18/12/2022 10:44 GMT+7

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Văn hóa - sức mạnh nội sinh của đất nước

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Hội thảo văn hóa năm 2022 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 17-12 tại Bắc Ninh.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Văn hóa - sức mạnh nội sinh của đất nước - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng (thứ hai và thứ ba từ phải qua) và các đại biểu dự hội thảo văn hóa năm 2022 tham quan triển lãm giới thiệu văn hóa Bắc Ninh bên lề hội thảo - Ảnh: BTC

Hội thảo đã thu nhận nhiều tiếng nói để vực dậy văn hóa, đặc biệt là những đề xuất chính sách để văn hóa không chỉ sinh ra đạo lý mà còn làm ra tiền của.

Hội thảo được đánh giá hữu ích khi tập hợp được nhiều ngành, nhiều giới cùng tham gia, bao gồm cả những người đang trực tiếp làm văn hóa như các nghệ sĩ, kiến trúc sư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa...

Trông chờ thí điểm mô hình hợp tác công tư trong văn hóa

Đại diện tiếng nói của doanh nghiệp duy nhất phát biểu tại hội thảo, trong phiên thảo luận buổi chiều, bà Ngô Thị Bích Hạnh - tổng giám đốc BHD - nêu lên thực trạng khó khăn là hiện nay chưa có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, như lĩnh vực điện ảnh mà bà đang tham gia không được điều tiết tốt từ Nhà nước.

Bà Hạnh nêu hiện trạng điện ảnh có nhiều điểm mà Bộ VH-TT&DL không thể giải quyết được và bà mạnh dạn đề xuất Chính phủ cần thành lập riêng một tổ chuyên môn hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa. Tổ chuyên môn đó ngoài đại diện của Bộ VH-TT&DL sẽ có thêm đại diện từ Bộ Tài chính, ngành thuế, Bộ Kế hoạch - Đầu tư...

Bà cũng đề xuất có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư văn hóa với mức lãi suất thấp như đầu tư cho nông nghiệp. Ngoài ra bà cũng "khóc" về thực tế "quá khổ" là đoàn làm phim nào nếu một ngày quay ở 12 - 14 địa điểm thì sẽ cần phải có đủ chừng đó cái giấy phép.

Từ phía nhà quản lý, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Duy Đông cho biết tin mừng về việc cho phép thí điểm hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa. Ông Đông cho rằng mô hình hợp tác công tư (PPP) có thể rất phù hợp trong các lĩnh vực công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, thời trang. Bộ này đã báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho phép thí điểm đầu tư các dự án PPP trong văn hóa tại TP.HCM.

Cùng góp ý kiến về đổi mới này, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - tin tưởng các dự án PPP cho văn hóa sẽ "giúp cho đất nước này bay lên".

Trong phát biểu kết luận và bế mạc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết hiện chưa sửa được Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng Chính phủ và Quốc hội đang tích cực xúc tiến để sớm cho phép thí điểm chính sách hợp tác công tư trong đầu tư lĩnh vực văn hóa ở TP.HCM.

Ông cho biết trong hai tuần tới, trung ương sẽ làm việc với TP.HCM để sớm xây dựng thí điểm chính sách này. TP đang có danh mục 53 dự án văn hóa muốn triển khai đầu tư theo hình thức hợp tác công tư.

Thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, là làm thế nào để phát huy tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa - sáng tạo... Đặt văn hóa vào giữa quy hoạch phát triển quốc gia sẽ đảm bảo phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững. UNESCO ghi nhận Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực.

Ông Christian Manhart (trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam)

Chung tay làm sạch mạng xã hội

Câu chuyện tràn lan rác độc trên mạng xã hội cũng được trao đổi sôi nổi tại hội thảo. Ông Bùi Quang Huy - bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đoàn - cho biết dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên Việt Nam với nòng cốt là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò xung kích trong đấu tranh chống lại các sản phẩm, thông tin xấu độc, lai căng lan truyền trên mạng xã hội.

Cán bộ, đoàn viên các cấp đã phát động và tổ chức hiệu quả cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội, với mục tiêu đưa thông tin tích cực trở thành luồng thông tin chủ đạo, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", "lấy thông tin tích cực đẩy lùi thông tin tiêu cực", làm lành mạnh hóa môi trường mạng xã hội.

Từ phía cơ quan quản lý không gian mạng, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết tin vui là Bộ TT-TT thời gian qua đã đạt được một số thành tích trong việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Việc xử lý các nền tảng xuyên biên giới không còn quá khó khăn nữa, bởi từ nhận thức, ý chí tới một số chính sách để xử lý việc này đã được hoàn thiện.

Nhưng ông mong rằng việc dọn rác trên mạng sẽ có sự chung tay của từng người dân tham gia cùng các cơ quan nhà nước. Bởi không thể cứ vứt rác ra đường rồi mắng mỏ người quét rác không dọn rác tốt.

Ông Lâm cũng cho biết sắp tới Bộ TT-TT sẽ chủ động ngăn chặn rác độc từ gốc, chứ không phải như hiện nay để nó tràn lan trên mạng rồi đi dọn dẹp.

Sẽ không "bảo hộ ngược" cho doanh nghiệp nước ngoài

Liên quan tới câu chuyện làm nóng truyền thông thời gian qua đó là những bất bình của doanh nghiệp nội địa trước việc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp nền tảng xuyên biên giới ở Việt Nam nhưng không tuân thủ luật pháp Việt Nam, gây bất bình đẳng rất lớn cho doanh nghiệp nội ngay trên chính sân nhà, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết Việt Nam sẽ "không thể tiếp tục bảo hộ ngược những doanh nghiệp nước ngoài đã không tuân thủ pháp luật lại còn làm khó doanh nghiệp trong nước nữa".

Ông cho biết với nghị định 71 vừa ban hành, sửa đổi quy định về nâng cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2023, các cơ quan quản lý Việt Nam hoàn toàn có quyền yêu cầu tất cả các nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ ngay các quy định như doanh nghiệp trong nước. Nếu không tuân thủ sẽ bị chặn.

"Phải tạo được sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam một mặt tuân thủ pháp luật Việt Nam, một mặt mang nguồn lực của họ sản xuất những nội dung trong nước để phát trên các nền tảng của họ cho không chỉ khán giả Việt Nam mà quốc tế cũng có thể xem", ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho biết Bộ TT-TT trong năm tới sẽ yêu cầu các nhà sản xuất tivi thông minh, điện thoại thông minh bán ra ở đất nước Việt Nam phải cài đặt sẵn những ứng dụng cung cấp nội dung báo chí truyền hình hợp pháp, có giấy phép và không được nghiễm nhiên cài đặt những ứng dụng như YouTube và Netflix mà không báo cáo cơ quan nhà nước. 

"Vì những kênh đó mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì không được cài sẵn trên tivi, trên điều khiển từ xa. Nếu đã cài sẵn bán đến nhà dân rồi thì cũng phải bỏ đi", ông Lâm nói.

Nên làm lại đề án quốc phục

AO DAI NGU THAN DINH LANG VIET 1(Read-Only)

CLB Đình làng Việt chọn áo dài ngũ thân làm trang phục cho nhóm tham gia các hoạt động xã hội - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Tại phiên thảo luận buổi chiều, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông đã được đề nghị trả lời câu hỏi của một người dân theo dõi hội thảo trực tuyến - một nghệ nhân may áo dài truyền thống. Người này đặt câu hỏi tại sao vẫn chưa vinh danh chính thức áo dài là quốc phục của Việt Nam.

Ông Đông trả lời hơn 10 năm trước ngành văn hóa cũng đã tiến hành bầu chọn quốc hoa, quốc phục nhưng có nhiều ý kiến trái ngược nên bộ nhận thấy cần phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, cần thời gian kiểm chứng.

Dẫn ra thực tế hiện ở Huế đang có phong trào rất tốt là phục hưng tà áo dài truyền thống, ông Đông cho rằng tương lai nên làm lại đề án quốc phục, nhưng phải cân nhắc, thận trọng.

Học gì từ Hàn Quốc để phát triển công nghiệp sáng tạo?

Ông Park Nark Jong - nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam - cho biết ở Hàn Quốc, chỉ riêng luật khuyến khích công nghiệp sáng tạo đã có sáu luật liên quan gồm: luật khung về thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, luật xúc tiến ngành nội dung, luật xúc tiến văn hóa và nghệ thuật, luật sản phẩm video và hình ảnh điện ảnh, luật xúc tiến ngành công nghiệp âm nhạc, luật xúc tiến ngành công nghiệp trò chơi.

Luật bảo vệ sáng tạo nội dung cũng có tới bốn luật là luật bản quyền, luật thương hiệu, luật bảo vệ thiết kế, luật khung về sở hữu trí tuệ.

Về đầu tư cho văn hóa, ông Park Nark Jong dẫn một ví dụ: năm 2022, riêng dự án hỗ trợ sản xuất nội dung vũ trụ ảo ở Hàn Quốc đã được đầu tư tới 12,7 triệu USD.

Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Lo ngại khủng hoảng văn hóa ở nông thôn Hộ chiếu văn hóa Việt Nam: Lo ngại khủng hoảng văn hóa ở nông thôn

TTO - Nông thôn - nơi gìn giữ, bảo lưu văn hóa truyền thống, cội nguồn của sức mạnh dân tộc - sẽ là tấm hộ chiếu văn hóa có giá trị mạnh mẽ cho Việt Nam tiến bước vững chắc vào tương lai.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên