Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), ngày 30-6-2010 đã tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Sau khi tiếp nhận, PVN đã tái cơ cấu Nhà máy đóng tàu Dung Quất để duy trì và tiếp tục hoạt động. DQS có doanh thu 8.000 tỉ đồng vẫn lỗ hơn 2.600 tỉ đồng.
13 năm, DQS doanh thu 8.000 tỉ đồng, vẫn lỗ hơn 2.600 tỉ đồng
Theo đó, PVN đã "bơm" vào DQS 1.915 tỉ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ gần 3.500 tỉ đồng để trả nợ các ngân hàng. Đồng thời tái cấu trúc toàn diện DQS, cắt giảm từ 2.000 lao động còn 600 lao động.
Từ khi PVN tiếp nhận, DQS đã cải hoán, đóng mới và sửa chữa hàng loạt tàu thuyền trong và ngoài nước. 13 năm qua, DQS đã có 182 dự án, gồm 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài.
Với những nỗ lực, tổng doanh thu của DQS từ các dự án nói trên khoảng 8.000 tỉ đồng; thu nhập bình quân hiện tại của lao động là 10 triệu đồng/tháng.
Những con số "không đến nỗi nào". Tuy nhiên, theo PVN, hiện DQS đang lỗ hơn 2.600 tỉ đồng.
Khoản lỗ ngàn tỉ này không đến từ việc sản xuất kinh doanh bết bát, mà do các khoản nợ, khoản lỗ trong hoạt động trước năm 2010 để lại.
Theo đó, kết quả kiểm toán giữa năm 2010 cho thấy nhà máy lỗ 3.800 tỉ đồng và tổng nợ phải trả lên đến 7.440 tỉ đồng.
Lúc tiếp nhận, DQS đã mất cân đối tài chính, nên 13 năm qua PVN rất nỗ lực vẫn không bù đắp được khoản nợ quá lớn từ thời Vinashin để lại dẫn đến kinh doanh có hiệu quả vẫn thua lỗ liên tục.
Cần có cơ chế đặc thù cho DQS
Ông Hoàng Quốc Vượng - chủ tịch hội đồng thành viên PVN - bày tỏ quan điểm tiếp tục duy trì hoạt động của DQS, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hơn 600 lao động. Vì vậy, ông Vượng đề nghị các cấp có thẩm quyền tái cơ cấu DQS cùng những giải pháp về đầu tư tài chính.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - cho rằng loại trừ những tồn tại từ giai đoạn 2010 về trước, PVN đã hỗ trợ DQS hoạt động hiệu quả và có tiềm năng phát triển về sau. Do đó, cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ DQS thoát ra những tồn tại, vướng mắc hiện nay.
Còn ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nói phương án khả thi nhất là vẫn duy trì hoạt động của DQS. Việc cần làm là cơ cấu lại DQS, giữ chân lao động chất lượng cao để phát triển công nghiệp đóng tàu. Ông Minh khẳng định tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện để DQS phục hồi hoạt động, phát triển, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Sau khi kiểm tra thực tế DQS và nghe các bên thảo luận phương án xử lý đối với DQS, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị PVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến của các bộ ngành. Khẩn trương hoàn thiện phương án với DQS một cách khách quan, đầy đủ, khả thi để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6 tới.
Phó thủ tướng cho rằng với DQS, nếu không còn phương án khả thi mới tính phá sản. Nếu cơ cấu lại DQS thì phương án phải tính đến tiềm năng phát triển, thị trường, đầu ra và các định hướng khả thi khác, hạn chế tối đa tổn thất.
Dự kiến đến ngày 15-5, phương án xử lý tồn tại, hạn chế tại DQS sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đến là báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận