Nhà báo Trần Xuân Toàn: Tuổi Trẻ Start-Up Award là sân chơi ươm mầm những ước mơ - Video: TRƯƠNG KIÊN - NGUYỄN HOÀNG - DIỄM HƯỜNG - QUỐC HUY
Giải thưởng hun đúc tinh thần khởi nghiệp
* Tuổi Trẻ Start-Up Award bước sang năm thứ 4 với hàng loạt các hoạt động được giới khởi nghiệp chờ đón. Vì sao báo Tuổi Trẻ lại quyết định đồng hành với start-up Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khó khăn về nguồn lực như hiện nay?
- Ông Trần Xuân Toàn: Từ nhiều năm qua phong trào khởi nghiệp lan tỏa ở mọi lĩnh vực, rất nhiều dự án khởi nghiệp đã "đơm hoa kết trái" trong mọi mặt của đời sống hằng ngày.
Với vai trò là một cơ quan truyền thông, báo Tuổi Trẻ mong muốn tạo nên một sân chơi, một không gian để thu hút các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, qua đó truyền tải đến công chúng, góp phần hun đúc tinh thần khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực.
Chúng tôi mong muốn là cầu nối để các anh chị doanh nhân đã thành đạt chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ khởi nghiệp.
Không chỉ dừng ở việc chia sẻ kinh nghiệm, họ có thể tham gia đầu tư cho các dự án start-up mà họ quan tâm, có ý tưởng tốt, từ đó tạo bệ phóng giúp các start-up có thêm nguồn lực cạnh tranh trên thương trường.
Dựa trên các mục tiêu như vậy, ban tổ chức đưa ra các tiêu chí để lựa chọn, giới thiệu các dự án có tính chất ứng dụng công nghệ mới cải thiện năng suất, có nhiều sáng tạo, đóng góp nhiều cho cộng đồng.
Đặc biệt, năm nay ban tổ chức dành ưu tiên cho các start-up có những giải pháp, mô hình kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững.
* Được biết những năm qua và kể cả mùa thứ 4 này, có nhiều doanh nhân, chuyên gia đã rất tâm huyết, dốc tâm sức để hỗ trợ chương trình cũng như những dự án khởi nghiệp. Theo ông, điều gì đã khiến chương trình có sức hút lớn như vậy?
- Điều mà chúng tôi cảm thấy tự hào đó là nhận được sự đồng hành của những doanh nhân uy tín, thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như doanh nhân Phạm Phú Ngọc Trai, một trong những doanh nhân đầu tiên của Việt Nam, từng giữ vị trí giám đốc điều hành tập đoàn toàn cầu là Công ty Pepsico khu vực Đông Dương. Hay doanh nhân Don Lam - tổng giám đốc Quỹ VinaCapital - một trong những đơn vị quản lý quỹ có quy mô tài sản trị giá lên tới 2,2 tỉ USD.
Và còn rất nhiều doanh nhân khác đã đồng hành với ban tổ chức để giúp các bạn trẻ khởi nghiệp có thêm kinh nghiệm thương trường, có thêm kiến thức, cảm hứng và sự trợ lực để triển khai các dự án.
Tôi nghĩ rằng các doanh nhân đã cảm nhận được ý nghĩa ở từng dự án khởi nghiệp. Họ thấy được họ ở những ngày khởi nghiệp trước đây, và nay quay lại hỗ trợ cho các bạn trẻ này.
Đây chính là điều mà ban tổ chức chúng tôi muốn lan tỏa, để các bạn trẻ được hỗ trợ lần này và những năm trước khi thành công sẽ quay lại để hỗ trợ các start-up tương lai, tạo nên sự tiếp nối, kế thừa liên tục trong cộng đồng doanh nhân, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ doanh nhân Việt bản lĩnh, trí tuệ và đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bất ngờ với những ý tưởng khởi nghiệp
* Tham gia thành viên hội đồng bình chọn nhiều năm qua, qua đó tiếp cận với các mô hình khởi nghiệp ở mọi lĩnh vực, điều gì ấn tượng với cá nhân ông? Theo ông, làm thế nào để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?
- Khi tiếp nhận các mô hình, tham gia chấm và phản biện với các dự án, tôi và các thành viên hội đồng thực sự ngạc nhiên với các ý tưởng của các bạn trẻ hiện nay.
Rất nhiều dự án xuất phát từ chính nhu cầu thực tế hằng ngày với mong muốn cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn… trong sản xuất, kinh doanh như: dùng các giải pháp công nghệ để tiết kiệm năng lượng, bán hàng, chăm sóc khách hàng, đến những giải pháp sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo)… Hay các mô hình chuyên về tái chế, phát triển bền vững… đã cho thấy một bức tranh rất đa dạng của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, "tài sản" của Tuổi Trẻ Start-Up Award trong 3 năm qua không chỉ là các dự án gửi về, mà ban tổ chức còn nhận được rất nhiều ý kiến của các bạn đọc trong và ngoài nước chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp.
Để tinh thần khởi nghiệp tiếp tục phát triển chứ không chỉ dừng ở phong trào "sáng nở, tối tàn", tôi xin mạn phép chia sẻ ý của doanh nhân Trần Bá Dương, chủ tịch Tập đoàn Thaco Trường Hải, khi phát biểu tại Diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ" (báo Tuổi Trẻ và Cục Công nghiệp tổ chức vào tháng 12-2022): "Mọi thứ phải bắt đầu từng tầng, leo lên tầng một thì mới lên được tầng hai, ba chứ không tự nhiên nhảy vọt được. Nếu bạn chọn lĩnh vực cơ khí chế tạo khởi nghiệp hãy bắt đầu từ gia công, rồi qua sản xuất, sau đó tính đến việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu".
"Thương trường là chiến trường", hàm ý của anh Dương là muốn thành công phải bắt đầu từ những điều tưởng như đơn giản nhất nhưng lại là cơ bản nhất, nếu bỏ qua điều này đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc trong chặng đường khởi nghiệp.
Đừng nghĩ khởi nghiệp xa vời
Tôi rất thích một thuật ngữ của người Nhật là "Kaizen", có nghĩa là cải tiến liên tục. "Kaizen" là một triết lý, một phương pháp kinh doanh nổi tiếng đối với người Nhật để muốn nói rằng bất kể sản phẩm, dịch vụ nào cũng cần phải cải tiến, thay đổi mẫu mã, hình thức, dịch vụ, công năng… để hướng đến sự hoàn thiện. Nhu cầu cải tiến thường nhật này chính là những gợi ý cho các start-up.
Bạn trẻ hãy bắt đầu khởi nghiệp từ những điều gắn với đời sống hằng ngày, từ chuyện ăn, ngủ, nghỉ, làm việc và bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống. Đừng nghĩ rằng việc đó là xa vời mà ý tưởng khởi nghiệp đến từ những điều nhỏ bé xung quanh mình.
- Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Trần Xuân Toàn -
Nguồn cảm hứng cho bạn trẻ khởi nghiệp
* Mỗi năm, chương trình đều mang đến nhiều điều bất ngờ cho những người tham gia. Năm nay điều bất ngờ đó là gì, thưa ông?
- Năm ngoái chúng tôi đưa ra chủ đề "Vươn lên từ khó khăn". Năm nay chúng tôi chọn chủ đề "Trong khủng hoảng tìm thấy cơ hội". Và điều đặc biệt là một chính khách rất nổi tiếng trong cộng đồng trẻ của chúng ta hiện nay là nguyên phó thủ tướng Đức gốc Việt, ông Philipp Rösler sẽ là diễn giả chính tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp", dự kiến diễn ra tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM vào ngày 26-4.
Các bạn có thể truy cập vào tuoitre.vn từ ngày 15-4 để đăng ký tham dự, đặt câu hỏi với chương trình. Chúng tôi hy vọng sự tham dự của ông Philipp Rösler sẽ tạo ra nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc khởi nghiệp.
Ông Philipp Rösler từng là chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), hiện nay làm cố vấn cho rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có cả các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Tôi chắc chắn với kinh nghiệm của mình, ông ấy có thể chia sẻ rất nhiều nội dung thú vị cho các bạn trẻ khi bước chân vào thương trường.
Nhiều thành quả rực rỡ sau Tuổi Trẻ Start-Up Award
Chia sẻ từ Nhật Bản, anh Bùi Thanh Tâm (đồng sáng lập chuỗi Bánh mì Xin Chào) cho biết tính riêng thời điểm nhận giải thưởng khởi nghiệp báo Tuổi Trẻ từ tháng 9-2020 đến giờ, Bánh mì Xin Chào đã phát triển từ 2 cửa hàng lên 15 cửa hàng trên toàn nước Nhật, định giá công ty hiện là 5 triệu USD. "Chúng tôi cũng được xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông quốc tế, hàng đầu nước Nhật… và đã vào được các trung tâm thương mại, siêu thị lớn tại xứ sở hoa anh đào", anh Tâm nói.
Còn anh Lê Đình Lực (30 tuổi, CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English) cho biết sau khi được trao giải Tuổi Trẻ Start-Up Award năm 2022, anh nhận về nhiều "giải thưởng" vật chất lẫn tinh thần. Từ một cơ sở ở TP.HCM đầu năm 2022, hệ thống DOL English hiện đã vươn mình ra ba khu vực TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với 10 chi nhánh, được định giá gần 25 triệu USD.
Còn Lê Yên Thanh (CEO Phenikaa MaaS) cho biết khi nhận giải thưởng khởi nghiệp của báo Tuổi Trẻ, công ty anh gọi vốn thành công 1,5 triệu USD với định giá 3 triệu USD. Ở thời điểm hiện tại, start-up có định giá là 20 triệu USD.
Một trong những gương mặt start-up nữ hiếm hoi nhận được giải thưởng khởi nghiệp báo Tuổi Trẻ, bạn Nguyễn Thùy Liên (CEO Học viện trực tuyến Self Hiil) cho biết hiện start-up của bạn được định giá gần 6 triệu USD và thành công hai đợt huy động vốn.
CÔNG NHẬT
Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award
Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.
Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với trị giá 100 triệu đồng/giải.
Ngoài việc được trao hỗ trợ và vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...
Năm nay, sẽ có khoảng 25 - 30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận