11/02/2025 13:21 GMT+7

Đường chữ U sao không ai biết, phải tốn 8 tỉ để nối thẳng?

Không khó phát hiện những bất cập về hướng tuyến giao thông với con đường chữ U 'khó hiểu' ở TP Gia Nghĩa, nhưng vì sao vẫn thực hiện?

Sở Giao thông vận tải Đắk Nông nói về đường chữ U, phải tốn 8 tỉ để nối thẳng

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, tuyến đường Ybih Alêô có đoạn cong vòng hình chữ U ở TP Gia Nghĩa, do một đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư thực hiện vào khoảng năm 2010-2011.

Nguyên nhân được nêu ra là bám sát quy hoạch đô thị giai đoạn đầu tại thời điểm đó.

Vì vậy chính quyền địa phương đã quyết định chi 8 tỉ đồng để khắc phục làm đoạn đường dài 130m nối thẳng hai đầu hình chữ U, giúp rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế bán kính cong che khuất tầm nhìn.

Kỹ sư Trần Văn Tường gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết nói về cách làm đường chữ U khó hiểu này.

Các bước khảo sát, thiết kế... vẫn không phát hiện đường chữ U?

Quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đều do các cơ quan quản lý chuyên ngành, đơn vị có chuyên môn phối hợp thực hiện. 

Công tác cập nhật số liệu, khảo sát địa hình, đánh giá nghiệm thu theo quy định đạt yêu cầu mới có thể triển khai các bước công việc tiếp theo trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong giai đoạn này, hẳn không khó phát hiện những bất cập hết sức đơn giản như cục bộ hướng tuyến bị cong vòng hình chữ U.

Sau đó khâu chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ dự án giao thông cũng thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì dự án mới được phê duyệt. 

Nhìn chung các quy trình, thủ tục xây dựng nước ta khá đầy đủ và chặt chẽ, thậm chí phức tạp. Phát hiện những bất cập về hướng tuyến giao thông không khó, nhất là đối với người làm công tác chuyên môn. 

Ví dụ trong điều kiện địa hình tương đối, về nguyên tắc hình học thì hướng tuyến giao thông có đoạn cong hình chữ U rõ ràng tốn kém hơn nhiều so với nối thẳng. 

Ngoài ra có thể dựa trên các căn cứ cơ sở khoa học, quy định xây dựng, pháp luật liên quan, quy trình thiết kế, tiêu chuẩn ngành. Hơn nữa là có lợi cho đối tượng cụ thể nào, hướng tuyến có đoạn cong vòng cục bộ một cách bất thường như vậy thuộc khu vực đất của ai?

Theo quy định, các bên liên quan trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch và hiện thực hóa các dự án hạ tầng, giao thông chịu trách nhiệm về các công việc do mình thực hiện. 

Muốn xử lý trách nhiệm các bên liên quan, mà cụ thể là tổ chức và cá nhân thì phải xác định được nguyên nhân, lỗi ở đâu. 

Quy hoạch không phải lúc nào cũng phù hợp thực tiễn cuộc sống, lắm khi đến giai đoạn triển khai đầu tư cho một dự án cụ thể thì mới phát hiện. 

Nếu lúc đó cơ quan chức năng, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đề xuất điều chỉnh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn thuận lợi, an toàn hơn. Lo rằng có nơi ngại công khai vì liên quan đến thủ tục phức tạp, điều chỉnh quy hoạch sẽ mất nhiều thời gian và ngược lại phải làm rõ các trách nhiệm trước đó.

Vẫn biết nếu cứng nhắc trong các quy định dễ tạo nên những thủ tục rối rắm, nhưng nếu lỏng lẻo cũng dễ gây lãng phí, thất thoát ngân sách. 

Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, hơn nữa là mục tiêu vẫn là tính hiệu quả thì những bất cập trong quy hoạch hay trong quá trình lập thủ tục đầu tư dự án khi đã phát hiện cần mạnh dạn thay đổi theo hướng tốt hơn, hoặc đề xuất điều chỉnh (nếu vượt thẩm quyền) cho phù hợp để có phương án hữu hiệu.

Quy hoạch, thiết kế rất quan trọng dù chỉ là những nét vẽ, nhưng sau này sẽ là sản phẩm thực tế tại hiện trường. 

Nên chăng từ câu chuyện tuyến đường có đoạn cong vòng hình chữ U ở TP Gia Nghĩa có thể làm tiền đề, kinh nghiệm kịp thời phát hiện điều chỉnh những bất cập (nếu có) sao cho phù hợp trong quy hoạch, triển khai dự án giao thông cụ thể.

Cần ràng minh bạch, công khai thông tin dự án

Cần những quy định ràng buộc trách nhiệm trong công tác lập, triển khai quy hoạch phải có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, đưa ra nhiều phương án để so sánh nhằm phát huy tối đa hiệu quả thực tế. 

Tạo điều kiện cho người dân địa phương trực tiếp nói lên nguyện vọng đồng tiền ngân sách nên đầu tư vào đâu, chỗ nào cần ưu tiên, dự án nào là phù hợp, giải pháp sao cho tối ưu.

Ngoài ra, có chuyên gia phản biện như trong đô thị thì làm đường ở đâu, nơi nào mở rộng hay nâng cấp, cải tạo cũng như tính thiết thực vả công bằng với hiệu quả xã hội khi chọn hướng tuyến dự án giao thông.

Về phía cơ quan tổ chức lập dự án giao thông, buộc chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đưa ra nhiều phương án xem xét đa chiều và từng khía cạnh để đánh giá cụ thể, làm cơ sở chọn phương án tốt nhất. 

Giảm thiểu các trường hợp duy ý, lợi ích nhóm, chú trọng mong muốn cấp trên hoặc người có quyền chi phối mà bỏ qua những cảnh báo quan trọng thì chỉ có cách khả dĩ nhất là công khai, minh bạch các thông tin dự án đang có liên quan đến quy hoạch, khâu giao vốn, chuẩn bị đầu tư, tổ chức đấu thầu, thiết kế, giám sát, thi công để tiếp nhận phản hồi, góp ý từ người dân. 

Đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân tổ chức thực hiện, khi phát hiện những bất cập hay xảy ra sai phạm phải nhanh chóng có người khắc phục, chịu trách nhiệm.

Nghịch lý với cách làm đường chữ U 'khó hiểu' ở TP Gia Nghĩa - Ảnh 2.Tốn 8 tỉ đồng để nắn thẳng đường chữ U 'khó hiểu' ở TP Gia Nghĩa

Tuyến đường chữ U làm hơn 10 năm trước ngay trung tâm TP Gia Nghĩa, Đắk Nông sẽ được "nắn" thẳng nhưng sẽ tiêu tốn ngân sách nhà nước 8 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên