở thành hiện tượng ở Việt Nam suốt 1 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, khi chiến tranh Việt Nam đã là chuyện của thiên niên kỷ trước.

Như lời bài hát, với Quỳnh Anh và với nhiều người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, Việt Nam mà em thấy vẫn là "những hình ảnh của chiến tranh, một bộ phim của Coppola với những chiếc trực thăng bay giận dữ trên bầu trời".

Chọn Việt Nam để chiêm ngưỡng và tự hào

Điện ảnh là đôi cánh đầu tiên mang hình ảnh và văn hóa Việt Nam vượt qua rào cản ngôn ngữ, đi xa khỏi biên giới quốc gia. 

Rất nhiều thế hệ đạo diễn, nhà sản xuất tâm huyết của Việt Nam đã nỗ lực đưa phim Việt ra thế giới như Hồng Sến, Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, rồi Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Lưu Huỳnh và gần đây là Trấn Thành, Hà Lệ Diễm. 

Nỗ lực của những đạo diễn gốc Việt như Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Charlie Nguyễn, Leon Lê cũng đóng góp cho điện ảnh Việt Nam những tác phẩm đẹp. 

Trong đó, Song Lang không chỉ mang câu chuyện Việt Nam đầy mỹ cảm đến với thế giới, mà còn làm xúc động chính những khán giả trong nước về tình, đời và nghiệp ở môn nghệ thuật truyền thống một thủa vàng son. 

Gen Z và hành trình đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới - Ảnh 2.

Cảnh phim Mùi đu đủ xanh

Và suốt 28 năm qua, Mùi đu đủ xanh vẫn là phim Việt duy nhất được đề cử chính thức Oscar hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều người bạn của người viết bài này ở Paris vẫn tin rằng tại Việt Nam trẻ em ốm là sẽ chết vì không có bác sĩ nhi. 

Bởi hình ảnh Việt Nam đến được với công chúng thế giới qua các rạp chiếu là Việt Nam trong cái nhìn đầy thành kiến về thời quá khứ của Oliver Stone, của Coppola, Jean Jacques Annaud, Brian de Palma, Philippe Noyce... 

Và cũng bởi trong những thước phim hiếm hoi về Việt Nam được chiếu trên các màn hình ngoài biên giới Việt, chiến tranh cùng bối cảnh và những nỗi niềm hậu chiến vẫn là đề tài chủ đạo. 

Thực tế là hầu hết những bộ phim Việt đoạt giải thưởng quốc tế đều không rộng đường ra rạp chiếu để hình ảnh Việt Nam do người Việt sáng tạo có thể đến được với đông đảo công chúng thế giới.

5 năm trở lại đây, các nền tảng giải trí trực tuyến đã mang lại cơ hội phát hành tại thị trường quốc tế cho phim Việt. 

Song, ngoài Bố Già, Hai Phượng, Lật Mặt đã ghi nhận doanh thu từ các rạp chiếu phim hải ngoại, các phim Việt được phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam vẫn chưa công bố con số thống kê lượt xem và xếp hạng.

Điện ảnh là một ví dụ để thấy những nỗ lực lẻ loi của người làm văn hóa Việt dù được ghi nhận, nhưng chưa đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt của một nền tảng từ chính sách đến thị trường có khả năng biến sáng tạo văn hóa nghệ thuật thành ngành công nghiệp tỉ đô. 

Nhìn sang những nền công nghiệp văn hóa láng giềng, điện ảnh, mỹ thuật, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn và truyền hình được đầu tư bài bản từ những chiến lược phát triển văn hóa quốc gia. 

Hạ tầng trường quay, sân khấu, các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho công nghiệp sáng tạo như phát hành, thương mại, bản quyền, đại diện và tiếp thị, quảng cáo... tạo nên một hệ sinh thái lý tưởng để tiếp nhiên liệu và tiếp gió cho những sản phẩm văn hóa nghệ thuật căng buồm ra biển lớn.

Gen Z và hành trình đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới - Ảnh 4.

Từ trái qua: Đào Tố Loan, Vietnam Centre, Nguyễn Việt Trung và Saigon Choiir là thế hệ các bạn trẻ 9X đem văn hóa Việt ra thế giới

Một thế hệ tìm vàng từ nguồn cội

Tiếp nối khát vọng và nỗ lực của những thế hệ đi trước, lứa nghệ sĩ trẻ thế hệ sinh sau năm 1990 đã mang lại những thành tựu góp phần đưa Việt Nam lên một nấc thang mới trong công nghiệp văn hóa thế giới và khu vực.

Có thể kể đến những gương mặt tiêu biểu như: ca sĩ Đào Tố Loan đoạt giải ba bảng Chuyên nghiệp của cuộc thi Âm nhạc quốc tế MAP tại Mỹ. Tác phẩm "Nắng có còn xuân" của Dàn hợp xướng Saigon Choir trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên nhận Bằng chứng nhận cấp độ Excellent bảng thi Video Clip A cappella tại World Choir Games 2021, Bỉ. 

Tài năng trẻ Nguyễn Việt Trung đã là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất lọt vào vòng chung kết cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18. 

Còn nhiếp ảnh - lĩnh vực luôn mang lại nhiều "vàng, bạc" cho Việt Nam từ những giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế - đang được mùa tài năng với các nghệ sĩ nhiếp ảnh sử dụng máy bay không người lái càng ngày càng trẻ hóa.

Vietnam Centre - một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận do các du học sinh Việt Nam tại Úc sáng lập năm 2017 với hơn 100 thành viên thường trực - chỉ sau 5 năm thành lập đã tổ chức hơn 90 hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam trên phạm vi toàn thế giới. 

Thành công đầu tiên của Vietnam Centre là dự án "Dệt nên Triều đại" - dự án nghiên cứu, phục dựng và biên soạn bộ sách song ngữ Việt - Anh giới thiệu trang phục Việt Nam qua các thời kỳ. 

Gen Z và hành trình đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới - Ảnh 6.

Tập đầu tiên mang đến những tư liệu và hình ảnh trang phục triều Lê Sơ thế kỷ XV, giai đoạn 1437-1471 đã được xuất bản với sự đóng góp cả về trí tuệ cũng như tài chính của cộng đồng trí thức trẻ. 

Dệt nên Triều đại đã được đưa vào Thư viện Quốc gia Úc, Thư viện Đại học Harvard và các trang phục triều Lê Sơ do Vietnam Centre phục dựng đã được trưng bày tại Smithsonian - Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật châu Á Hoa Kỳ, và trước đó là tại sảnh đường truyền thống của Đại học Sydney. 

Cùng với Dệt nên Triều đại, nhiều dự án đã được Vietnam Centre thực hiện thành công là: triển lãm đong đầy chất liệu văn hóa Việt mang tên "Happy New Tết" được tổ chức tại thành phố Canberra, Úc; dự án xuất bản "Mình đồng da sắt", cuốn sách song ngữ chuyên khảo về giáp trụ Việt Nam; "Chiêu Hoàng Ký", truyện tranh về nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử được phát hành với nhiều thứ tiếng, bắt đầu với tiếng Việt và tiếng Anh.

Kể câu chuyện Việt Nam bằng ngôn ngữ quốc tế, đến với những sân khấu lớn nhất thế giới bằng tài năng và trí tuệ Việt, làm giàu văn hóa Việt bằng những nghiên cứu xuyên thời gian xuyên không gian để tìm đến cội nguồn dòng chảy 4.000 năm của dân tộc Việt Nam - đó là cách Gen Z lựa chọn để khắc họa hình ảnh Tổ quốc mình.

Cội nguồn văn hóa dân tộc

Nếu so sánh nội dung và hình ảnh giữa những sản phẩm văn hóa xuất ngoại thành công của thế hệ 7x, 8x với những sản phẩm của thế hệ Gen Z, không khó để thấy thế hệ trẻ đã chọn một Việt Nam vàng son đầy tự hào của 4.000 năm văn hiến làm đối tượng nghiên cứu, làm chất liệu sáng tạo và làm tài nguyên để tạo nên những sản phẩm văn hóa chất lượng.

Các bạn đã hoàn toàn thoát khỏi những vết thương chiến tranh, những ám ảnh nghèo khó để tìm vàng trong cội nguồn văn hóa dân tộc, như câu chuyện của Nguyễn Anh Vũ - nhà đồng sáng lập Vietnam Centre:

"Ý tưởng thành lập Vietnam Centre bắt đầu khi tôi đến một trường đại học ở Úc. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc dùng những hình rất là đẹp như kimono, tiểu thư trang phục truyền thống cầm dù hoặc những cung điện, những công trình kiến trúc tráng lệ thì trên tài liệu tiếng Việt là hình ảnh một bà cụ đội nón lá với một chiếc áo nông dân màu nâu. Lúc đó thì tôi nhận ra rằng hình ảnh đó - trong cái góc nhìn của người nước ngoài - chính là Việt Nam.

Và ở trường hay ở các cuộc gặp gỡ giao lưu, ý nghĩ đầu tiên khi những bạn học người nước ngoài của tôi nghĩ tới khi nói đến hai tiếng Việt Nam là chiến tranh.

Bởi vậy mà Vietnam Centre ra đời với chỉ một sứ mệnh: để nói với thế giới rằng Việt Nam không chỉ là tên của một cuộc chiến, mà Việt Nam là một đất nước rất đẹp - một đất nước có văn hóa phong phú, đa dạng với chiều sâu lịch sử hơn 4.000 năm - một Việt Nam từ cổ đại cho tới đương đại đều đáng để thế giới ngưỡng mộ và để người Việt tự hào".

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tìm Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tìm 'điệu nhảy mới trên nền nhạc cũ'

TTO - Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản không hề dễ dàng, kể cả với những quốc gia giàu có trên thế giới... Kinh nghiệm từ các nước cũng là một bài học cần thiết cho hành trình thiết lập "hộ chiếu văn hóa Việt Nam".

TS NGUYỄN THỊ QUÝ PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên