18/02/2023 13:56 GMT+7

'Ép' mua bảo hiểm khi vay: Dân kêu cứu trong vô vọng

Nhiều người dân phản ảnh bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vẫn diễn ra, bất chấp báo chí lên tiếng. Dù đã "gõ cửa" hàng loạt cơ quan chức năng, cơ bản họ phải "tự bơi".

Người dân đang chờ Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt, có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong ảnh: trụ sở Bộ Tài chính - Ảnh: NAM TRẦN

Người dân đang chờ Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt, có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong ảnh: trụ sở Bộ Tài chính - Ảnh: NAM TRẦN

Nhiều người bị ép mua bảo hiểm đang đề nghị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và các cơ quan chức năng liên quan cần thể hiện vai trò, vị thế của mình tốt hơn.

Chuyển đơn và chuyển đơn

"Xin hỏi bao nhiêu bài báo lên án việc ngân hàng bắt tay bảo hiểm ăn trên đầu trên cổ người vay, có giải quyết được gì không ạ? Sáng nay 17-2-2023 tôi mới hỏi vay ngân hàng họ vẫn bắt mua bảo hiểm đây", bạn đọc Ngọc Lan chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

Khiếu nại nhưng bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối hoàn tiền, không biết bám víu vào đâu, vào ngày 21-10-2022, chị Hà (quận Bình Tân, TP.HCM) cho hay đã gửi đơn đến Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) khiếu nại.

Hơn nửa tháng sau chị nhận được "phiếu hướng dẫn", đề nghị chị gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm liên quan và tòa án cấp có thẩm quyền.

Chị gửi đơn, sau khoảng một tháng chờ đợi, vào giữa tháng 12-2022 Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm gửi thư phản hồi, cho biết đã nhận đơn tố cáo của chị Hà.

Sau khi xem xét nội dung trong đơn, cục chuyển đơn của chị Hà đến Công ty Manulife "để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật", và Manulife có trách nhiệm thông báo kết quả đến cục.

Đến nay, công ty bảo hiểm báo vẫn "đang trong quá trình xem xét", chị Hà mong muốn Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và các cơ quan chức năng liên quan cần quản lý chặt chẽ, không để bất kỳ ai phải bị tư vấn mập mờ khi tới giao dịch tại ngân hàng.

Đồng thời khi người dân khiếu nại, cục phải đồng hành, hỗ trợ, đi đến cùng, để khiếu nại được giải quyết thấu đáo nhất, không để người dân phải "tự bơi", tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm "không biết sợ" cơ quan chức năng.

Cũng phản ảnh bị mập mờ "lái" từ tiền gửi tiết kiệm sang bảo hiểm nhân thọ, chị K. (TP.HCM) cho biết do tới ngân hàng làm việc chứ không phải ở ngoài đường nên quá tin tưởng.

Biết thông tin Bộ Tài chính sẽ buộc ngân hàng lưu ghi âm tư vấn bảo hiểm, nhưng chị K. cho rằng giải pháp này vẫn chưa giải quyết được gốc rễ. Bởi nếu có lưu ghi âm tư vấn, nhưng khách hàng vẫn nắm đằng lưỡi, nếu ngân hàng không chịu trích bản ghi âm hoặc nói bản ghi âm bị hư.

Do đó, theo chị K., điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý giám sát, xử phạt thật nặng bên sai phạm. Không thể để doanh nghiệp bảo hiểm "trả lời trên báo rất ngon", nhưng khách hàng vẫn trầy trật khiếu nại.

Để chấm dứt trình trạng “ép” người vay vốn mua bảo hiểm tại các ngân hàng, kết quả thăm dò bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online - Đồ họa: T.ĐẠT

Để chấm dứt trình trạng “ép” người vay vốn mua bảo hiểm tại các ngân hàng, kết quả thăm dò bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online - Đồ họa: T.ĐẠT

Không thể né tránh nỗi khổ của dân

TS Phan Phương Nam - phó khoa luật thương mại Đại học Luật TP.HCM - nhận định Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) không thể đứng ngoài nỗi khổ của người dân.

Cần phải thanh tra, kiểm tra hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng có lỏng lẻo hay không, có triển khai theo đúng pháp luật hay không, nếu không phải phạt nặng. Sau đó cần công bố công khai các quyết định xử phạt, để người dân đánh giá, chọn lựa, nhận định độ uy tín của doanh nghiệp.

Cục cũng cần đánh giá bản thân đã quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm hiệu quả chưa, đã làm hết mình chưa, đặc biệt là hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Nếu hiệu quả tại sao người dân lại liên tục phản ảnh việc bị "ép" mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn, bị mập mờ thông tin để hiểu nhầm rằng gửi tiết kiệm đầu tư chứ không phải mua bảo hiểm nhân thọ?

Trường hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai đường dây nóng, cục cũng phải phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán bảo hiểm ở các ngân hàng bị người dân phản ảnh.

Trên thực tế, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng có thể gặp khó khăn, khi việc nhiều nhưng người làm ít, nhiều vấn đề phát sinh, do đó cần có cải thiện.

Cũng theo ông Nam, cần có quy định chi tiết, như với quy định đại lý bảo hiểm phải chứng minh đã giải thích rõ ràng, đầy đủ cho khách hàng, thì ngoài chữ ký của khách hàng, cần có camera/ghi âm lưu trữ trong thời gian bao lâu.

Hay trong ngân hàng cũng cần có khu vực riêng biệt - bàn dành cho đại lý bảo hiểm, giúp người dân nhận diện. Đồng thời cần có bảng tên, đồng phục... phù hợp để người dân nhận diện được ai là nhân viên ngân hàng thuần túy, ai là đại lý bảo hiểm.

Để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, cơ quan chức năng cũng cần tạo cơ chế phát triển dịch vụ bảo hiểm phụ trợ. Bên cạnh đại lý bảo hiểm, khách hàng cũng có thể tìm đến người tư vấn bảo hiểm độc lập, từ đó đưa ra quyết định mua bảo hiểm phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần thanh tra, kiểm tra quy trình cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại có đúng như cam kết hay không. Nếu việc mua bảo hiểm nhân thọ không phải điều kiện bắt buộc để ưu đãi lãi suất, ưu tiên giải ngân... thì phải rà soát lại hoạt động bán bảo hiểm tại ngân hàng.

Người dân có quyền mua bảo hiểm nhân thọ theo nhu cầu, khả năngtài chính. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Người dân có quyền mua bảo hiểm nhân thọ theo nhu cầu, khả năngtài chính. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Người dân cần cẩn trọng thế nào?

Theo TS Phan Phương Nam, bản thân người dân cũng cần có trách nhiệm và đặc biệt cẩn trọng khi ký tên vào các giấy tờ. Trường hợp tới ngân hàng gửi tiết kiệm thì phải có sổ tiết kiệm.

Nếu người tư vấn nói bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được tặng kèm, thì khách hàng cũng cần phải cầm về sổ tiết kiệm, bất kể nhân viên tư vấn có tìm cách giải thích như thế nào vẫn phải giữ lập trường.

Tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng bảo hiểm

Trong buổi giao lưu trực tuyến giữa độc giả báo Tuổi Trẻ và các luật sư trên tuoitre.vn ngày 17-2, ông Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội) và luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) đã nêu ra nhiều căn cứ pháp lý cho thấy việc ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ là sai.

Hàng trăm câu hỏi đã được bạn đọc gửi đến, như: Làm thế nào để không bị ép mua bảo hiểm khi vay tiền? Khi bị ép mua rồi giờ muốn chấm dứt có đòi lại tiền được không?...

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn quy định rằng việc mua bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện, không ép buộc và bên bán phải giải thích rõ quyền lợi và nghĩa vụ cho bên mua.

Nếu có dấu hiệu bị ép buộc thì hợp đồng bảo hiểm đó là vô hiệu và thậm chí bên bán có thể bị xử lý theo pháp luật.

Luật không cấm các tổ chức tín dụng bán bảo hiểm. Thời gian qua, do có phản ảnh của nhiều khách hàng liên quan đến việc vay vốn bị ép mua bảo hiểm nên Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân tố cáo, khiếu nại hành vi ép mua bảo hiểm, nếu có.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi nếu bị ép mua rồi giờ muốn thanh lý hợp đồng đòi lại tiền thì có được không, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nói rằng hợp đồng đã ký kết và có sự đồng thuận của khách hàng thì cần căn cứ vào nội dung của hợp đồng để xem xét có thể hủy được không. Thông thường, nếu bỏ hợp đồng (sau thời gian 21 ngày cân nhắc) khách hàng sẽ bị mất hầu hết số tiền đã đóng.

Với nhóm câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để vẫn vay được tiền mà không bị ép mua bảo hiểm thì luật sư cho rằng cần phải xem xét rõ xem hồ sơ của mình có đủ điều kiện để vay không: tài sản thế chấp, thu nhập, mục đích vay tiền... Nếu vẫn bị ép thì thu thập bằng chứng để khiếu nại, như lên đường dây nóng do Ngân hàng Nhà nước lập ra.

HOÀNG ĐIỆP ghi

"Ép" người vay mua bảo hiểm: Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng!'Ép' người vay mua bảo hiểm: Bảo hiểm nhân văn, đừng là ác mộng!

Bảo hiểm nhân thọ cần bảo vệ người dân trước rủi ro sức khỏe và tính mạng, tránh chạy theo doanh thu, thành "cơn ác mộng" của người đi vay, người gửi tiền và cả nhân viên ngân hàng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên