26/04/2018 19:30 GMT+7

Facebook không dễ xử lý triệt để tin giả?

ĐỨC THIỆN - Đồ họa: THẠCH ĐỖ
ĐỨC THIỆN - Đồ họa: THẠCH ĐỖ

TTO - Nhiều ý kiến chuyên gia và người dùng trong nước đánh giá tích cực về bộ quy tắc ứng xử mới của Facebook, nhưng họ cũng băn khoăn về khả năng xử lý tin giả của mạng xã hội này.

Đáng chú ý nhất trong bộ quy tắc mới của Facebook là quy định cấm tin giả (Fake News) và cách xử lý của mạng xã hội này khi phát hiện tin giả.

Không dễ xử lý tin giả

Facebook không dễ xử lý triệt để tin giả? - Ảnh 1.

- Hồ Nguyễn Thảo Nguyên, PR Manager, Công ty Isobar: Tôi thấy tin giả hiện nay có nhiều mức độ, từ chuyện bịa để trào phúng cho đến bịa đặt vì một mục đích xấu nào đó. Vậy làm sao Facebook có thể lọc được những tin giả này khi rào cản ngôn ngữ quá lớn. Và trong quá trình lọc tin giả - vốn mất khá nhiều thời gian - thì chúng đã kịp thời lan truyền, Facebook sẽ áp dụng biện pháp gì để xử lý việc này hoặc ngăn chặn nó phát tán rộng thêm.

Tôi cho rằng Facebook nên xem xét lại việc đưa nội dung này vào bộ quy tắc vì một khi đưa vào thì phải làm đến nơi đến chốn, không thì kiểu như nói được cho vui mà không làm được thì sẽ rất tệ.

Facebook không dễ xử lý triệt để tin giả? - Ảnh 2.

- Bùi Việt Hiền Nhi, chuyên gia truyền thông: Những nội dung "Cấm" của Facebook đưa ra là tương đối thấu đáo, phù hợp với những quan ngại về thông tin mà người dùng và các cấp quản lý đang gặp phải thời gian gần đây.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao Facebook có thể thẩm định và quản lý hiệu quả những điều khoản mà mình đưa ra, vì thế giới thông tin và truyền thông là muôn hình vạn trạng. Việc quản lý này có cấp thời hay không, vì với khả năng phát tán thông tin như hiện nay thì nếu không có động thái cấp thời thì hiệu quả "ngăn chặn" có thể bằng không.

Bên cạnh đó, nếu chỉ cấm và gỡ thông tin, chặn người dùng, mà không có cơ chế khác thì việc cấm này chỉ mang tính bề nổi.

Nếu người dùng cố tình dùng Facebook như là kênh truyền thông chủ động thì rất khó quản lý hay cấm những nội dung cố ý này được lan truyền.

Ngoài ra, với các bộ quy tắc ứng xử ngày càng “dày” như vậy thì vô hình trung, Facebook không còn là trang thông tin tương tác chủ động của người dùng nữa.

Quy định cụ thể hơn

Facebook không dễ xử lý triệt để tin giả? - Ảnh 3.

- Facebooker Mai Cầm Thi: Nhìn chung, các điều khoản về cơ bản không có gì mới so với ban đầu, nhưng có quy định cụ thể hơn.

Tuy nhiên, các phần về hành vi bạo lực và tội phạm, gây nguy hiểm cho cá nhân và tổ chức được liệt kê kỹ nhưng chưa rõ phạm vi áp dụng và dựa trên bộ luật nào và làm thế nào để Facebook liên hệ với nhà chức trách nếu là trường hợp lớn.

Tương tự như thuốc, chất cấm tại các nước khác thì làm thế nào Facebook nhận biết được và cấm đăng tải, chia sẻ, quảng cáo đối với những mặt hàng này?

Phần xuyên tạc và tin giả chưa thực sự thuyết phục và có cơ sở đo lường, xử lý chính xác. Facebook chỉ mới đưa ra quy định chung chung cần phải có sự tham gia quyết liệt hơn nữa của các nước để đảm bảo không có thông tin xuyên tạc hoặc tin giả. Tương tự phần bảo vệ bản quyền cũng còn khá sơ sài và Facebook chỉ xử lý khi có report (báo cáo).

Riêng xét duyệt quảng cáo thì chặt chẽ hơn, kể cả những campaign (chiến dịch) đã dừng chạy nếu có vi phạm vẫn cần phải sửa. Kể cả việc chụp lại màn hình Facebook đăng lên cũng có thể bị cấm do Facebook ghi nhận đây là tài sản của họ, nếu chưa có sự cho phép của Facebook thì cũng không được làm.

Bên cạnh đó, việc cho phép người dùng report các nội dung họ cảm thấy chưa phù hợp nhưng lại dễ gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khi Facebook nhận được report từ một tài khoản khác sẽ khóa luôn tài khoản kia để xem xét mà bản thân tài khoản bị report không biết lỗi do đâu. Khi phản ánh ngược lại với Facebook thì phần trăm mở tài khoản là rất mong manh.

Người dùng phải có trách nhiệm hơn

Facebook không dễ xử lý triệt để tin giả? - Ảnh 4.

- Huỳnh Thanh Phi, Trưởng phòng tiếp thị toàn quốc, Công ty TNHH Việt Nam Star Automobile: Có một điểm người dùng cần lưu ý: Facebook thừa nhận việc yêu cầu người dùng cho phép thu thập toàn bộ dữ liệu trên thiết bị di động (điện thoại thông minh), trong đó bao gồm cả danh sách liên hệ, lịch sử cuộc gọi và tin nhắn… Mặc dù Facebook cam kết không bán dữ liệu, nhưng cũng không đảm bảo hoàn toàn dữ liệu người dùng sẽ được an toàn.

Do vậy, người dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách cẩn trọng với các dữ liệu mình chia sẻ trên Facebook và đọc kỹ các yêu cầu trước khi bấm đồng ý vào bất cứ điều khoản nào.

Facebook không dễ xử lý triệt để tin giả? - Ảnh 5.

- Facebooker Sỏi: Tôi nghĩ đây cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của Facebook, thể hiện sự thiện chí và sự cầu thị, hướng đến hoạt động minh bạch cần có của một doanh nghiệp trong thời đại thế giới phẳng để phục vụ tốt nhất cho người dùng.

Tuy nhiên người dùng không thể đòi hỏi Facebook tạo cho mình một môi trường mạng xã hội trong sạch được. Điều đó do người dùng quyết định bởi Facebook vốn chỉ cung cấp công cụ, còn nội dung là do người dùng tạo ra.

Do đó, người dùng cần có trách nhiệm hơn trong dùng mạng xã hội, cụ thể trong các khâu tiếp nhận thông tin, xác minh và chia sẻ.

Về quan điểm, tôi chỉ xem Facebook là một công cụ. Tôi sử dụng như thế nào là quyền của tôi và tôi là người kiểm soát công cụ đó, không phải công cụ kiểm soát tôi.

Làm sao để nhanh chóng nhận biết tin giả? Làm sao để nhanh chóng nhận biết tin giả?

TTO - Với hằng ha sa số thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng hiện nay, đâu là cách phân biệt tin thật - tin giả?

ĐỨC THIỆN - Đồ họa: THẠCH ĐỖ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên