19/10/2011 04:14 GMT+7

Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển Đông

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Sau chuyến thuyền buồm xuyên biển Tây của ông Năm Đông chỉ một tháng, từ Bến Tre một chiếc thuyền khác cũng được kéo căng buồm, quay mũi ra biển Đông, trực chỉ hướng bắc.

Read this on Tuoitrenews.vn Kỳ 1: Cánh buồm xuyên Tây

TV1DrG1q.jpgPhóng to

Ông Sáu Hải kể lại ký ức những ngày làm thuyền trưởng trên tàu không số - Ảnh: Tự Trung

Xem phim tài liệu do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Ấy là chiếc thuyền chở đoàn cán bộ Khu 8 ra Hà Nội công tác. Trên ấy có một người phụ nữ chỉ vừa tròn 26 tuổi, mang nặng trên vai nhiệm vụ gặp Bác Hồ xin chi viện cho miền Nam, và vai kia là nỗi đau người chồng hi sinh ngoài Côn Đảo: cô Ba Nguyễn Thị Định.

Vượt qua dông bão

Thuyền đến Phú Yên, cả đoàn lên tàu hỏa ra Hà Nội. Được gặp Bác Hồ, được học tập tại miền Bắc, cô Ba Định như được tiếp thêm sức sống mới, mạnh mẽ hơn con người cô vốn đã rất mạnh mẽ. Tháng 10-1946, Ba Định một mình quay vào Quảng Ngãi gặp Ủy ban Kháng chiến miền Nam VN, nhận súng, tiền và tài liệu của trung ương mang về cho Xứ ủy Nam bộ.

Buổi sáng hôm ấy được cô Ba Định ghi rất chi tiết trong hồi ký: “Buổi nhận súng thật vui và cảm động. Các anh cho tôi vào tận kho để nhận phần của Khu 8. Súng đạn được chia đều cho ba khu, nhưng thừa ra khẩu nào tôi nằn nì xin hết. Tôi nói: Mang một khẩu bị lộ cũng đã chết. Các anh cho tôi một ngàn, đi một chuyến cho đáng, anh em trong ấy đang chờ”. Cô đã xin được không phải 1.000 cây súng mà là 10 tấn vũ khí. Một mình cô lại mang lên tàu hỏa đi vào đến Tuy Hòa. Từ đây trở vào Nam, quân Pháp đã kiểm soát chặt, chỉ còn cách đi đường biển.

Cô mua một chiếc ghe 12 tấn, cả trăm miệng chài, hàng trăm tĩn nước mắm. Đêm, mấy anh cán bộ xếp súng đạn xuống thuyền. Ngày, cô mang chài ra phơi, xếp những tĩn nước mắm đầy cả hai bên mạn. Rồi cô đi tìm mãi, chọn mãi mới được bốn người dân Gò Công lặn lội ra Phú Yên bán gạo, lại bị quân Pháp bắn chìm ghe chưa có phương tiện về. Cô tìm hiểu, vận động và cuối cùng cả bốn người gật đầu đồng ý cùng cách mạng sống chết với ghe vũ khí.

Thuyền buồm nên phải có gió chướng mới về được miền Nam. Đợi gió, cô mua thêm chiếc thuyền thúng rồi tập chèo phòng khi nguy cấp, chuẩn bị thêm phao, chính là chục trái dừa khô. Hơn một tháng, hết năm lần trữ nước ngọt, mua rau cải, phơi cá khô thì chiếc thuyền mới ra khơi được trong một đêm biển động.

Kinh nghiệm cô Ba Định rút ra hôm đó sau này đã được áp dụng như nguyên tắc vàng của đoàn tàu không số: “Dám đi trong dông bão là ngon nhứt! Gặp khó với trời còn hơn gặp khó với đối phương”. Hồi ký của cô sống động như được ghi lại ngay lúc đó: “Thuyền vật vã. Những đợt sóng lù lù trên mặt biển đen ngòm như những con quái vật khổng lồ trườn tới, muốn nuốt phăng con thuyền kháng chiến bé nhỏ...”.

Nhưng rồi sóng cũng qua. Biển vừa yên thì chiếc tàu của quân Pháp lù lù chạy tới. Cô chỉ huy lên đạn sẵn cho hai khẩu trung liên, chuẩn bị nụ xòe cho mấy khối bộc phá rồi bình tĩnh mang thúng gạo ra ngồi nhặt thóc ngay đầu mũi thuyền. Hôm nay không còn ai để tả lại vẻ mặt của cô Ba Định 26 tuổi giây phút ấy, nhưng mấy sĩ quan Pháp sau một hồi nghiêng ngó đã quay tàu bỏ đi. Căng thẳng như vậy năm ngày năm đêm thì bờ biển dày đặc bóng dừa của Bến Tre đã ở trước mặt, cả nhóm chèo thuyền loanh quanh chờ trời tối để vào bến Thạnh Phong.

Đêm, quay mũi vào bờ, chiếc thuyền bỗng trườn lên một cồn cát. Mắc cạn.

Không thể để máy bay Pháp đến bắn tan tàu khi trời sáng, đổ bao hi vọng và công sức xuống biển, lại là cô Ba Định xuống chiếc thuyền thúng chèo vào bờ. Và cô bị bắt. Cô đã im lặng, bình tĩnh chờ đến khi đọc được chữ “Việt Nam dân chủ cộng hòa” nguệch ngoạc trên tờ biên bản anh du kích lập mới lên tiếng và đưa ra tấm giấy giới thiệu. Không còn vui mừng nào hơn. Khoản chi viện đầu tiên của miền Bắc cho Nam bộ đã đến nơi.

Sau đó là những chiếc thuyền của Trà Vinh cũng theo đường biển ra Quảng Ngãi. Sau đó nữa, năm 1947, đoàn vận tải biển Nam bộ được thành lập với hàng chục thuyền buồm, liên tục chở lương thực ra miền Trung tiếp tế và nhận vũ khí mang về miền Nam. Thuyền buồm ra vào theo con đường của cô Ba Định suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Thượng tướng Trần Văn Trà, khu trưởng Khu 8, người được cô Ba Định mời đến nhận kho vũ khí lợp tạm bằng lá dừa ngày ấy, sau này không giấu được sự xúc động: “Chỉ huy chiếc thuyền chở vũ khí vượt qua bão tố, qua hệ thống tuần tra nghiêm ngặt để phục vụ chiến trường những ngày đầu quả là một kỳ tích. Kỳ tích hơn nữa là công việc ấy lại ở trên vai một phụ nữ trẻ mới 26 tuổi đời, tươi đẹp, hồn nhiên như vậy...”.

36woSceU.jpgPhóng to
Cô Ba Định ngày còn trẻ - Ảnh tư liệu
XDzemb51.jpgPhóng to
Cô Ba Định trong một chuyến công tác ở miền Tây - Ảnh tư liệu
622eJHbg.jpgPhóng to
Cô Ba Định với xác xe tăng Mỹ trên đường Trường Sơn - Ảnh tư liệu

Lội bộ khảo sát biển

“Được làm việc gần một người nữ anh hùng như thế, nên khi cô Ba Định gọi lên giao nhiệm vụ ra Bắc báo cáo về cuộc nổi dậy Đồng khởi, xin chi viện vũ khí vào Nam và hỏi: “Cậu có dám đi không?”. Tôi chỉ có một câu trả lời: Công việc gì tôi cũng làm” - ông Sáu Hải (Đặng Bá Tiên) kể.

Vốn đã thạo nghề đi biển từ những năm 9, 10 tuổi theo cha đi đánh cá ở các bãi biển Bắc Trung bộ, từ ngày nhận nhiệm vụ vào Nam theo làn sóng di cư, ông Sáu Hải vẫn đau đáu một ngày trở ra Bắc. Nghe đề nghị của cô Ba Định, ông nói ngay: “Chị cho tôi đi đường biển”. Cô Ba mừng rỡ: “Tôi giao cậu làm thuyền trưởng”. Ông Sáu Hải xin cô cho 20 ngày để chuẩn bị.

Có vỏ bọc là dân di cư bấy giờ được ưu tiên mọi bề, Sáu Hải mua một vé tàu ra Huế. Xuống tàu, ông quảy giỏ xách ra ngay bờ biển và từ đó rảo bộ vào Nam. Cố gắng ghi vào trí nhớ địa thế bờ biển. Ôn lại những kinh nghiệm xem sao định hướng, đón gió “Đông khứ, Tây lai, Nam vô sự, Bắc có tài...”. Lân la vào hàng quán cạnh các căn cứ hải quân để tìm hiểu quy luật tuần tra. Ghé các làng chài xem mẫu thuyền ghe...

Cứ thế 20 ngày, ông đã đi qua Đà Nẵng, Cam Ranh, Khánh Hòa, Phú Yên, Phan Thiết, Long Hải, Vũng Tàu. Đến đây, Sáu Hải chọn mua một thuyền buồm cánh dơi của dân di cư rồi một mình giong thẳng về Cồn Lợi (Bến Tre).

Tiếp tục những ngày chọn đội ngũ, chạy giấy tờ đánh cá hợp pháp, cho thuyền đi thử ra tận Phan Thiết để đo tốc độ chạy máy, chạy buồm. Cuối cùng, Sáu Hải tự tin về báo cáo: chậm nhất là mười ngày sẽ ra đến miền Bắc, xin cho đi vào đầu tháng 6 là lúc biển êm.

Được cho phép xuất phát đầu tiên, sau tám ngày tám đêm, ngày 9-6-1961, chiếc thuyền cánh dơi có gắn máy của ông Sáu Hải đã ra đến biển Hà Tĩnh, là tàu đầu tiên của miền Nam ra Bắc, khai thông đường tiếp vận trên biển giai đoạn mới.

“Hoàn thành nhiệm vụ, cũng giống cô Ba Định, tôi còn may mắn được gặp Bác bốn lần. Nhớ mãi là khi chiếc tàu thứ hai của Bến Tre ra tới nơi sau đó hai tháng, Bác mời cả đoàn đến và bảo: Các chú bộ đội ở miền Nam ra, Bác sẽ chiêu đãi một bữa!”, ông Sáu Hải cười tươi như ngày ấy mới chỉ hôm qua.

__________

Sau một tiếng nổ lớn, tàu 645 đã tan vào lòng biển cùng thiếu úy chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ mới vừa 19 tuổi đang đứng bên bánh lái, cố gắng lái tàu tách ra xa đồng đội...

Kỳ tới: Những khoảnh khắc huyền thoại

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên