16/12/2022 08:24 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tìm 'điệu nhảy mới trên nền nhạc cũ'

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản không hề dễ dàng, kể cả với những quốc gia giàu có trên thế giới... Kinh nghiệm từ các nước cũng là một bài học cần thiết cho hành trình thiết lập "hộ chiếu văn hóa Việt Nam".

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tìm điệu nhảy mới trên nền nhạc cũ - Ảnh 1.

Mô hình Kaapeli đã đưa sinh khí vào những tòa nhà bỏ hoang ở Helsinki - Ảnh: GETTY IMAGES

Theo thống kê mới nhất, có tổng cộng 1.155 di tích ở 167 nước được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trong đó, Ý dẫn đầu với 58 di sản. Thế nhưng, bất cứ sự tự hào nào cũng đi kèm với chi phí.

Từ lâu, câu chuyện bảo vệ các đền đài, tác phẩm nghệ thuật ở Ý đã dấy lên những mâu thuẫn về vấn đề ngân sách.

Nhà văn người Ý Silvia Marchetti bày tỏ sự thất vọng trên tờ CNN: "Chúng tôi bị chất nghẹt bởi hàng loạt bích họa nhà thờ, lâu đài thời trung cổ và tàn tích La Mã mà không biết phải làm gì với chúng, chứ đừng nói đến chuyện bảo quản sao cho phù hợp. Chúng tôi đã làm ngơ trước giá trị và vẻ đẹp của nó".

"Chi phí rẻ" cho di sản?

Bất chấp nguồn lợi kinh tế khổng lồ mà các di sản mang lại, nhiều quốc gia vẫn dè sẻn trong công tác bảo tồn.

Đấu trường La Mã - biểu tượng cho bề dày lịch sử, văn hóa của Ý - đón lượng khách tham quan lớn nhất nước, 6 triệu lượt mỗi năm, và đem lại nguồn doanh thu 5 tỉ euro mỗi năm cho ngành du lịch.

Thế nhưng, hẳn ai cũng choáng váng khi nhìn vào chi phí bảo dưỡng hằng năm với chỉ vỏn vẹn 800.000 euro (tức... 0,016% khoản thu).

Số tiền ít ỏi trên chủ yếu dùng để chi trả cho quá trình làm sạch đá cẩm thạch và lập danh mục các mẫu vật khảo cổ ở đây. Trong khi đó, những vết nứt trên bờ tường ngày càng lan rộng và một loạt mảnh vỡ đang rơi xuống mỗi ngày.

Không chỉ các di sản văn hóa mới bị bào mòn cho sự phát triển của ngành du lịch, các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực này cũng phải chịu chung số phận.

Những ngày gần đây, thành phố Tartu (thuộc Estonia) đang trải qua một cuộc khủng hoảng khi nhân viên thuộc bốn tổ chức văn hóa của thành phố đe dọa đình công để đòi tăng lương. Lạm phát phủ bóng đen lên khắp châu Âu khiến mức lương chỉ hơn 1.000 euro mỗi tháng của họ càng trở nên eo hẹp.

Tartu được lựa chọn làm Thủ đô Văn hóa châu Âu năm 2024, nhưng những đãi ngộ dành cho người làm văn hóa lại không hề tương xứng. Chia sẻ trên tờ báo ERR, một đại diện công đoàn tham gia vụ việc nói: "Chính quyền địa phương chuộng bê tông hơn con người".

Mỗi buổi sáng, người dân Manila (Philippines) lại đi ngang qua những tấm rào chắn nham nhở trên đại lộ Taft - nơi từng là khuôn viên của tòa nhà Manila Jai Alai kỳ vĩ. Kiệt tác kiến trúc Manila Jai Alai được xây dựng vào những năm 1940 và từng được xem là công trình Art Deco đẹp nhất châu Á.

Trải qua những trận chiến khốc liệt, tòa nhà vẫn đứng sừng sững ở trung tâm thành phố. Thế nhưng, vào năm 2000, chính quyền đã quyết định dỡ bỏ Manila Jai Alai để nhường chỗ cho dự án xây tòa án tư pháp mới.

Hai chục năm trôi qua, không một tòa án nào được dựng lên trên nền đất bỏ hoang, còn người dân Phillipines đã vĩnh viễn đánh mất một di sản.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Tìm điệu nhảy mới trên nền nhạc cũ - Ảnh 2.

Những vết nứt trên tường Đấu trường La Mã - Ảnh: GETTY IMAGES

Lựa chọn giữa đập bỏ và tái sử dụng

Để tránh những tình trạng tương tự diễn ra, một số địa phương thuộc châu Âu đang thực hiện mô hình mà họ gọi là "điệu nhảy mới trên nền nhạc cũ" - chuyển đổi công năng của các công trình kiến trúc cũ.

Hội đồng thành phố Helsinki (Phần Lan) đã thành lập Công ty bất động sản Kaapeli với mục đích tận dụng những tòa nhà bỏ hoang để tổ chức các hoạt động nghệ thuật, sáng tạo.

Hiện Kaapeli đang có 3 bảo tàng, 12 phòng trưng bày, nhà hát khiêu vũ, công ty xiếc, trường nghệ thuật và một loạt các nghệ sĩ, ban nhạc.

Không chỉ có thể tái sử dụng không gian cũ, mô hình này cũng gián tiếp làm giảm áp lực lên các di sản và tránh được tình trạng di sản bị hủy hoại để xây dựng các trung tâm thương mại, tòa nhà công quyền vì địa phương thiếu quỹ đất.

Giữa năm nay, UNESCO đã công bố danh sách những trường hợp thành công của tổ chức này trong công tác bảo tồn di sản.

Đáng chú ý phải kể đến trường hợp đền Abu Simbel (Ai Cập). Khu khảo cổ này gồm những đền đài kỳ vĩ do các pharaoh xây dựng vào khoảng đầu những năm 1200 trước Công nguyên. Theo thời gian, các công trình bị cát bao phủ và quên lãng.

Thế mà mới chỉ hơn 1 thế kỷ kể từ ngày được tái phát hiện (năm 1813), di sản này lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ do nước sông Nile dâng cao sau khi đập Aswan High được xây.

Trong một chiến dịch vô tiền khoán hậu, UNESCO đã huy động chuyên gia từ 50 nước cùng các kỹ thuật khảo cổ tiên tiến nhất. Các tượng đài đã được cắt cẩn thận thành các khối lớn, tháo dỡ, nâng và lắp ráp lại ở một vị trí mới cao hơn 65m và cách sông 200m.

Việc xây dựng đập nhằm mục đích phát triển nền kinh tế nông nghiệp của Ai Cập đã gây ra một cuộc tranh luận toàn cầu: chúng ta có nên lựa chọn giữa các di tích của quá khứ và một nền kinh tế thịnh vượng cho những người đang sống hôm nay?

Tại sao mọi người nên quan tâm đến những viên đá và tòa nhà cổ xưa khi rất nhiều người cần thực phẩm và hỗ trợ khẩn cấp?

"Trong quá trình thực hiện một chiến dịch bảo vệ chưa từng có để cứu các ngôi đền ở Ai Cập, UNESCO đã chứng minh rằng nhân loại không cần phải hy sinh quá khứ để đổi lấy sự phát triển ở hiện tại. Hoàn toàn ngược lại, các tượng đài có giá trị toàn cầu để giúp chúng ta hiểu mình là ai và cũng tượng trưng cho các cơ hội lớn để phát triển" - báo cáo của UNESCO viết.

Nền công nghiệp văn hóa là nhịp đập trái tim của quốc gia

Năm 2020, giữa thời điểm dịch COVID-19 đang diễn ra khốc liệt, nước Anh đã mở gói ngân sách trị giá 1,57 tỉ bảng để hỗ trợ cho các tổ chức văn hóa và bảo vệ di sản.

Hàng ngàn tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm nghệ thuật biểu diễn, nhà hát, di sản, cung điện lịch sử, bảo tàng, phòng trưng bày và rạp chiếu phim độc lập đã tiếp cận các khoản vay và trợ cấp khẩn cấp. Đây là khoản cứu trợ văn hóa lớn nhất lịch sử đất nước này.

Lý giải về gói trợ cấp khổng lồ, Thủ tướng nước Anh khi ấy, ông Boris Johnson, đã nói: "Từ các nhà hát kịch mang tính biểu tượng, những triển lãm nghệ thuật mê hoặc cho đến những buổi diễn âm nhạc ở địa phương, nền công nghiệp văn hóa đang là nhịp đập trái tim của quốc gia chúng ta. Số tiền này sẽ giúp bảo vệ ngành văn hóa cho thế hệ tương lai".

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Đừng để giàu nhưng không sang Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Đừng để giàu nhưng không sang

TTO - Câu chuyện văn hóa nông thôn - một cấu thành của hộ chiếu văn hóa Việt Nam - được chú trọng bàn luận ở hội thảo mang chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên