Bén duyên văn hóa Việt Thêm 10 món ăn Việt đạt giá trị ẩm thực châu Á Phở Hà Nội - Một nghệ thuật, một món ăn, một tình yêu
Phóng to |
Rebecca Beaufour học nấu bún mắm cá linh - Ảnh: L.Nam |
Tuy chưa nhiều nhưng đã có số lượng đáng kể lớp học, khóa học dạy nấu món ăn VN mọc lên tại các trung tâm du lịch lớn ở VN để đáp ứng nhu cầu này.
Đến VN để học nấu ăn
Biến món ngon thành thế mạnh của du lịch Ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN - cho biết trong các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch được tổ chức hằng năm luôn có khu vực giới thiệu các món ngon VN ở nước ngoài. Và lần nào cũng vậy, các quầy hàng giới thiệu món ăn VN luôn đông khách và thức ăn hết rất nhanh. “Chúng tôi hi vọng ngày càng có nhiều hoạt động quảng bá ẩm thực VN đến các thị trường du lịch lớn, tiềm năng vì nhiều du khách nước ngoài chưa có cơ hội thưởng thức các món ăn ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng của ẩm thực VN. Từ đó sẽ đưa loại hình du lịch ẩm thực trở thành một trong những thế mạnh để lôi cuốn thêm du khách quốc tế đến VN, bên cạnh thế mạnh về du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử”, ông Tuấn nói. |
Tay rón rén mở túi mắm cá linh rồi cho nhanh vào nồi nước đang đặt trên bếp, nhưng mùi đặc trưng của mấy con mắm cá linh đã kịp xộc lên mũi khiến cặp chân mày của Rebecca Beaufour (Pháp) nhíu lại. Đây là món ăn Việt thứ 28 của cô trong ngày học thứ bảy liên tiếp tại Trung tâm Nấu ăn VN (The Vietnam Cookery Center, Q.1). Vừa dùng con dao lớn đập giập mấy cọng sả, và theo chỉ dẫn của đầu bếp Bảo đứng bên cạnh, Rebecca gập lại rồi buộc chặt bằng một cọng sả bỏ vào nồi mắm cá linh đang chuẩn bị sôi. Rebecca bảo đây là món có mùi khó chịu nhất mà cô học trong mấy ngày qua.
Một tháng trước cả bố và mẹ Rebecca từ Pháp sang du lịch nhưng chủ yếu là tìm một nơi học dạy món ăn VN cho cô con gái 19 tuổi của mình. Ông bà đã tìm được trung tâm này để đăng ký học mấy món ăn VN. Trước khi về nước họ đã kịp đặt cho Rebecca, từng có một năm kinh nghiệm làm bếp tại một nhà hàng ở Paris, khóa học 56 món ăn đặc trưng của VN. Khóa học này kéo dài 14 ngày, mỗi buổi từ 9-12 giờ và thực hành bốn món VN. Thời gian rảnh, cô tham quan tìm hiểu thêm văn hóa VN.
“Tôi chọn học món ăn VN vì ít dầu mỡ, sử dụng rất nhiều gia vị và có nhiều cách thức chế biến món ăn giống người Pháp, chẳng hạn các món ốc, ốc nấu chuối. Tôi có kế hoạch mở một nhà hàng món ăn châu Á, trong đó có món ăn VN, tại Paris khi tay nghề đã vững”, Rebecca nói. Rebecca bảo cô đặc biệt thích các món ăn làm từ thịt gà của lớp học này, rồi kể vanh vách các món như càri gà, gà xào xoài, gà bọc nếp, cánh gà chiên nước mắm, gà xào gia vị... “Ban đầu thấy món ăn VN có vẻ dễ chế biến, nhưng bắt tay vào làm mới thấy không dễ chút nào, đặc biệt các món có trộn gia vị phải học và nhớ cách làm thật khéo léo không để mất mùi vị của món chính”, Rebecca tiết lộ.
Tại một phòng khác ở trung tâm này, cô Waka Takesue (Nhật) đang ngồi thưởng thức bữa trưa do chính cô thực hiện trong buổi sáng: cơm hấp gừng, gỏi bò tái me, canh chua cá lóc, cá lóc kho tộ, chè đậu xanh. Cô Takesue cho biết mới đến VN lần đầu tiên, nhưng trước khi đi đã tìm hiểu kỹ các lớp dạy nấu ăn VN và quyết định chọn đến TP.HCM chỉ để đăng ký học nấu ăn. Đăng ký lớp học có phần đi chợ chọn mua nguyên liệu về chế biến, cô Takesue cho biết đang lên danh sách nguyên liệu cho thực đơn của ngày tiếp theo là chả giò rế, canh nghêu thì là, thịt kho tộ, cơm hấp trái dừa, chè chuối xào dừa. “Chắc chắn tôi sẽ giới thiệu với bạn bè và người thân của mình các lớp học nấu ăn ở VN”, cô Takesue khẳng định.
Phóng to |
Waka Takesue nấu món canh chua cá lóc - Ảnh: L.N. |
Nhu cầu lớn
Bà Lê Đặng Khánh Linh, đại diện phòng kinh doanh và tiếp thị Trung tâm Nấu ăn VN, cho biết những lúc đông nhất trung tâm có 37-40 du khách nước ngoài “đứng bếp” học làm món ăn VN. Ngày nào cũng có khách đến đăng ký học các lớp chế biến món ăn VN. 50% là họ tự đọc thông tin tìm đến, 50% khách do các công ty lữ hành đưa đến theo chương trình cố định trong tour tham quan tìm hiểu văn hóa, ẩm thực VN. “Đa số khách đều cho rằng ăn các món ăn VN không làm họ cảm thấy quá no, dễ tiêu, ít dầu mỡ và nhiều mùi gia vị, rau thơm rất đặc trưng. Cách chế biến cũng không quá khó và cầu kỳ” - bà Khánh Linh cho biết.
Theo các công ty lữ hành, nhu cầu học nấu món ăn VN của du khách nước ngoài, đặc biệt là các du khách đến từ thị trường nói tiếng Anh, khá lớn. Một số công ty du lịch cho biết nhiều lớp học, khóa học dạy nấu ăn mọc lên ở những trung tâm du lịch lớn như TP.HCM, Hội An, Hà Nội, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng... thời gian qua đều thu hút nhiều du khách nước ngoài đăng ký học. Thậm chí có những lớp quy mô nhỏ do các đầu bếp tự thực hiện theo nhu cầu của một nhóm khách, hay các khóa học chuyên nghiệp ở các trường dạy món ăn VN, các bếp ở khách sạn...
Đại diện phòng du lịch chuyên phục vụ khách inbound (từ nước ngoài vào VN) Công ty lữ hành Saigontourist (STS) cho biết đang lên kế hoạch cho 45 khách châu Âu đến học cách làm món ăn VN ở một trung tâm dạy món ăn Việt trên đường Nguyễn Trãi. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, giám đốc tiếp thị - truyền thông STS, cho biết nhiều du khách có kế hoạch sẽ tham gia chương trình học nấu món ăn VN từ trước khi sang VN, nhưng cũng có những vị khách quyết định đăng ký học ngay sau mấy ngày thưởng thức các món Việt rất ngon và trình bày đẹp mắt.
Theo ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long 1, trưởng ban tổ chức cuộc thi Chiếc thìa vàng, một trong những đặc trưng riêng đặc sắc của ẩm thực Việt là thức ăn đa dạng được chế biến từ nguồn nông sản, nguyên liệu tươi, bổ dưỡng, sạch nổi tiếng của VN để các món ăn trở nên “ngon và lành”. Mỗi món ăn đặc trưng của mỗi vùng miền là cách quảng bá điểm đến của du lịch Việt hiệu quả nhất. “Một chuyên gia marketing nổi tiếng thế giới đã từng đưa ra đề nghị “VN nên trở thành bếp ăn của thế giới” và tôi tin không có cách quảng bá, giới thiệu du lịch VN nào hiệu quả, thuyết phục để lại ấn tượng mạnh mẽ, rõ ràng nhất thông qua ẩm thực” - ông Minh khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận