14/03/2017 08:49 GMT+7

Gạc Ma và nén nhang giữa sân trường

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Hôm nay 14-3, khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tiến hành nghiệm thu kỹ thuật và chuẩn bị cho lễ khánh thành dự kiến vào cuối tháng 7-2017.

*** Error ***
Học sinh Trường THPT Lê Thế Hiếu chuẩn bị dâng hương tại lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma - Ảnh: L.Đ.D.

Nhưng sự tưởng niệm và nhắc nhở về chủ quyền biển đảo, về nỗi đau Gạc Ma không chỉ ở những quần thể tượng đài, công viên hoành tráng!

Hôm 11-3, tại Trường THPT Lê Thế Hiếu (vùng Cùa, huyện Cam Lộ, Quảng Trị), mấy trăm thầy trò của ngôi trường này đã trang trọng tổ chức buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma vào ngày 14-3-1988.

Một mặt bàn lộng kiếng hóa thành mặt biển, tên tuổi, quê quán của 64 liệt sĩ được in thành từng ô giấy chữ nhật gắn lên bàn tượng trưng cho thân xác các anh.

Và thầy trò của trường thành kính đốt 64 nén trầm đặt lên đầu mỗi dòng tên như bia mộ, khói nhang bay lên trong buổi sáng giữa sân trường ở một vùng núi đồi hẻo lánh như hòa quyện với tinh thần của ông cha từ thế kỷ trước.

Bởi chính cạnh bên ngôi trường này là dấu tích của thành lũy Tân Sở - nơi ngày xưa vua Hàm Nghi đã bỏ kinh đô ra đây lập căn cứ (1885), xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đánh Pháp.

Tinh thần của vị vua yêu nước từ thế kỷ XIX và bài học lịch sử tri ân của thầy trò tại ngôi trường trên vùng đất lịch sử này thêm một lần nữa trao truyền tới chúng ta thông điệp thiêng liêng về tình yêu đất nước, về sự hi sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Thầy Thái Quốc Khánh, hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu, nói với PV Tuổi Trẻ: “Năm trước, ngày 14-3 chúng tôi đã mặc niệm các liệt sĩ Gạc Ma trong buổi chào cờ đầu tuần và quyết định năm nay sẽ tổ chức lễ tưởng niệm như một buổi sinh hoạt ngoại khóa về bài học lịch sử.

Rất may là năm nay chúng tôi đã mời được 2 cựu binh Gạc Ma là anh Lê Hữu Thảo và anh Trần Thiên Phụng đến dự. Trong đó, anh Trần Thiên Phụng là 1 trong số 9 anh em bị Trung Quốc bắt làm tù binh trong vụ thảm sát Gạc Ma.

Chúng tôi tin rằng câu chuyện về Gạc Ma và sự gặp gỡ, trò chuyện với những nhân chứng người thật việc thật sẽ giúp thầy và trò thấm thía hơn về sự hi sinh và câu chuyện chủ quyền lãnh hải”.

Không chỉ ở Trường THPT Lê Thế Hiếu, năm trước khi đi công tác tại xã Hướng Phùng - một xã miền núi hẻo lánh thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cũng quá đỗi bất ngờ khi trong sân trường cả một quần thể mô hình biển đảo được thầy trò dựng lên với bản đồ Việt Nam, cột mốc chủ quyền Trường Sa, những di tích lịch sử.

Trong một hồ nước nhỏ, một hòn đảo được dựng lên, phía trên gắn những bức tượng chiến sĩ hải quân đang cắm lá cờ đỏ sao vàng.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng nói với chúng tôi: “Đây là hình ảnh về sự kiện Gạc Ma, những bài học lịch sử được chúng tôi dạy cho các em thông qua những mô hình mô phỏng ngay trong sân trường. Một lối đi nhỏ trong khuôn viên cũng được chúng tôi đặt tên là đường Trường Sa, đường Hoàng Sa”.

Tất cả đều có chung thông điệp: chừng nào Gạc Ma còn bị chiếm đóng trái phép, chừng nào Hoàng Sa và những Châu Viên, Chữ Thập... của Trường Sa chưa về cùng đất mẹ thì trong thẳm sâu cõi lòng mỗi người Việt phải luôn nhớ về nỗi đau ấy.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên