28/04/2018 14:13 GMT+7

Gặp những thuyền trưởng chỉ muốn vào tù trên đất Indonesia

LÊ NAM (từ Natuna, Indonesia)
LÊ NAM (từ Natuna, Indonesia)

TTO - Tại Indonesia, chúng tôi nhắn cho thuyền trưởng Hứa Minh Trung - một trong các thuyền trưởng tàu cá tỉnh Kiên Giang đang bị tạm giam ở quần đảo Natuna. Mãi đến sẩm tối, Trung và các anh em thuyền trưởng mới đến được điểm hẹn.

Gặp những thuyền trưởng chỉ muốn vào tù trên đất Indonesia - Ảnh 1.

Các thuyền trưởng chịu nhiều oan khuất đã nhiều lần ra tòa, hết sức mệt mỏi và nhụt chí, muốn đi tù... - Ảnh: LÊ NAM

Hôm ấy, trại tạm giam Viện Công tố tỉnh Natuna có tiệc nên họ siết chặt kiểm soát hơn mọi ngày. Chật vật lắm các anh mới kiếm cớ ra ngoài được.

Muốn đi tù mà không được

Nhận từ chúng tôi ít thuốc men và một ít tiền từ người nhà ở Kiên Giang chuyển sang, Trung nắm tay chúng tôi thật chặt, nhắn nhủ: "Nhờ anh hỏi giúp có cách nào xin cho tui được... đi tù không?". À, chỉ có đi tù, thụ án xong mới được trở về nhà. Còn không, cứ dằng dai thế này năm này qua năm khác. Những người còn lại trong nhóm nhìn thấy tương lai mù mịt cũng chủ động xin đi tù. Rồi Trung ứa nước mắt: "Lâu quá rồi không được về nhà, ông già tuổi cao, lại đau ốm suốt, sợ rằng đến khi được về thì không kịp gặp mặt. Năm ngoái, má tui đã mất, còn tui bị kẹt ở đây, giờ chỉ còn ông già mà thôi...".

Cuối tháng 12-2017, chủ tọa Marselinus Ambarita - Tòa án Ranai, tỉnh Natuna - ra phán quyết phạt Trung và đồng hương Lê Thanh Thiện 300 triệu rupiah (khoảng 492 triệu đồng) hoặc 4 tháng tù giam. Nhưng cả Trung và Thiện đều kháng án vì khẳng định mình bị bắt oan khi đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam. Tại tòa, Trung dõng dạc đọc bản bào chữa, khẳng định mình bị oan và có thể minh oan bằng cách yêu cầu mở lại thiết bị định vị GPS (đã bị phía Indonesia tịch thu), đối chất với nhân chứng... Nhưng các yêu cầu này đều bị từ chối dù có sự can thiệp của luật sư người Indonesia và những động thái ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia.

Phán quyết cuối cùng của Tòa Pekanbaru chuyển xuống cho Tòa án Ranai hồi đầu tháng 3-2018 cho biết: Hứa Minh Trung phải đóng phạt 500 triệu rupiah (khoảng 820 triệu đồng) và Lê Thanh Thiện là 300 triệu rupiah mà không có lựa chọn phạt tù.

“Chúng tôi mong muốn được mở lại thiết bị định vị để họ thấy rằng chúng tôi bị bắt trong vùng biển Việt Nam, chứ không phải vị trí nằm sâu trong biển Indonesia được ghi trong biên bản tiếng Indonesia mà chúng tôi buộc phải ký vào vì bị đe dọa tính mạng

Thuyền trưởng Lưu Văn Lý

Chưa có tiền lệ

Cả Trung và Thiện đều là những thuyền trưởng rắn rỏi, mạnh mẽ với hàng chục năm lênh đênh trên biển ngày nào, mà khi nắm tay chúng tôi thì lòng bàn tay rịn mồ hôi vì sợ "nghĩ đến khoản tiền phải đóng để đổi lại tự do tụi tui sợ quá. Tiền đâu mà đóng cho nổi anh ơi!". Làm thuyền trưởng, họ cũng chỉ là những người làm thuê nuôi gia đình. Mỗi lần ra khơi luôn mong mỏi trúng được luồng cá lớn, sớm quay về và có thêm chút tiền cho vợ con. Số tiền đóng phạt kia là điều không thể nghĩ đến, nó quá sức của những người làm thuê...

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của Trung trong phòng xử án ở phiên cuối cùng. Anh tỏ ra khá hồi hộp, tay cứ mở ra đóng vào nhiều lần tờ giấy nhàu nát, trên đó ghi nguệch ngoạc nội dung bào chữa của mình. Tờ giấy có đoạn: "Kính thưa quý tòa, tôi đã kêu oan nay không nhắc lại nữa. Tôi chỉ muốn nói các ý sau: Vị trí ghi trong cáo trạng không phải là vị trí tôi bị bắt. Tôi bị bắt một nơi và bị lôi sang nơi khác lập biên bản. Đề nghị tòa đem thiết bị định vị GPS của tàu tôi ra đối chiếu. Tôi khai thác theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Tôi không xâm phạm biển Indonesia".

Tôi mang câu chuyện của Trung và Thiện nói với một số thẩm phán ở Tòa Ranai. Các vị này cho biết là khó vì chưa có tiền lệ. Trao đổi với chúng tôi, vị thẩm phán đề nghị không nêu tên cho biết nhiều năm xử các vụ tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Indonesia của ông thì nhóm các thuyền trưởng tàu cá tỉnh Kiên Giang là trường hợp lạ nhất, "họ cương quyết không nhận tội, trong khi ở những vụ khác người ta chấp nhận ngồi tù để sớm về nước. Các phiên xử đó rất nhanh và hầu như chẳng có ai thuê luật sư bào chữa, kháng cáo hay phản biện, không như lần này".

Theo phân tích của vị thẩm phán này, nếu không có tiền đóng phạt, chắc chắn hai thuyền trưởng Trung và Thiện không thể rời khỏi Indonesia. Trong trường hợp muốn xin Tòa tối cao Jakarta xem xét lại phán quyết của tòa địa phương thì phải làm đơn mất thêm 3-12 tháng, sau đó tòa án tối cao mới nhận được đơn. "Còn từ đó đến khi nào có phán quyết mới thì chưa biết vì chưa có tiền lệ" - vị này nói.

Nhìn thấy tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" của hai đồng hương, hai thuyền trưởng Lưu Văn Lý và Lê Thanh Thừa (em ruột của Thiện) hôm ra tòa giữa tháng 4-2018 một mặt vẫn đề nghị mở GPS để được minh oan nhưng chủ tọa phiên tòa từ chối, họ đã xin được đi tù.

Cha già trông mong con, vợ mong chồng

Ông Ngô Đức Minh - chủ tàu của Trung, từ TP Rạch Giá - cho biết Trung là thuyền trưởng kỹ tính, chín chắn và có nguyên tắc. Ông nói ông có niềm tin không thể có chuyện Trung đưa tàu vào vùng biển Indonesia đánh cá nên động viên và ủng hộ Trung kháng án, khiếu kiện đòi công lý đến cùng. Tuy nhiên, ông cho biết mấy bữa nay liên lạc với Trung thấy anh lung lạc khi rơi vào hoàn cảnh oái oăm này. "Chẳng biết sao nữa, vì không có tiền đóng phạt, Trung muốn đi tù mà không được" - ông chủ tàu cũng lúng túng.

Ông Hứa Văn Kia (cha Trung), năm nay đã 88 tuổi, ước mong con trai về "thắp cho mẹ nó cây nhang". Ngôi nhà mái lá trống trải, tuềnh toàng trên đảo Hòn Tre càng vắng hơn khi nhìn thấy cảnh ông cụ 88 tuổi lóng ngóng chơi với con bé 18 tháng tuổi của Trung.

Còn trong căn nhà lợp mái tôn cặp bên quốc lộ 80 ở ấp Sơn Tiến (thị trấn Sóc Sơn, tỉnh Kiên Giang), chị Nguyễn Minh Thư - vợ thuyền trưởng Lê Thanh Thiện - rơi nước mắt khi con cứ hỏi: "Vì sao cha đi lâu dữ chưa về?"...

thuyen truong

Thuyền trưởng Lưu Văn Lý (trái) lên xe về trại giam sau một phiên tòa - Ảnh: LÊ NAM

Các thuyền trưởng nói bị bắt trái phép

Lúc 12h ngày 13-4-2017, các tàu cá do những thuyền trưởng này điều khiển (thuộc tỉnh Kiên Giang) được cấp phép khai thác ở vùng biển Việt Nam tại khu vực cách đông nam Hòn Khoai, Cà Mau 148-155 hải lý thì bị lực lượng vũ trang Indonesia rượt đuổi, vây bắt và cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Các thuyền trưởng đều không thừa nhận cáo trạng của Viện Công tố tỉnh Natuna, Indonesia và kháng cáo. Họ có đơn kêu cứu yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Indonesia điều tra, xác định lại tọa độ các tàu cá trước và tại thời điểm bị bắt. Tuy nhiên, các nỗ lực này không được đáp ứng và họ đang bị giam cầm, bị đòi tiền chuộc. Thuyền trưởng Lưu Văn Lý - trưởng nhóm các thuyền trưởng phản đối, kháng cáo các phán quyết của Tòa Ranai - buồn rầu tâm sự các anh có niềm tin vững chắc vào công lý và sự thật, dù thật sự mệt mỏi...

LÊ NAM (từ Natuna, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên