Má Mười Vinh và con trai bà, thuyền trưởng Lê Hà, là hai cái tên quen thuộc với anh em sĩ quan, thủy thủ đoàn tàu không số, nay là Đoàn M25. Nhưng trong gia đình bà, có một cái tên khác còn quen thuộc hơn mà bà luôn miệng nhắc: “anh Năm Đông”.
Bà kể về một ngày đầu năm 1961, ông Dương Quang Đông lạc rừng sau cuộc phục kích, đồng đội bị bắn chết, tiền mất hết, tơi tả về nhà bà nhìn chén cơm cúng mình còn nghi ngút khói nhang mà nói chuyện kiếm tàu ra Bắc chở vũ khí. Đó là lần thứ hai ông đứng ra tổ chức tiếp vận cho chiến trường miền Nam. Lần thứ nhất cách đó 15 năm...
Phóng to |
Thiên nan, vạn nan
Ấy là những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Xứ ủy Nam bộ gom được 33 ký vàng sau Tuần lễ vàng, 25 ký được giao cho ông Năm Đông mang sang Thái Lan mua súng. Chiều 20-2-1946, chiếc ghe nhỏ kéo căng buồm rời khỏi kênh Biện Nhị (Cà Mau). Nhiệm vụ mở đường xuyên Tây đưa vũ khí, gây dựng phong trào cách mạng ở các nước bạn, mười mấy con người chỉ có hành trang là lòng yêu nước. 25kg vàng đúc thành thỏi bỏ trong ruột tượng quấn quanh người Lê Văn Một, sau này là thuyền trưởng đầu tiên của đoàn tàu không số.
Hai ngày hai đêm, cánh buồm cập vào bờ biển Thái. Đường xa xứ lạ, tiếng cũng không biết nhưng nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành. Quyết tâm ấy dẫn dắt Năm Đông bắt liên lạc được ngay với một hòa thượng người Việt Nam sẵn lòng hành động vì cố quốc, lại xui khiến cho ông gặp lại người bạn đã từng vào sinh ra tử: ông Trần Văn Giàu. Hơn 50 năm sau, ông vẫn còn reo lên trong hồi ký: “Đúng là trời xui mình được gặp người hiền”.
Thế là nhà chùa trở thành nơi tập kết vũ khí, ông Sáu Giàu lo việc quan hệ, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Thái bấy giờ. Ông Năm Đông, Bông Văn Dĩa và các đồng chí khác lo thiết lập trạm trung chuyển. Một nhóm được lệnh quay về mở rộng vùng giải phóng để lập bến đón tàu. Đường xuyên Tây thành hình từ sợi dây nối những con người.
Giờ là lúc đưa vũ khí về. Đầu tiên là bằng đường bộ. Ông Dương Quang Đông kể: “Út Một ở Kôkông tổ chức 10 xe bò, 10 voi và một lực lượng vận chuyển 70 người cả Việt lẫn Khmer lên Bangkok tiếp nhận vũ khí đưa về biên giới Thái Lan, từ đó qua trạm hai ở Campuchia về Nam bộ. Voi mang 200kg, người cõng 50kg, nối nhau đi theo chân núi Tà Lơn. Ngày đi đêm nghỉ, vượt núi đồi sông suối, đi xuống khổ hơn đi lên, súng theo voi, đạn theo người, thiên nan vạn nan không sao kể xiết. Cuối cùng về được đến Long Châu Hà, súng không thiếu một cây, đạn không mất viên nào...”.
Hai chiếc ghe chở mắm trọng tải 10 tấn và 4 tấn của Phú Quốc được sung vào đội. Hòa thượng chùa Bảo Ân ngồi trên xe chở vũ khí xuống tận bến cảng để đảm bảo xe không bị lục soát. Buồm căng gió lộng, chiếc ghe nhỏ chạy cặp bờ về thẳng Nam bộ an toàn. Ghe lớn đi xa hơn ngoài khơi để tránh tàu Tây, không may gặp “gió lồng chung” thổi ngược, không vào bờ được phải tấp vào hòn Thổ Chu và kẹt ở đó cả tháng trời, mọi người phải đào củ mài, củ chuối ăn qua ngày. Cuối cùng, ngày 11-7-1946, ghe chở chuyến vũ khí lớn 10 tấn đầu tiên cũng vào được vàm Ông Trang.
Phòng Hàng hải Nam bộ được lập do ông Năm Đông phụ trách. Chiếc ghe máy trọng tải 50 tấn đóng tại Phú Quốc được đặt tên là tàu Chiến Thắng 1, Lê Văn Một làm thuyền trưởng, Bông Văn Dĩa - chính trị viên liên tục “xuyên Tây”, từ Thái Lan, Malaysia tiếp viện cho Nam bộ suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Tới giữa năm 1952, khi chính phủ tại Thái Lan bị đảo chính, không còn sự ủng hộ công khai cũng như ngấm ngầm nữa, hiệp định Gèneve cũng đi vào giai đoạn cuối, đường xuyên Tây mới kết thúc. Báo cáo của ông Dương Quang Đông với Bộ tư lệnh Khu 9: “Đường xuyên Tây có năm tàu 50 tấn, chiếc Sông Lô 80 tấn, tổng số vũ khí, máy móc, hàng hóa chuyển về nước là 97.543 tấn”.
Phóng to |
Chuyển vũ khí xuống tàu không số - Ảnh tư liệu |
Bàn tay má Mười
“Người anh hùng như vậy mà khi về đến nhà tôi hôm đó ổng tả tơi, rách nát, nói như muốn khóc: “Mất hết rồi chị Mười ơi, còn làm ăn gì nữa”. Tôi bảo: Thôi anh húp đỡ chén cháo đi rồi tính”... Hôm nay, đã hơn 50 năm kể từ ngày ấy, má Mười Vinh vẫn nhớ như in. Lần thứ hai lãnh nhiệm vụ mở đường đưa vũ khí vào Nam, mấy tháng trời ông Năm Đông lăn lộn ở vùng rừng biển Bình Tuy, Hồ Cốc, Xuyên Mộc tìm sông, tìm bến cho tàu vào, hành trang là củ chụp, củ mài, bột cây thiên tuế và gói muối.
Chọn được bến Lộc An rồi, ông lập nhóm, chỉ huy đào sâu thêm lòng sông, sửa lại cửa vàm cho đỡ cong vẹo. Rồi tìm mua tàu. Trung ương Cục vét hết tiền được 100.000 đồng, ông tặc lưỡi “Thôi thì tự lực cánh sinh” và quay về Lộc An. Giữa đường bị phục kích, hai đồng đội đi cùng hi sinh, tiền mất, ông chạy lạc trong rừng hai ngày mới về tới nhà bà Mười.
Tình cảnh tưởng như bế tắc thì bỗng bà Mười bật nói: “Anh để tôi tính”. Nói rồi bà đội nón ra đi, chui rào bò vào ấp chiến lược. Một tuần sau bà về, báo với ông Năm Đông: “Đã mua được một tàu, máy Yamaha, cả lưới và câu, đang gửi cho đồng bào đánh cá ở Phước Hải để hợp thức hóa. Coi như tôi cho mấy anh mượn...”. Ông Năm Đông ghi trong hồi ký: “Thật bất ngờ, ai nấy đều nhìn nhau. Nhưng mừng quá. Lúc cùng phải nhờ đến chị Mười vậy...”.
Hôm nay, má Mười Vinh kể rằng số tiền 10 lượng vàng để mua tàu và máy bà dành dụm được 2 lượng từ chuyện mua gánh bán bưng. Sáng sớm bà làm bánh bèo bán cho dân đi biển, rồi gánh rau, gánh cá về làng bán cho dân trong chợ, rồi chiên chả giò, làm bì bún, bán cà phê... Số tiền còn lại là vay của chị em, của anh rể, của bà con dòng họ, chòm xóm. Vay cùng hết rồi ăn mắm ăn muối mà làm, trả cho người ta, không biết bao năm sau mới hết...
Tôi nhìn bàn tay bà khô gầy, xương xẩu. Bàn tay này nuôi chồng, nuôi con, tiếp tế cho cách mạng đã là quá sức, lại còn vay vàng mà mua tàu “cho nhà nước vay”. Nhà nước khi ấy chỉ là mấy ông cán bộ chui nhủi trong rừng, gạo cũng không có để ăn. Ấy vậy mà bà vẫn cho vay, lại gật đầu bằng lòng cho cậu con trai lớn 17 tuổi của mình xung phong vào nhóm vượt biển tìm đường ra Bắc. Con đi rồi, bà lại tiếp tục tần tảo bán buôn và lại vay nợ nữa để mua được 4 tấn gạo bỏ kho cho nhóm du kích lập bến chờ tàu.
Hôm nay má Mười gật đầu gọn hơ khi nhắc chuyện cũ: “Vì tin ông Năm”. Bến Lộc An nơi ông Năm mở gần căn cứ Vũng Tàu của hải quân Sài Gòn. Phải hơn một năm sau mới có con tàu không số đầu tiên chạy vào được sông Ray mang theo 30 tấn vũ khí. Ông Năm Đông dĩ nhiên là người mừng hơn ai hết, càng mừng hơn khi tại chuyến tàu này ông gặp lại người đã cùng sinh tử trên chiếc Chiến Thắng năm xưa: thuyền trưởng Lê Văn Một.
__________
Sau chuyến thuyền buồm xuyên biển Tây của ông Năm Đông chỉ một tháng, từ Bến Tre một chiếc thuyền khác cũng được kéo căng buồm, quay mũi ra biển Đông, trực chỉ hướng Bắc...
Kỳ tới: Cô Ba Định và trái dừa xuyên Đông
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận