24/05/2019 08:14 GMT+7

Đừng để dự luật yếu đi!

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Khoảng một tháng trước khi dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia được đưa ra bàn thảo ở Quốc hội, đã có gần 10 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông mà người lái xe đã uống rượu bia.

Đừng để dự luật yếu đi! - Ảnh 1.

CSGT Q.Bình Thạnh, TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe - Ảnh: T.T.D.

Nhiều vụ ấu dâm, hiếp dâm nữ sinh… có liên quan đến rượu bia. Đặc biệt, vấn nạn rượu bia đã chen vào đời sống, gây ra nhiều hệ lụy cho từng cá nhân, gia đình Việt, trong khi tốc độ tiêu thụ rượu bia tại VN chưa dừng lại.

Một khảo sát được các nhà nghiên cứu quốc tế đưa ra cho thấy: VN nằm trong nhóm 5 nước đứng đầu thế giới về mức tăng tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người giai đoạn 2010 - 2017 (với mức tăng 90,2%) và dẫn đầu thế giới về mức tăng tiêu thụ sau 27 năm (từ 1990 - 2017) với mức tăng... 2.459%.

Theo bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo dự luật, nếu không áp dụng các chính sách chặt chẽ nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, dự kiến đến năm 2025 và 2030, mức tiêu thụ rượu bia bình quân của VN có thể lên tới 14 - 18 lít/người/năm (mức tiêu thụ này là quy cồn nguyên chất), trong khi năm 2017 là 8,9 lít/người/năm.

Ở mức tiêu thụ rượu bia như hiện nay, xã hội đã phải "xốn xang" với những hệ lụy do nó gây ra. Nếu mức tiêu thụ cao hơn, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra!

Vì vậy, rất cần những hạn chế, có kiểm soát rượu bia và điều đó phải được thể hiện trong Luật phòng chống tác hại rượu bia. 

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh - phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, Nga từng tiêu thụ bình quân 18 lít (quy cồn nguyên chất)/người/năm và tuổi thọ bình quân của người Nga khi đó chỉ khoảng 60 tuổi. 

Đã có bằng chứng chứng minh sự liên quan giữa rượu bia và tuổi thọ. Hiện lượng rượu bia tiêu thụ ở Nga đang giảm dần và đặt mục tiêu về mức tiêu thụ như VN hiện nay.

Thế nhưng theo nhiều nhận xét, so với những dự thảo trước, nhiều quy định nhằm hạn chế rượu bia của Luật phòng chống tác hại rượu bia như tăng thuế, siết quảng cáo, kiểm soát bán rượu bia trên mạng… đã bị loại khỏi dự luật hoặc không còn nặng ký. Lo ngại "dự luật đang bị yếu đi" là vì thế!

Dư luận chung của xã hội là cần những quy định mạnh hơn để hạn chế tác hại của rượu bia. 

Yêu cầu, mong muốn, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, sắc sảo cho Luật phòng chống tác hại rượu bia đang được đặt trên bàn các đại biểu Quốc hội. 

Có thể "dự luật đã bị yếu đi", nhưng vẫn có thể mạnh, quyết liệt hơn nếu các đại biểu Quốc hội có tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt để Luật phòng chống tác hại rượu bia đủ sức hóa giải các vấn nạn mà rượu bia đang gây ra cho từng cá nhân, mỗi gia đình và cả xã hội.

Cả xã hội đang chờ hành động của các đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia bị Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia bị 'yếu đi' như thế nào?

TTO - Một số giải pháp "mạnh" ở các dự thảo trước của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bị bỏ hoặc giảm nhẹ ở dự thảo mới trình ra kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, trong khi các vấn nạn xã hội có nguồn gốc từ rượu bia ngày càng phức tạp.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên