15/10/2022 15:02 GMT+7

Elon Musk muốn gây chú ý khi tuyên bố ngừng tài trợ Internet cho Ukraine?

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Giới chính trị quốc tế lại có dịp nhắc tên ông Musk, sau khi vị tỉ phú giàu nhất thế giới này xác nhận Công ty SpaceX sẽ ngưng miễn phí dịch vụ Internet bằng vệ tinh Starlink cho Ukraine.

Elon Musk muốn gây chú ý khi tuyên bố ngừng tài trợ Internet cho Ukraine? - Ảnh 1.

Tỉ phú Elon Musk - Ảnh: REUTERS

Thông tin SpaceX tuyên bố ngừng tài trợ Internet cho Ukraine được Đài CNN đăng tải hôm 14-10. Theo đó, CNN tiếp cận được một số tài liệu cho thấy SpaceX đã gửi một bức thư tới Bộ Quốc phòng Mỹ, cho hay họ không thể tiếp tục tài trợ dịch vụ Starlink, đồng thời yêu cầu Lầu Năm Góc tiếp quản nhiệm vụ trên.

Từ đầu năm nay, SpaceX đã cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink cho Ukraine. Dịch vụ này trở nên vô cùng quan trọng cho Ukraine, bởi quân đội nước này phải dựa vào Starlink để tổ chức liên lạc.

Được biết tới nay 20.000 đơn vị vệ tinh Starlink đã được SpaceX viện trợ cho Ukraine, và theo ông Musk, hoạt động trên đã ngốn của công ty khoảng 80 triệu USD, có thể vượt mốc 100 triệu USD vào cuối năm nay. Trong lá thư gửi Bộ Quốc phòng, SpaceX dự đoán chi phí sẽ cán mốc 400 triệu USD trong 12 tháng tới.

Sau bản tin của CNN, ông Musk xác nhận trên Twitter: "SpaceX sẽ không yêu cầu bù đắp chi phí trong quá khứ, nhưng cũng không thể tài trợ vô thời hạn cho hệ thống hiện nay… SpaceX không thể tiếp tục gửi hàng ngàn trạm phát sóng vốn dĩ tiêu thụ dữ liệu gấp 100 lần so với mức của các hộ gia đình bình thường".

Thông tin về lá thư của SpaceX được đưa ra trong bối cảnh Ukraine chứng kiến tình trạng mất Internet hàng loạt khi quân đội nước này đang cố gắng tái chiếm các khu vực bị Nga kiểm soát.

Các nguồn thạo tin về vấn đề này cho biết họ đã bị ảnh hưởng bất ngờ trên toàn bộ tiền tuyến, và rằng "Starlink là phương tiện chính mà các đơn vị trên chiến trường đang dùng để liên lạc".

Động thái mới đây của SpaceX một lần nữa đưa ông Musk vào tâm điểm của các vấn đề chính trị quốc tế. Trước đó, tỉ phú này đã gây sốc khi đề xuất "kế hoạch hòa bình" bằng cách kêu gọi Ukraine chấp thuận việc Nga sáp nhập Crimea, và chấp thuận kết quả các cuộc trưng cầu sáp nhập bốn vùng lãnh thổ Ukraine vào Nga mới đây.

Theo ông Musk, ông vẫn ủng hộ Ukraine nhưng chiến tranh kéo dài chỉ mang lại đau khổ cho người dân. Tuy nhiên lập luận này vẫn không thể khiến vị tỉ phú Tesla tránh khỏi bị chỉ trích.

Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk hôm 3-10 dùng Twitter để công kích ông Musk, viết rằng: "Cút xéo đã là từ ngữ ngoại giao nhất mà tôi dành cho anh, Elon Musk".

Nhiều người xem câu chửi này là nguyên nhân khiến ông Musk giận lẫy, cắt Internet của Ukraine. Khi CNN đề cập tới bình luận của ông Melnyk, ông Musk đã trả lời bằng cách nói: "Tôi chỉ làm theo đề nghị của ông ta".

Trên thực tế, lá thư của SpaceX gửi Bộ Quốc phòng Mỹ từ tháng 9, trước cả những dòng bình luận công kích nêu trên.

Tờ Politico trong khi đó bình luận gay gắt về "kế hoạch hòa bình" của Musk, cho rằng vị tỉ phú này ảo tưởng bản thân là Henry Kissinger - nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ.

Trong bài bình luận ngày 12-10, Politico còn cho rằng ông Musk bị hội chứng rối loạn nhân cách kịch tính (HPD), một dạng ái kỷ, có mong muốn rất lớn trong việc thu hút sự chú ý.

Tỉ phú Elon Musk đề xuất trưng cầu ý dân lại và trao Crimea cho Nga, Ukraine nói gì? Tỉ phú Elon Musk đề xuất trưng cầu ý dân lại và trao Crimea cho Nga, Ukraine nói gì?

TTO - Ngày 3-10 (giờ Mỹ), tỉ phú Elon Musk làm dậy sóng mạng xã hội khi nêu ra đề xuất phương án hòa bình gây tranh cãi cho Ukraine. Tổng thống Ukraine, trợ lý tổng thống Ukraine, đại sứ Ukraine ở Đức... đã lên tiếng.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên