Tái định cư cho hơn 2.400 hộ dân dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Trả lời Tuổi Trẻ Online về những vướng mắc khi phải tái định cư cho dân trước khi thu hồi đất, ông Võ Tấn Đức, quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói: "Việc bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở do số lượng các hộ dân có nhà ở trên đất thu hồi ở dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu rất lớn.
Dự kiến phải bố trí tái định cư cho dự án khoảng 2.409 hộ, trong đó TP Biên Hòa là khoảng 904 hộ và còn lại là huyện Long Thành. Tuy nhiên, TP Biên Hòa chưa chủ động được khu tái định cư để bố trí cho người dân có đất bị thu hồi theo quy định của Luật Đất đai, nên không thể phê duyệt bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp này".
Sau khi làm việc với các ngành, ông Đức cho hay UBND tỉnh đã có thông báo về việc bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất thuộc dự án trên địa bàn TP Biên Hòa vào các khu tái định cư Bình Minh (huyện Trảng Bom), khu dân cư, tái định cư Núi Dòng Dài.
Trường hợp còn thiếu thì UBND TP Biên Hòa chủ động làm việc với UBND huyện Long Thành để bố trí chỗ ở cho dân tại các lô đất tái định cư còn dư thuộc khu tái định cư Long Đức, huyện Long Thành.
Tỉnh cũng đang yêu cầu các ngành rà soát, áp dụng chính sách ưu đãi cho người bị thu hồi đất được mua nhà ở xã hội để công bố cho người dân, nhằm vận động các hộ dân đồng thuận với chủ trương thu hồi đất của Nhà nước.
"Hiện UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giao các đơn vị liên quan rà soát từng trường hợp cụ thể, xử lý các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định, tránh trường hợp lợi dụng chính sách, làm trái quy định gây thất thoát ngân sách nhà nước", ông Đức nói.
Nỗ lực thực hiện đúng lời hứa với Thủ tướng
Lý giải nguyên nhân khiến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chậm, ông Võ Tấn Đức cho hay trước đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh muốn đẩy nhanh các dự án trọng điểm trên địa bàn, nên đã cho thí điểm thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Ban này cũng được giao làm đền bù dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhưng khi tổng kết, đánh giá lại thì ban này hoạt động còn hạn chế, chưa hiệu quả…
Bên cạnh đó khi kiểm đếm đất làm dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì có một số lượng lớn đất nông nghiệp người dân tự phân lô mua bán giấy tay qua nhiều chủ sử dụng và xây dựng nhà trên đất nông nghiệp.
Người bán đất đã đi khỏi địa phương hoặc không sinh sống tại địa phương, không liên lạc được và người đang sử dụng hiện nay cũng không biết chủ đất chính thức là ai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản chính đang ở đâu. Hiện tại nhiều căn nhà dạng này đã được bán qua tay nhiều đời chủ khác nhau (chủ cũ không còn ở địa phương).
Ngoài ra, theo ông Đức, quy định chính sách hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp với trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp bị thu hồi không cư trú tại địa phương nơi có đất thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi có đất, và UBND cấp xã nơi cư trú nên mất rất nhiều thời gian.
Mặt khác dự án đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường (đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để thực hiện) giữa hai địa phương có sự chênh lệch lớn. Vì vậy, người có đất bị thu hồi ở vùng giáp ranh có tâm lý so bì về giá đất bồi thường.
Ông Đức nói: "Nêu ra những nảy sinh từ thực tiễn như trên để thấy có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan đã làm ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dù các ngành, chính quyền địa phương vẫn quyết tâm làm ngày, đêm, làm xuyên lễ".
Theo ông Đức, sau khi thực hiện chiến dịch "30 ngày đêm cho các dự án trọng điểm" thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã có những bước chuyển biến rõ rệt.
Tỉnh đã chỉ đạo UBND TP Biên Hòa và UBND huyện Long Thành lập, phê duyệt bồi thường, thu hồi đất trước đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi trong vùng dự án...
Ông Đức nói: "UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng tốc về đích, đảm bảo đến ngày 30-6 cơ bản bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án như lời hứa của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận