07/12/2022 08:53 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Kết nối bảo tàng và giảng đường

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) như một chiếc áo gấm đang nằm yên ở Linh Trung, Thủ Đức.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Kết nối bảo tàng và giảng đường - Ảnh 1.

Chiếc đàn đá hoạt động bằng sức nước của dân tộc Raglai ở Khánh Hòa tại phòng trưng bày Nhạc cụ truyền thống các dân tộc - Ảnh: L.ĐIỀN

Xây dựng hiệu quả mô hình kết nối bảo tàng và giảng đường này cũng là một cách tạo thêm giá trị cho "hộ chiếu văn hóa Việt Nam".

Trong buổi gặp nhau mới đây, bà Cao Thu Nga, giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, cho biết một vị đại diện lãnh sự quán nước ngoài tại TP.HCM vừa đến đặt vấn đề chọn không gian tại trường để đặt một bức tượng vừa có giá trị mỹ thuật vừa mang chứa câu chuyện lịch sử.

Dù vậy, hiện nay còn ít người biết về một bảo tàng đã ra đời 15 năm (thành lập từ 22-8-2007) có các hoạt động đáng kể với kho hiện vật quy mô và độc đáo có thể khiến các nhà chuyên môn xuýt xoa khi tiếp cận.

Tấm áo gấm ở Linh Trung - Thủ Đức

Theo cơ cấu tổ chức, bảo tàng trực thuộc trường (là bảo tàng học đường đầu tiên trong hệ thống các ĐH phía Nam), nhưng tầm vóc và định hướng của Bảo tàng Văn hóa - Lịch sử Đại học Khoa học xã hội và nhân văn không chỉ giới hạn trong không gian trường lớp. Đây là điều tâm huyết được tiếp nối không gián đoạn qua ba lượt giám đốc.

Cho nên, giới khảo cổ sẽ thực sự ngưỡng mộ khi thấy ở đây những cổ vật thời tiền sơ sử như những chiếc cuốc đá, bàn xoa có niên đại 4500 năm - 3500 năm cách ngày nay. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ một vòng đá cỡ lớn niên đại 3500 năm cách ngày nay khai quật được ở Đồng Nai nhưng chưa rõ công năng, chỉ đoán định thuộc nhóm công cụ lao động.

Bên cạnh các hiện vật dĩa, bát, bình gốm thời Lý, Trần, Lê; bảo tàng còn giữ được một viên gạch (không nguyên vẹn) có in trên mặt ba chữ "Giang Tây quân". Đây là cổ vật có niên đại thời Bắc thuộc (đời Đường), và sự hiện diện của viên gạch tại đây là điều rất thú vị đối với không chỉ những sinh viên đất phương Nam mà cả những ai có dịp đến tham quan, tìm hiểu.

Trong điều kiện còn eo hẹp nhiều bề, bảo tàng vẫn tổ chức được sáu phòng trưng bày thường trực với 5.200 hiện vật: Tiền sử - lịch sử Việt Nam, Nghề và các làng nghề truyền thống, Đời sống văn hóa các dân tộc, Nhạc cụ truyền thống các dân tộc, Trang phục truyền thống các dân tộc, Biển đảo Việt Nam.

Giáo dục toàn diện - khai phóng - đa văn hóa

Trong phương châm "Đưa bảo tàng đến giảng đường, đưa giảng đường đến bảo tàng", các phòng trưng bày đón rất nhiều đợt tham quan học tập từ các khoa sử, Đông phương, ngành dân tộc học, nhân học...

Thật thú vị khi người tham quan có thể thực mục sở thị không chỉ trang phục của các dân tộc tận vùng Tây Bắc Tổ quốc, bảo tàng còn lưu giữ các hiện vật độc đáo như chiếc nỏ của người dân tộc vùng Đồng Nai thượng với chiếc thước cân chỉnh (?) kẹp bên thân nỏ, khác lạ so với nỏ của các vùng khác.

Bà Cao Thu Nga cho biết bảo tàng là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, với triết lý giáo dục hiện nay của trường là: giáo dục toàn diện - khai phóng - đa văn hóa.

"Bảo tàng đã kết hợp chặt chẽ với bộ môn khảo cổ học thuộc khoa lịch sử, khoa văn hóa học, ngữ văn Anh, ngữ văn Trung, Hàn Quốc học, du lịch, giáo dục học, Đông phương học... trong việc hướng dẫn sinh viên tham quan, học tập và thực tập thực tế, sinh hoạt ngoại khóa tại bảo tàng.

Ngoài ra còn tham gia hỗ trợ các chương trình tham quan học tập về nguồn, tư vấn tuyển sinh của học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận...", bà Nga chia sẻ.

Dư địa cho bảo tàng trường đại học

ảnh box - Chi_Hau_Thu_Nga_2 1 1(Read-Only)

TS Nguyễn Thị Hậu (trái) và bà Cao Thu Nga trong một phiên giám định hiện vật tại kho - Ảnh: L.ĐIỀN

Trước câu hỏi của Tuổi Trẻ: "Nhìn từ góc độ truyền tải ý thức trân trọng, thấu hiểu và giữ gìn di sản, môi trường ĐH với mô hình bảo tàng như thế có được "dư địa" như thế nào để tổ chức các hoạt động?", TS Nguyễn Thị Hậu, người cộng tác nhiều với Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, chia sẻ những hoạt động của bảo tàng trường ĐH đầu tiên vẫn cần mang tính "truyền thống" của bảo tàng học, đó là tổ chức hệ thống trưng bày cố định và chuyên đề.

Tuy nhiên với đặc thù của một trường ĐH về khoa học xã hội và nhân văn nên phần trưng bày của bảo tàng chủ yếu về lịch sử - văn hóa Việt Nam nói chung và các dân tộc, vùng miền của đất nước nói riêng; sau đó hướng đến văn hóa khu vực Đông Nam Á, châu Á và rộng hơn khi có điều kiện phù hợp.

Thứ hai, đó là việc tổ chức và phối hợp các tọa đàm, hội thảo về kết quả nghiên cứu, khảo sát, thực tập... của các khoa, ngành trong trường, vừa thông tin kịp thời kết quả nghiên cứu, vừa tạo mối liên kết, liên ngành trong nghiên cứu, giảng dạy; tạo môi trường cho sinh viên nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, tổ chức xuất bản các cuốn catalogue về hiện vật bảo tàng theo từng sưu tập nội dung, cung cấp tư liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập đồng thời góp phần quảng bá cho trường ĐH.

Thứ tư, xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác với hệ thống công lập bảo tàng trong nước và bảo tàng ngoài công lập, với các nhà nghiên cứu và sưu tầm tư nhân, góp phần tăng cường hoạt động bảo tàng, trong đó có việc sưu tầm, trao đổi hiện vật nhằm làm phong phú, đa dạng hơn nguồn tài liệu hiện vật của bảo tàng.

Thứ năm, tổ chức các hoạt động phục vụ việc tuyên truyền học tập chính trị của trường ĐH.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Du lịch di sản cần cách tiếp cận thú vị Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Du lịch di sản cần cách tiếp cận thú vị

TTO - Sau nhiều năm hoạt động trong ngành du lịch, Võ Hoàng Phúc (Phúc Võ) - người sáng lập nhóm Saigon Morning Ride - nhận ra người Việt hay người Việt trẻ vẫn rất quan tâm văn hóa truyền thống, vấn đề là phải tiếp cận sao cho thú vị.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên