30/03/2016 10:33 GMT+7

Đừng làm xấu hình ảnh chủ nhà

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Cuộc đôi co giữa công ty quản lý KCN Tân Đức (Long An) và doanh nghiệp đóng trên KCN này liên quan việc trả phí quản lý cơ sở hạ tầng đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Trước cổng Công ty Tango Candy bị đổ đất và rào chắn - Ảnh: CTV
Trước cổng Công ty Tango Candy bị đổ đất và rào chắn - Ảnh: CTV

Lý do chính của sự chú ý là việc Công ty Tân Đức dựng rào chắn trước cổng doanh nghiệp bị cho là chây ỳ để làm áp lực đối với doanh nghiệp; công ty còn gia tăng áp lực bằng cách cắt ngang việc cung ứng điện, nước và các tiện ích khác.

Lâm vào tình thế giống như người bị giam cầm và bị bỏ đói, khát theo kiểu nhục hình, khủng bố, doanh nghiệp phải lên tiếng kêu cứu.

Không loại trừ khả năng có những nhà đầu tư đỏng đảnh kiểu con cưng. Cũng như khi cha mẹ chỉ mới nghiêm mặt một tí mà quý tử đã giãy nảy; mọi hành vi bất lợi cho nhà đầu tư được nuông chiều đều bị bêu riếu là không thân thiện, là đi ngược lại chủ trương mở cửa, hợp tác.

Thậm chí có người tìm cách lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư để trục lợi, trốn thuế, hủy hoại môi trường, vi phạm pháp luật lao động.

Nhưng trong mọi trường hợp, người vào vai chủ nhà trong quan hệ đầu tư phải biết ứng xử đúng luật, đúng mực, văn minh.

Phải làm thế nào để một mặt, bên đối tác là nhà đầu tư luôn cảm thấy an toàn trong môi trường mà họ gia nhập để làm ăn; mặt khác, họ phải nghiêm túc thực thi những nghĩa vụ, cam kết của mình đối với nhà chức trách, xã hội và các chủ thể sở tại có liên quan, theo đúng luật chơi minh bạch, sòng phẳng.

Luật hiện hành thừa nhận cho chủ thể quan hệ dân sự quyền tự bảo vệ mỗi khi quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Tự bảo vệ là việc người ta thực hiện các biện pháp đối phó với hành vi xâm hại mà không dựa vào công lực.

Ví dụ, thấy người khác cắm cọc trên đất của mình thì có quyền tự nhổ bỏ; đồ vật của mình mà bị người ta chiếm đoạt trái phép thì mình tự giành lại.

Trong quan hệ hợp đồng, quyền tự bảo vệ cũng được thừa nhận như là một cách chế tài đối với bên vi phạm nghĩa vụ vừa ít tốn kém, dễ thực hiện, vừa có hiệu quả: người dùng điện, nước mà không chịu trả phí thì nhà cung ứng có quyền tạm ngưng cung ứng dịch vụ.

Tự bảo vệ là con dao hai lưỡi, dùng không khéo người tự bảo vệ có thể rơi vào tình trạng phạm pháp.

Yêu cầu số một đối với biện pháp tự bảo vệ là phải được thực hiện một cách tỉnh táo, có chừng mực, nhất là chỉ được mang tính phòng vệ và phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của người khác.

Doanh nghiệp trong khu công nghiệp là người thuê đất, công ty quản lý khu công nghiệp là người cho thuê.

Quan hệ giữa hai bên trong câu chuyện của Công ty Tân Đức còn mang tính chất quan hệ đầu tư có yếu tố nước ngoài. Với tư cách là người làm chủ không gian giao tiếp, là người tiếp nhận khách từ nơi xa đến, bên cho thuê còn phải thận trọng trong ứng xử, đừng làm xấu hình ảnh của chủ nhà.

Trong vụ xung đột giữa Công ty Tân Đức và doanh nghiệp, các vấn đề liệu công ty có tùy tiện ấn định mức phí bất hợp lý hoặc doanh nghiệp có cố tình dây dưa không chịu trả phí còn cần tiếp tục làm rõ.

Tuy nhiên, việc phong tỏa lối ra vào doanh nghiệp và cắt các đường ống, đường dây cung ứng tiện ích rõ ràng là phản cảm về mặt xã hội và không phù hợp với chính sách đầu tư.

Coi đó là cách thực hiện quyền tự bảo vệ theo pháp luật, thì có thể nói việc tự vệ đã đi quá đà, phải bị coi là trái pháp luật.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên