19/05/2017 09:11 GMT+7

FBI không còn 'quyền lực vô đối'

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đã có lúc quyền hành và sức ảnh hưởng của giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) lớn đến nỗi không tổng thống nào dám sa thải. 

Đó là trường hợp của J. Edgar Hoover, người đã nắm ghế giám đốc FBI trong suốt 48 năm.

Tổng thống cũng phải ngán

Chân dung J. Edgar Hoover, giám đốc FBI chưa tổng thống Mỹ nào dám sa thải - Ảnh: AP
Chân dung J. Edgar Hoover, giám đốc FBI chưa tổng thống Mỹ nào dám sa thải - Ảnh: AP

Tiền thân của FBI ngày nay là Cục điều tra Mỹ được thành lập vào năm 1908. Năm 1935, nó được đổi tên thành FBI và giữ nguyên cho đến hôm nay.

Nhìn lại lịch sử hoạt động, đã có giai đoạn phải nói là hoàng kim của FBI, nhất là từ khi ông Hoover lên làm giám đốc Cục điều tra và sau đó là FBI suốt từ năm 1924 đến 1972.

Dưới thời Hoover, FBI đã trở thành một cơ quan mật thám đúng nghĩa của Mỹ (dù người Mỹ không thừa nhận công khai).

Dưới sự chỉ đạo của Hoover, FBI đã thu thập thông tin và nắm thóp rất nhiều chính trị gia, nhà bất đồng chính kiến ở Washington, thậm chí cả tổng thống.

Có lẽ vì vậy mà Hoover đã trở thành trung tâm của sự chỉ trích và tranh cãi trong suốt thời gian cầm quyền ở FBI.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, 48 năm cầm quyền của Hoover đã đưa ông ta trở thành một huyền thoại của ngành điều tra Mỹ. FBI trở thành một cơ quan hiện đại - nơi tiên phong sử dụng các phương pháp điều tra mới như khám nghiệm tử thi, tập trung hóa dấu vân tay,…

Những cáo buộc nói ông lạm dụng quyền lực, vượt quá thẩm quyền cứ ra rả xuất hiện nhưng không một ai đưa ra được bằng chứng. Họ tố Hoover “chơi bẩn”, xài những cách bất hợp pháp để thu thập chứng cứ và thông tin rồi giữ chúng làm vật đe dọa những kẻ chống lại ông ta.

Kenneth Ackerman, một người chuyên viết tiểu sử, trong một bài viết trên tờ Washington Post, nhận định chuyện ông Hoover thu thập tin mật rồi nắm thóp các tổng thống Mỹ để không bị sa thải vẫn còn là tin đồn, song không loại trừ khả năng này.

“Hoover có mối quan hệ đặc biệt tốt với 2 tổng thống Mỹ là Franklin D. Roosevelt (nhiệm kỳ 1933 - 1945) và Lyndon Johnson (nhiệm kỳ 1963 - 1969). Những tổng thống còn lại, gồm Harry Truman, Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy và Richard Nixon đều có ít nhất 1 lần xem xét tới chuyện sa thải Hoover.

Nhưng xét cho cùng, giữ Hoover lại cũng có lợi cho sự nghiệp chính trị của họ. Những năm 1960, Hoover được biết đến rộng rãi với hình ảnh là một người trung thực, một giám đốc FBI đầy quyền lực.

Trong khi mối quan hệ của ông ta với tổng thống Kennedy thường xuyên căng thẳng, nhưng cũng chính Hoover, qua các đoạn băng nghe lén trùm du đảng Sam Giancana ở Chicago, đã phát hiện ra mối quan hệ giữa Kennedy và cô bồ nhí Judith Exner - người có dính líu tới các băng đảng ở Mỹ.

Theo ông Ackerman, danh sách những người bị Hoover nắm thóp rất nhiều, từ các thẩm phán của Tòa tối cao Mỹ như Louis Brandeis và Felix Frankfurter, đến các ngôi sao màn bạc bấy giờ như Mary Pickford và Marilyn Monroe, phu nhân Eleanor Roosevelt (vợ của Franklin D. Roosevelt), hay thậm chí cả nhà vật lý học Albert Einstein và nhà từ thiện John D. Rockefeller III.

Hơn 430.000 hồ sơ cá nhân của người Mỹ đã được Hoover thu thập tính đến năm 1960. Tất cả chúng đều được Hoover cất giữ trong văn phòng làm việc của ông ta với lý do “đây là các tài liệu cá nhân và tuyệt mật”.

Trở về đúng vị trí

Cựu giám đốc FBI Robert Mueller vừa được chỉ định làm công tố viên đặc biệt điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối quan hệ giữa các cộng sự của ông Trump với người Nga - Ảnh: Reuters
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller vừa được chỉ định làm công tố viên đặc biệt điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và mối quan hệ giữa các cộng sự của ông Trump với người Nga - Ảnh: Reuters

Sau cái chết của Hoover năm 1972 (bị trụy tim), các giám đốc sau đó của FBI bị giới hạn nhiệm kỳ tối đa 10 năm, do tổng thống chỉ định và phải được Thượng viện phê chuẩn.

Điều này nhằm đảm bảo người đứng đầu FBI sẽ độc lập trong quá trình làm việc bất kể tổng thống đương nhiệm thuộc đảng nào đồng thời hạn chế tập trung quyền lực quá lớn như thời Hoover.

FBI trở về một cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đúng nghĩa.

Kể từ khi áp dụng quy định mới, chỉ có duy nhất một người tái cử nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp là ông Robert Mueller. Đây cũng chính là người vừa được Bộ Tư pháp Mỹ chỉ định làm công tố viên đặc biệt phụ trách cuộc điều tra của FBI đối với nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Thực ra, ông James Comey không phải là giám đốc FBI đầu tiên bị sa thải. Năm 1993, đã từng xảy ra một sự vụ tương tự khi tổng thống Bill Clinton sa thải ông William S. Sessions - người được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm năm 1987.

Không lâu trước khi ông Clinton tuyên thệ nhậm chức, Sessions đối mặt với một loạt các cáo buộc vi phạm đạo đức của nhân viên hành pháp bao gồm sử dụng máy bay của FBI để đi thăm con gái, lắp đặt hệ thống an ninh ở nhà riêng bằng ngân sách của chính phủ,… Ngày 19-7-1993, tổng thống Clinton quyết định sa thải Sessions.

Tuy nhiên, trong vụ ông Comey bị ông Trump sa thải, sự nghiêm trọng của vấn đề đã được đẩy lên cao độ. Một phần xuất phát từ việc ông Comey đang dẫn đầu cuộc điều tra nhắm vào ông Trump và các cộng sự, phần khác xuất phát từ thực tế truyền thông Mỹ không ưa ông Trump nên quyết “vạch lá tìm sâu”.

Vụ việc được so sánh với vụ tổng thống Richard Nixon sa thải Archibald Cox - người phụ trách điều tra vụ bê bối nghe lén Watergate liên quan tới Nixon.

Truyền thông Mỹ ví von quyết định sa thải ông Comey ngày 9-5 là “Vụ thảm sát đêm thứ 7” của ông Trump, dựa trên vụ Nixon sa thải Cox năm 1973.

Ngày 20-10-1973, Nixon ra lệnh cho Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson và Thứ trưởng Tư pháp William Ruckelshaus sa thải ông Cox. Đây được xem là một hành động thể hiện quyền lực hành pháp chưa từng có sau khi ông Cox từ chối đưa ra các đoạn băng ghi âm những cuộc trò chuyện bí mật ở Phòng Bầu dục (nơi làm việc của tổng thống Mỹ).

Song hai ông này đã bất tuân và từ chức để thể hiện sự phản đối. Bộ Tư pháp Mỹ rơi vào thế như “rắn không đầu”, Robert Bork khi đó là Tổng biện lý sự vụ đã ngay lập tức được đẩy lên làm quyền Bộ trưởng Tư pháp.

Theo trang History, ông này đã miễn cưỡng tuân theo yêu cầu của Nixon và sa thải Cox. Chưa đầy nửa giờ sau, Nhà Trắng cử các đặc vụ FBI đến phong tỏa văn phòng của Công tố viên Đặc biệt, Bộ trưởng và Thứ trưởng Tư pháp.

Quyết định của Nixon đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ trong dư luận và quốc hội Mỹ. Đứng trước áp lực ngày càng lớn, Nixon quyết định nhượng bộ và bổ nhiệm Leon Jaworski làm công tố viên mới cho vụ Watergate.

Tháng 8-1974, tức một tháng sau khi những đoạn băng ghi âm ở Phòng Bầu dục liên quan tới Watergate được Jaworski tìm thấy, Nixon tuyên bố từ chức để tránh nguy cơ bị phế truất.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên