Dự án khu đô thị An Phú - An Khánh với 131ha tại TP Thủ Đức được triển khai từ năm 1998. Đây là vùng đất được cho là đẹp nhất TP.HCM vì nằm sát quận 1, ngay sông Sài Gòn, kế xa lộ Hà Nội.
Ai cũng hy vọng đó sẽ là khu dân cư kiểu mẫu nhưng sau hơn 20 năm vẫn chưa hoàn chỉnh, không có nhiều không gian công cộng, không có cầu vượt hay hầm chui nào kết nối với khu Thảo Điền.
Thậm chí hơn 20 năm rồi vẫn còn những con đường không thông suốt như đường Vũ Tông Phan, đường Nguyễn Hoàng chưa được mở rộng và nhiều con đường khác còn ổ voi, ổ gà, vỉa hè lôm nhôm.
Năm 1993, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được khởi công trên vùng trũng, nền đất yếu, chỉ có cỏ lác, nước phèn và không có đường giao thông nhưng rốt cuộc nơi ấy mọc lên một đô thị hoành tráng, cảnh quan đẹp, tràn ngập màu xanh, giao thông rành mạch, tiện ích đầy đủ, trở thành khu đô thị đáng sống.
Điều làm nên Phú Mỹ Hưng là nhờ một bản quy hoạch tốt, quản lý quy hoạch hoàn hảo và chỉ có một chủ đầu tư làm nhạc trưởng.
Trong khi đó, khu đô thị An Phú - An Khánh có cả chục nhà đầu tư, mỗi nhà đầu tư chiếm một khoảng đất và chỉ chăm chút vào dự án của mình. Chính vì vậy, khu đô thị này có rất nhiều công trình, chung cư, cao ốc to nhưng phần bên ngoài công trình có nhiều chỗ còn rất hoang sơ.
Rõ ràng vì thiếu một nhạc trưởng, thiếu các thiết chế quản lý cứng cho nên mới có chuyện kỳ cục là con đường Nguyễn Hoàng - trục đường quan trọng chia đôi khu đô thị, kết nối giữa xa lộ Hà Nội với đường Lương Định Của - có số phận buồn bã.
Chính vì tầm quan trọng của con đường này nên phải nâng cấp, mở rộng lên 37,5m.
Nhưng chỉ có 1,2km mà phải cần đến hai chủ đầu tư xây dựng là Công ty cổ phần Địa ốc Thủ Thiêm và Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà, mỗi đơn vị lại làm một nửa tính theo chiều dọc.
20 năm đẩy qua đẩy lại, con đường đến nay vẫn ngổn ngang bụi đất, ngổn ngang ổ gà, mưa một trận là nát như tươm. Một trong số các lý do là thiếu vốn, mà nhiều chủ đầu tư dự án thành phần không tham gia góp vốn vì họ cho là các công trình giao thông nằm ngoài dự án của họ.
Chính vì thiếu công tác quản lý quy hoạch, thiếu nhạc trưởng, thiếu các công cụ chế tài ngay từ đầu cho nên tất cả chỉ là kêu gọi... lòng từ tâm của các chủ đầu tư nhỏ lẻ. Trên thực tế thì nhiều dự án đã hoàn thành, đã thay tên đổi chủ mới cho nên việc kêu gọi góp vốn hoàn thiện hạ tầng là không khả thi.
Hơn 20 năm, một khu đô thị còn dang dở; hơn 20 năm, một con đường Nguyễn Hoàng vẫn nắng bụi mưa lầy, ách tắc giao thông và ách tắc trên cả chính sách. Người dân đâu quan tâm con đường đó ai làm, ai quản lý mà là bao giờ xong?
TP Thủ Đức bây giờ và quận 2 trước đây có thể nêu nhiều lý do, nhiều vướng mắc nhưng hơn 20 năm là một khoảng thời gian quá dài cho một con đường chỉ 1,2km.
Và thực tế là mới đây, sau nhiều văn bản, cuộc họp yêu cầu địa phương chủ trì giải quyết chưa có kết quả, Sở GTVT TP.HCM đã đề xuất một phương án là sở sẽ chủ trì cùng với các cơ quan khác tiếp nhận, quản lý và duy tu đường Nguyễn Hoàng cho đến khi nào TP Thủ Đức chủ trì giải quyết xong với các bên về trách nhiệm với con đường này.
Giải pháp dù chỉ là trước mắt nhưng cho thấy nếu muốn giải quyết việc cho dân thì sẽ vẫn có cách chứ không phải "bó tay", không thể biện minh dù với lý do gì.
Quốc hội đã nhấn nút thông qua nghị quyết 98 trao thêm rất nhiều quyền và nhiều công cụ cho TP.HCM và TP Thủ Đức. Người dân hy vọng những ách tắc kiểu như thế này sẽ được mau chóng giải quyết.
Và hơn thế nữa, những dự án "năm cha, ba mẹ" như An Phú - An Khánh, những dự án làm 10 - 20 năm không xong sẽ là bài học đắt giá cho TP.HCM trong việc triển khai các dự án đô thị đa mục tiêu, đa thành phần trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận