26/10/2011 06:24 GMT+7

Đừng quên nghĩa đồng bào!

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - “Chiến công này, huyền thoại này là của nhân dân. Nếu không có dân cưu mang, che chở thì sẽ không có những chiến công và không có con đường huyền thoại trên biển”, cựu chiến binh tàu không số mật danh 121 và 69 Lê Xuân Khảm (Hải Phòng) khẳng định trong buổi giao lưu “50 năm một hành trình huyền thoại” với sinh viên Trường ĐH Hàng hải VN ở Hải Phòng ngày 5-10-2011.

gk0cVNxy.jpgPhóng to
Từ trái qua: cựu thủy thủ tàu không số mật danh 69 Đỗ Văn Tâm, cô Út Lợi và con gái ông Tâm trong cuộc hội ngộ tại Bến Tre - Ảnh: My Lăng

Đã 41 năm trôi qua, ông Khảm vẫn nhớ mãi ân tình của người dân Cà Mau đã che chở cho tàu 69 trong chuyến đi đầu năm 1966 chở 62 tấn vũ khí. Ngày thứ tư, khi tàu ngang vùng biển Đà Nẵng, một chiếc tàu đối phương phát hiện bám theo. Chi bộ họp khẩn cấp, hạ quyết tâm bằng mọi cách phải đưa vào bến.

“Kín miệng cứu nước!"

Chiều 22-3-1966, tàu 69 chuyển hướng về Cà Mau rồi mất phương hướng vì đối phương đã tắt hai đèn hải đăng ở Côn Đảo và Hòn Khoai. Tàu 69 chạy dọc bờ biển đánh tín hiệu cả tiếng đồng hồ. Trong bờ không có tín hiệu trả lời. Ngoài khơi, hai tàu đối phương đã chặn cửa hòng bắt sống.

Lợi dụng trên biển có rất nhiều ghe cá của dân, tàu 69 trà trộn chạy dích dắc lẫn vào để vô bờ. Nhưng rồi tàu lại bị lạc, không tìm thấy cửa sông. “Gần sáng chúng tôi mới gặp được tốp dân đánh cá sát ven bờ. Lúc này tàu đã lạc qua ấp Vinh Hoa (xã Nguyễn Quân, huyện Ngọc Hiển), quá xa bến Vàm Lũng”, ông Khảm kể.

Lúc này mọi người mới nói thật là tàu từ miền Bắc vào. Dân hai ấp bên cạnh ùn ùn kéo đến xem. Đó là lần đầu tiên họ được “thấy người ở ngoải, nghe giọng ở ngoải”. Các bà, các chị cứ trầm trồ thắc mắc: "Sao tụi nó trắng trẻo, mập mạp, đẹp trai như vầy mà người ta (chính quyền cũ - PV) biểu bảy thằng đu một cành đu đủ không gãy!". Có bà cụ mắt đã lòa bắt cháu dẫn đi rờ từ đầu tàu đến cuối tàu. Có ông lão run run đứng nhìn tàu mà khóc. Một tiểu đội nữ du kích được điều tới làm nhiệm vụ bảo vệ quanh khu vực tàu và đầu cửa sông đổ ra biển.

Anh em gấp rút sơn lại màu chiếc tàu dài 28m, rộng 5m, cao 7m. Tổ trưởng Đảng Bảy Điền không ngại ngần, xung phong đưa tàu về rạch Cửa Hố trước nhà mình. Nhưng cây đước vẹt còn nhỏ nên thấp, dễ bị lộ. Dân hè nhau chặt cây cắm xung quanh tàu. Cô giáo Út Phương - giáo viên lớp vỡ lòng của ấp - cho học sinh nghỉ để đi ngụy trang tàu. Các cô, các chị thì xúm lại nấu chè, đổ bánh xèo, nấu cơm nước... đãi mấy chú bộ đội miền Bắc.

Ở hai ngày một đêm thì có người đến dẫn tàu đi. Trong hai ngày một đêm ấy, người dân của ba ấp nội bất xuất ngoại bất nhập. Khi tàu chuẩn bị rời bến, ghe xuồng dân đi tiễn chật kín cửa sông.

“Chúng tôi từng đi tập kết, chứng kiến không ít lần đưa tiễn, nhưng chưa bao giờ thấy dân đi tiễn đông như thế. Chúng tôi cứ nghĩ sau đó sẽ bị càn quét hoặc đánh phá vì sẽ bị lộ nhưng không. Thế mới biết dân rất tốt và đoàn kết vì cả ba ấp đều biết nhưng tình báo địch không biết”, ông Khảm tấm tắc nói. Người cựu chiến binh ấy còn nhớ mãi ông Tư Mau - trung đoàn trưởng bến - suốt dọc bờ sông Đầm Dơi, Bồ Đề và nhiều kênh rạch khác, hễ thấy dân là ông chụm miệng nói: “Ới đồng bào, thấy sao hay vậy, kín miệng cứu nước nghen!”.

62 tấn vũ khí được đưa về bến Vàm Lũng an toàn. Dân không hé miệng lộ bất cứ lời nào. Sau đó, nhận thấy ấp Vinh Hoa là nơi có thể mở rộng bến và nương nhờ lòng dân được, ban chỉ huy bến Vàm Lũng đã đặt vấn đề di chuyển tất cả dân của ấp Vinh Hoa lấy làm bến. Những người dân chân chất bao đời bám đất bám sông đã hiến dâng cả đất đai từ đời tổ tiên mình sinh sống cho cách mạng.

Sau vùng này được gọi là bến Cửa Hố. Đây là nơi tàu không số loại hai đáy thường xuyên cập bến sau đó.

Tượng đài lặng lẽ

Ngày 17-10-2011. Khi đặt chân lên bến Thạnh Phong (Bến Tre) - điểm dừng chân thứ năm của hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển, cựu binh Phạm Văn Phí (Hải Phòng) bùi ngùi bảo: “Hồi đó làm gì có cây cỏ mọc xanh tốt như thế này. Giặc rải bom rồi chất độc hóa học cỏ cây chết hết. Vậy mà dân vẫn bám đất cưu mang bộ đội...”.

Khi đối phương phát hiện Thạnh Phong là nơi tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam, đất và người Thạnh Phong bắt đầu đối mặt với những trận càn đẫm máu. Người dân phải rút xuống sống dưới những ngôi nhà được đào sâu dưới đất. Không tìm được người, giặc điên cuồng rải chất độc hóa học. Rồi hai lần giặc thảm sát, lấy đi 42 sinh mạng vô tội. Dân vẫn bám đất kiên trung với cách mạng. Khi kho vũ khí bị trồi lên, dân lại kiếm cây bần, cây đước, bứng từng cây sú ở xa mang về trồng để che chắn...

“Những chiến công, những huyền thoại về con đường trên biển đã ra đời từ lòng dân, từ cái nghĩa đồng bào như thế đó", ông Phí rưng rưng nói.

Ngày 19-10-2011, tại bến Vàm Lũng hơn 40 năm sau ngày chia tay, cô giao liên Út Lợi xinh xắn ngày nào giờ đã 63 tuổi, tóc lấm tấm sợi bạc, đôi mắt đầy vết chân chim tìm những “anh hai” ngày nào. Giữa đám đông gần 150 con người, cô nhận ra “anh hai” Đỗ Văn Tâm, thủy thủ tàu 69, dù “anh hai” nay đã gần 70 tuổi, mập hơn, trắng hơn và già đi nhiều. Ông Tâm - máy trưởng tàu 69 - xúc động: “Út Lợi không thay đổi nhiều đâu. Ngày ấy em cũng chỉ 12, 13 thôi đúng không? Còn má chắc đã mất lâu rồi. Ngày ấy má đã hơn 60 đúng không Út Lợi?”.

Ngày 12-1-1969, đối phương đưa bảy tàu chiến tiến thẳng vào Vàm Lũng. Tàu 69 nằm giữa sông. Cuộc chiến đấu ác liệt sau đó đã lấy đi gần hết số chiến sĩ của tàu 69. Nhưng chúng vẫn không tìm ra được dấu vết con tàu 69. Thủy thủ, du kích và người dân đã đưa tàu về ngọn rạch Chim Đẻ, ngụy trang cất giấu trong rừng đước cao hơn 10m.

Ông Tâm và thủy thủ của tàu 69 ở lại Vàm Lũng 10 năm giữ tàu, giữ bến. Suốt 10 năm sau đó, giặc càn quét nhiều lần nhưng không thể nào tìm ra bất cứ dấu vết của con tàu hay kho tàng vũ khí.

“Người dân Vàm Lũng còn gan dạ hơn cả quân giải phóng. Hai mẹ con Út Lợi dám nhường cả con rạch trước nhà, nhường cả ngôi nhà nhỏ như túp lều để tàu Bắc Việt ẩn nấp, giấu chiến sĩ. Hai mẹ con Út Lợi phải cất một cái chòi cách chỗ giấu tàu chừng 1km ở và để báo động. Họ sống chung với súng, đạn, bom mìn, phải ăn trái mắm thay cơm, nước thì chưng cất từng giọt nhưng vẫn trung thành tuyệt đối với cách mạng. Những người dân không một viên đạn trong tay ấy mới thật sự là những anh hùng, là những tượng đài bất khuất nhưng lặng lẽ trên con đường huyền thoại này”, ông Đỗ Văn Tâm nói.

***

Nửa thế kỷ đã trôi qua trong huyền thoại của đoàn tàu không số. Dâu bể dù đã đổi thay, nhưng câu chuyện về ơn dân và cái nghĩa đồng bào thiêng liêng đầy trách nhiệm như một nhắc nhở cho bất cứ ai đang hưởng thụ thanh bình hay mang trong mình trọng trách quốc gia phải luôn luôn nhớ lấy!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

------------------------------------

Đón đọc số tới:Những mảnh đời rổ rá

Ấy là những mảnh đời đã gặp gỡ và gắn bó với nhau trong éo le biến cố, khó nghèo. Thay vì buông xuôi và tan vỡ, họ đã đứng lên, tìm cách vượt lên hoàn cảnh để sống có nghĩa tình...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên