06/10/2023 13:50 GMT+7

Dự án cỡ 50.000 tỉ, quỹ phát triển hạ tầng Đông Nam Bộ lấy tiền đâu?

Cơ chế, chức năng hoạt động, huy động vốn của Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ như thế nào để đạt hiệu quả đầu tư cho các dự án hàng chục ngàn tỉ đồng là câu hỏi được các chuyên gia thảo luận.

TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (đứng) - đồng chủ trì hội thảo về đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: TIẾN LONG

TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (đứng) - đồng chủ trì hội thảo về đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng Đông Nam Bộ - Ảnh: TIẾN LONG

Thảo luận được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng Đông Nam Bộ do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức vào sáng 6-10.

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất 5 phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, 2 phương án theo hướng không thành lập quỹ đầu tư vùng mà mở rộng chức năng, sáp nhập các quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện có, cho phép các quỹ này đầu tư, cho vay cấp vốn cho cả các dự án đầu tư vùng.

Một phương án lập quỹ từ việc nâng cấp Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC). 

Phương án khác là bổ sung phạm vi hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bao gồm các chức năng của quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Dù vậy, các phương án này có hạn chế là không khắc phục được các điểm yếu, hạn chế của quỹ đầu tư phát triển địa phương. Quỹ hoạt động không chuyên nghiệp về quản trị, chức năng và cách thức hoạt động.

Phạm vi hoạt động quá hẹp, rất hạn chế về năng lực huy động vốn và đầu tư, từ đó có thể không huy động được vốn cho các dự án vùng như mục đích kỳ vọng.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đặc biệt ưu tiên phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng như một ngân hàng chính sách mới, với các cổ đông hay thành viên góp vốn là Chính phủ (có thể ủy quyền cho Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch - Đầu tư) và UBND các địa phương trong vùng.

Về sau quỹ có thể huy động thêm các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Nhóm nghiên cứu cho rằng mô hình này sẽ khắc phục được những bất cập của mô hình quỹ đầu tư phát triển địa phương và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Đây sẽ là một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, có cơ sở pháp lý vững chắc, có phạm vi hoạt động đủ rộng, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế.

TS Trần Du Lịch (bìa trái), TS Nguyễn Đình Cung (giữa) trao đổi bên lề hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

TS Trần Du Lịch (bìa trái), TS Nguyễn Đình Cung (giữa) trao đổi bên lề hội thảo - Ảnh: TIẾN LONG

Nêu ý kiến sau đó, TS Trần Du Lịch đánh giá cả 5 phương án của nhóm nghiên cứu Ngân hàng Thế giới đưa ra đều đang dựa vào những cái đang có, dựa vào nguồn lực nhà nước.

Theo ông Lịch, đối tượng đầu tư của quỹ phát triển hạ tầng vùng phải là các đường cao tốc, đường sắt đô thị liên vùng hoặc các hạ tầng liên quan đến cảng biển, xử lý chất thải, năng lượng sạch.

Đây là những dự án cần số vốn rất lớn. Do vậy, quỹ phải có cách tổ chức khác với các quỹ phát triển địa phương hiện nay. Hoạt động của quỹ có cơ chế độc lập, quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp chứ không phải công chức hành chính.

Nguồn vốn của quỹ không dựa hẳn vào ngân sách, phải bao gồm một phần vốn nhà nước, phần còn lại huy động trong và ngoài nước. Muốn vậy, quỹ phải có quyền phát hành trái phiếu quốc tế và trong nước để huy động vốn. Đồng thời có cơ chế đầu tư để thu hồi vốn bổ sung trở lại cho quỹ.

"Làm được như vậy mới lập quỹ, còn không nếu thành lập sẽ biến quỹ đầu tư này thành sở tài chính 2 của các địa phương, hoạt động không hiệu quả", ông Lịch nói.

TS Vũ Anh Tuấn - giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) - nhìn nhận sứ mệnh quỹ phát triển hạ tầng vùng rất lớn.

Một trong những đối tượng đầu tư của quỹ phải là các dự án đường sắt đô thị liên vùng. Những dự án này cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng khai thác để hoàn vốn chậm, kéo dài hàng chục năm.

"Vậy vốn đầu tư ở đâu ra? Việc này cần phải có chiến lược huy động vốn, chiến lược tài chính khác hẳn các quỹ hiện nay", ông Tuấn nói.

Xây dựng cơ chế tài chính cho quỹ phát triển vùng Đông Nam Bộ

Ông Nguyễn Quang Thanh - phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC) - góp ý cơ chế hoạt động của quỹ cần tính tới việc sử dụng vốn phải hiệu quả, phải có nguồn thu để trả nợ.

Ông Thanh dẫn chứng nếu một tuyến đường thu hồi vốn mất trên 20 năm, nếu quỹ phát triển hạ tầng vùng làm một đường sắt cỡ 50.000 tỉ trở lên sẽ cân đối nguồn vốn ở đâu để làm các dự án khác.

"Việc phát triển quỹ phải xây dựng cơ chế tài chính, có thể dùng cơ chế ngân sách nhà nước bố trí ngay từ đầu, hoặc bố trí vốn tham gia trả nợ cùng với chủ đầu tư", ông Thanh nói.

Thủ tướng: Nghiên cứu lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam BộThủ tướng: Nghiên cứu lập quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam Bộ

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng, cố gắng hoàn thành trong quý 3-2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên