12/05/2017 12:56 GMT+7

Nhiều giả thuyết quanh chuyện sa thải sếp FBI

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Truyền thông Mỹ đang đưa ra nhiều cách lý giải khác nhau xung quanh quyết định bất ngờ sa thải giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu giám đốc FBI James Comey -
 Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu giám đốc FBI James Comey - Ảnh: Reuters

 

Phe Dân chủ đã phàn nàn hàng tháng trời về giám đốc Comey. Giờ khi ông ta bị sa thải, họ giả vờ như bị cư xử bất công. Thật giả dối

Ông TRUMP viết trên Twitter ngày 10-5

“Trong khi đánh giá cao việc ông đã thông báo với tôi, trong ba lần khác nhau, rằng tôi không bị điều tra, tôi cũng đồng ý với đánh giá của Bộ Tư pháp rằng ông không thể lãnh đạo hiệu quả FBI. Chúng ta cần thiết phải tìm lãnh đạo mới cho FBI, người có thể lấy lại sự tin tưởng từ công chúng và niềm tin nơi sứ mệnh thực thi pháp luật của cơ quan này” - Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trong bức thư gửi tới James Comey, vị giám đốc FBI vừa bị cho thôi chức hôm 10-5.

Nhuốm màu cá nhân?

Dư luận Mỹ sục sôi với quyết định của ông Trump, dù tổng thống Mỹ cho rằng điều đó phù hợp với đề nghị từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Jeff Sessions và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein. Phe chỉ trích cho rằng đây là một hành động bất ngờ, độc đoán và thậm chí nhuốm màu cá nhân.

Truyền thông Mỹ trong khi đó vạch ra rất nhiều giả thuyết đằng sau quyết định sa thải Comey mà ông Trump đưa ra. Họ nhắm vào thực tế rằng ông Comey đang là người đứng đầu cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, mà ông Trump liên tục bác bỏ cho đến nay.

Hầu hết các bài phân tích trên báo đài ở Mỹ cũng nhắm vào tính thời điểm. Họ muốn biết rõ tại sao ông Trump lại thẳng tay hành động trong thời điểm ông Comey có biểu hiện gia tăng cường độ và tần suất báo cáo - điều tra nghi án Nga “giúp đỡ” ông Trump trong thời gian gần đây, cũng như tham gia các phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo.

Theo lời phó thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, ông Trump trong vài tháng nay đã mất niềm tin vào ông Comey, và thực chất đã muốn buộc ông Comey thôi chức ngay từ ngày đầu làm tổng thống. Ý kiến này, nếu không mâu thuẫn với lời ông Trump như thường lệ, càng củng cố suy đoán về việc ông Trump cố ý lựa chọn thời điểm này để “ra tay”.

Có lý do để nghĩ rằng ông Trump cố tình kích động dư luận trong trường hợp Comey. Truyền thông Mỹ không khó để đưa ra thống kê đáng chú ý: Cả ba nhân vật bị ông Trump sa thải đều là những người tiến hành cuộc điều tra chống lại ông, bao gồm Comey, công tố viên khu vực nam New York Preet Barbara và quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates.

Rủi ro khi là tâm điểm

Phân tích về quyết định này, nghị sĩ Cộng hòa bang Texas Blake Farenthold nói: “Vấn đề thực sự là Comey trở thành tâm điểm của mọi thứ. Điều đó không nằm ở FBI. Gương mặt ông ta xuất hiện trên TV quá nhiều. Liệu bao nhiêu cựu giám đốc FBI như thế? Họ làm việc lặng lẽ và có phương pháp đằng sau cánh gà, thực hiện các cuộc điều tra. Họ không nằm trên mặt báo, và họ chẳng liên quan tới bầu cử”.

Và nếu có ai nhớ tới một đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, họ cũng sẽ nhận ra đã lâu rồi không nghe Nikki Haley lên tiếng nữa. Bà đại sứ này từng nổi rần rần trên mặt báo trong giai đoạn tháng 2, tháng 3 với các phát ngôn về chính sách cứng rắn của Mỹ với Nga, chính sách của Mỹ tại Syria... và được nhắc tới như một ứng viên tranh cử tổng thống năm 2024, theo NPR. Nhưng sau một câu nói đùa của ông Trump, rằng Haley có thể bị sa thải ngay nếu muốn, người ta đã chẳng nghe bà đại sứ phát biểu thêm lời nào nữa tới nay.

Sau tất cả, ông Trump ít nhiều đã mạo hiểm “tuyên chiến” với cuộc điều tra nhằm vào ông, đặt áp lực rất lớn lên người kế nhiệm ông Comey. Dù sắp tới quyền giám đốc FBI Andrew McCabe hay người mới do ông Trump bổ nhiệm có đảm đương, thì sự cân bằng giữa “điều tra nghi án Nga” và “điều tra vụ sử dụng email của bà Hillary Clinton” vẫn sẽ là tâm điểm.

Thông điệp đã khá rõ ràng. Một khi có những người theo khuynh hướng chống ông Trump, thì những người đó sẽ được báo chí Mỹ - vốn không ưa ông Trump - tung hô, nhưng cũng phải đối mặt với rắc rối. Ông Comey từng nổi đình đám từ tháng 7 năm ngoái, khi tuyên bố không khởi tố bà Clinton. Ông cũng nhận được sự quan tâm khi khi nói rằng FBI đang điều tra nghi án Nga. Về mặt niềm tin, một giám đốc FBI không thể tiết lộ quá trình điều tra khi chưa có kết quả. Im lặng chính là điều ông Trump cần.

Truyền thông Mỹ mô tả quyết định sa thải Comey là sự tái lập của “Thảm sát đêm thứ bảy” năm 1973, tức việc cựu tổng thống Richard Nixon sa thải Archibald Cox, một công tố viên đặc biệt điều tra vụ nghe lén Watergate.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên