21/10/2011 02:45 GMT+7

Bữa tiệc Tây

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Chiến đấu khốc liệt, sống chết trong tích tắc, ấy vậy mà có một chuyến tàu không số đã được đón đưa một người phụ nữ. Những người thủy thủ dạn dày đã được bà bày một bữa "tiệc Tây" thật sự trên tàu. Người phụ nữ ấy chính là bà Bảy Vân (tức Nguyễn Thụy Nga, Nguyễn Thị Vân), vợ cố Tổng bí thư Lê Duẩn.

acrTpHVJ.jpg

gC4tiNwN.jpgPhóng to

Bà Bảy Vân - Ảnh: Tự Trung

Kỳ 1: Cánh buồm xuyên Tây Kỳ 2: Cô Ba Định và trái dừa xuyên biển Đông Kỳ 3: Những khoảnh khắc huyền thoại

Buồn tan theo sóng

"Gần hai tháng cùng sống cùng chết trên tàu không số, nỗi buồn riêng của tôi cuốn theo ngọn sóng"

Những ngày cuối năm 1965 ấy, thật sự tôi đã bước xuống chuyến tàu vào Nam trong nước mắt. Trở về quê hương, hòa vào cuộc chiến đấu với bà con Nam bộ sau 10 năm tập kết là một niềm mong mỏi khôn nguôi, nhưng vẫn không át được nỗi đau như cắt khi mẹ phải xa con, vợ phải xa chồng. Con gái lớn mới 14 tuổi, cái tuổi con gái cần mẹ biết bao nhiêu. Đứa út 6 tuổi, ngày đi nó đang sốt 39 độ, vậy mà tôi đành lòng không ôm hôn con để có thể cất bước. Ra đi, tôi nói với chồng: “Em về trong đó tuy có xa nhau nhưng chúng ta chiến đấu cùng một mục đích, như thế là vẫn gần nhau”. Chồng tôi cũng trào nước mắt mà nói:“Mong em phấn đấu thành anh hùng”. Tôi không mong anh hùng, tôi chỉ mong mau đến ngày hòa bình để được gặp lại các con.

Lúc ấy, tôi chưa biết thế nào là “tàu không số”, chỉ biết sẽ có nguy hiểm vì tàu nhỏ mà phải vượt đại dương. Xuống Hải Phòng vài ngày, một đêm trời tối đen như mực, có xe đến đón, đưa tôi đến bến bãi nào không rõ. Tôi được dắt đi từng bước trên cầu tàu và được đưa xuống một cabin. Thuyền trưởng chỉ: “Đây là giường của chị”. Thế là đã thật sự xuống tàu không số. Tàu đi, không bật đèn, không hụ còi, lặng lẽ, âm thầm trong đêm. Sáng hôm sau lên boong, nhìn thấy con tàu như chiếc lá trôi trên đại dương.

Khi ấy, vụ Vũng Rô đã xảy ra rồi, các chuyến tàu mới vừa khởi động lại sau một thời gian ngưng hoạt động, Hạm đội 7 quần thảo ngoài khơi ngày đêm. Hai ba lần gặp những đội tàu chiến Mỹ, mỗi lần như thế trung ương lại gọi tàu quay về, lánh phía đảo Hải Nam. Chỉ cần sáu ngày là có thể đến Cà Mau mà tàu chúng tôi cứ lênh đênh mãi cả tháng ngoài hải phận quốc tế.

Có những hôm biển động, tôi nằm vịn chặt cây cọc giường, quặn ruột cùng nhào lên lộn xuống với con tàu, giống như viên bánh trôi thả trong nồi nước sôi. Kể cả các anh thủy thủ cũng say sóng, nằm la liệt. Không có cách nào khác, tôi nằm im, cắn răng chịu đựng, suốt ba ngày ba đêm không ngồi dậy được.

Biển động rồi lại êm. Một bữa anh em thủy thủ dẫn tôi lên boong, chỉ cho xem những vật to như chiếc ghe chài ngàn giạ lật úp, màu đen bóng, nổi lững lờ trên mặt biển, từ đó phọt ra những cột nước. Tôi nghĩ mãi không biết là cái gì thì được giải thích:“Đàn cá voi đó chị”. Tôi rùng mình, không biết dưới biển sâu còn có những gì nữa.

Một hôm tàu đang đi gần vùng biển Philippines thì máy bay Mỹ đến quần đảo trên đầu, tín hiệu đánh xuống hỏi:“Tàu gì?”. Lập tức, tôi được chứng kiến như thế nào là sự cảm tử của tàu không số. Chiến sĩ điện đài làm như lơ đãng đánh morse trả lời “Tàu đánh cá”. Anh hoa tiêu đổ ra một đống cờ, chọn cờ Philippines kéo lên. Còn dưới mành lưới nghi trang, các loại súng nhanh chóng được lên nòng, giương sẵn về phía chiếc máy bay. Dưới hầm tàu, tổ bộc phá đã chuẩn bị sẵn điểm hỏa, thuyền trưởng bảo tôi:“Chị Ba, có hình ảnh, tài liệu gì thì đưa cho chúng tôi tiêu hủy khi cần thiết. Nếu đụng trận, chị xuống xuồng cao su, anh em chèo đưa chị vào bờ”.

Nhưng chính lúc đó tôi không còn sợ nữa, cảm nhận rõ mình đã sẵn sàng cùng sống cùng chết với những chàng trai măng tơ, phơi phới và ngập lòng yêu nước này. Khối tình cảm lớn lao, thiêng liêng trên con tàu này còn nặng hơn cả trăm tấn vũ khí, khiến tôi thấy mình thật bé nhỏ khi cứ ôm lấy những tình cảm cá nhân. Nỗi buồn u uất trong tim tôi bỗng rơi xuống và như được con sóng nào cuốn đi.

Một hôm biển lặng, tin từ chỉ huy sở báo yên, đã quen với cách đi tròng trành trên tàu, tôi xuống bếp xem qua. Không ngờ bếp ở tàu lại đầy đủ như vậy, thực phẩm dự trữ rất nhiều, có cả lò nướng bánh mà anh em thú nhận là chưa bao giờ sử dụng vì không biết làm và còn phải lo bao nhiêu việc với súng đạn. Tôi tự bảo phải cảm ơn anh em thủy thủ đã giúp tôi cất được nỗi buồn. Thế là xắn tay vào việc. Đánh trứng, trộn bột, làm kem, thịt gà... Cuối cùng chúng tôi có một bữa tiệc Tây với gà rôti, rau trộn, bánh su kem, bánh flan ngay trên tàu. Anh em ngạc nhiên lắm, ăn rất nhiệt tình và khen “còn ngon hơn trên đất liền”. Sự hồn nhiên của họ kéo nụ cười quay lại với tôi.

Cuối cùng, gần hai tháng lênh đênh, tàu đã vào tới bến Rạch Gốc (Cà Mau). Sau này tôi được biết đây là một chuyến đi dài kỷ lục của tàu không số.

Dư âm “không số”

Về lại miền Tây những ngày ác liệt, bà Bảy Vân được phân công công tác ở báo Giải Phóng Miền Nam. Được ưu tiên ở gần khu ủy để tránh nguy hiểm nhưng bà nằng nặc đòi xuống địa phương, đi cơ sở, đến chiến trường. Bà viết thư cho ông Võ Văn Kiệt ở Trung ương Cục: “Tôi làm báo mà ngồi một chỗ làm sao viết lách được? Đã là người cộng sản thì chết sống cũng thường tình. Mong các anh đồng tình cho tôi đi công tác như các chị em khác”.

Thế là bà lại đi ngang dọc trong bom đạn. Có khi đi ngang qua bảng thông báo treo thưởng cho ai bắt được Nguyễn Thị Vân với tấm ảnh to bằng hai cuốn sách được treo giữa chợ. Có khi ngồi viết bài xã luận, cố nán lại viết nốt câu cuối khi nghe còi báo động, chưa kịp dừng tay thì đã nghe ùng oàng, hơi bom thổi bay cái đèn dầu, cả người cũng văng xuống sàn.

Có khi vào nhà dân, chưa kịp chuyện trò thì đã thấy lính đến lùng xét, chui vội xuống hầm thì nước tràn lên lênh láng, may mà em bé con chủ nhà lanh trí đổ xuống đó nồi cơm đang nấu rồi ôm mặt khóc tấm tức vờ lỡ tay... “Chuyện sinh tử sống chết tôi đã học được ở con tàu không số rồi”, hôm nay bà Bảy Vân vẫn nhắc.

Số phận còn xui khiến bà có duyên với tàu không số một lần nữa. Một lần đi công tác tại Bạc Liêu, bà nghe tin chiếc tàu chở hơn 200 tấn vũ khí vào Nam đang bị bao vây, giao chiến ngoài khơi hai ngày vẫn không vào bờ được. Lòng dạ xốn xang nhớ những giờ nguy kịch trên chiếc tàu mỏng manh giữa biển thì bà thấy hai thanh niên tơi tả, đầy máu đang ngồi trên một ụ mối. Như có linh cảm, bà hỏi ngay: “Có phải hai chú ở trên tàu đang đánh nhau ngoài kia không?”. Hai người lính gật đầu: “Vâng chúng em bơi vào bờ, có hai đồng chí được phân công ở lại hủy tàu”. Bà vội đón họ xuống ghe, đưa về khu ủy.

Cả một đời làm báo, viết sử... với bà Bảy Vân, kỷ niệm về đoàn tàu không số luôn được đặt trang trọng trong những câu chuyện riêng và thân thiết nhất của cuộc đời bà.

_______________________

Nguyên tắc số một của đội tàu không số là bí mật. Để giữ bí mật, khi nào người ta cũng phải hi sinh. Những nỗi đau để đổi lấy bí mật cho tàu không số thật muôn hình vạn trạng...

Kỳ tới: Thinh lặng dưới ngọn sóng

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên