Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Quế - phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Tỉnh và các ngành nỗ lực để cắm mốc, đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất, định giá đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân ở khu vực TP Biên Hòa, Long Thành nhường đất làm dự án.
Đến nay công tác kiểm kê của hai dự án thành phần đã đạt khoảng 95% diện tích và đang hoàn thành việc xác nhận nguồn gốc đất, lập, niêm yết để bồi thường".
Cuối tháng 7 khó bàn giao hết mặt bằng
UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định yêu cầu phải bàn giao hết mặt bằng ở hai tiểu dự án bồi thường vào cuối tháng 7-2024. Tuy nhiên theo ông Quế, chỉ riêng phường Phước Tân ở TP Biên Hòa có khoảng 28ha đất, nhiều trường hợp chủ nhà không phải chủ đất, mua bán giấy tay qua nhiều đời nên việc tìm chủ đất rất khó khăn. Phương án kiểm kê vắng chủ đã được bàn đến nhưng điều này sẽ mất thêm thời gian kiểm đếm, đo đạc.
Theo ông Quế, muốn xác nhận nguồn gốc đất để bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm phải có xác nhận của chính quyền phường, xã nơi có đất và cả nơi người có đất đang cư trú.
Thậm chí kiểm toán còn yêu cầu lấy ý kiến của bảo hiểm xã hội để xác định người sử dụng đất có hưởng lương thường xuyên, đóng bảo hiểm xã hội hay không vì liên quan đến tiền hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc xác nhận số lượng nhân khẩu và nhân khẩu sản xuất nông nghiệp, thời điểm tạo lập tài sản, có nhà ở đất ở tại phường, xã hay không... để làm cơ sở bồi thường, tái định cư mất nhiều thời gian.
"Phải có những thủ tục xác nhận trên các phòng ban mới có cơ sở thẩm định giá nhà đất để bồi thường... Cán bộ cấp xã, phường còn rất nhiều việc khác nên họ không kham nổi tiến độ". Ông Quế chia sẻ và cho biết ban sẽ nỗ lực hết sức để giải ngân vốn đầu tư và bàn giao mặt bằng nhưng rất khó hoàn thành bàn giao mặt bằng cuối tháng 7.
Chưa chuẩn bị sẵn các khu tái định cư
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh quy hoạch bốn khu tái định cư cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh. Trong đó có hai khu tái định cư Long Đức, Long Phước ở huyện Long Thành và hai khu tái định cư Tam Phước, Phước Tân ở TP Biên Hòa. Đến nay hai khu tái định cư Long Đức, Long Phước vẫn đang xây dựng, còn hai khu tái định cư Tam Phước, Phước Tân chỉ mới phê duyệt 1/500.
Chưa có tái định cư làm sao đưa dân rời khỏi khu vực làm dự án cao tốc? Ông Nguyễn Hồng Quế giải thích: "Thực tế việc niêm yết, chuẩn bị bồi thường, hỗ trợ cho những hộ dân sắp tới đây chủ yếu là những hộ thuần đất nông nghiệp. Riêng những hộ có nhà ở, đất ở đang vướng điều 85 Luật Đất đai 2013 vì chưa chuẩn bị được tái định cư. Do chưa có tái định cư nên cán bộ thực thi không dám ký hồ sơ bồi thường".
Ông Quế cho hay tỉnh có tính toán, xin ý kiến đưa dân vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (nơi bố trí cho người dân nhường đất làm sân bay Long Thành - PV) nhưng đến nay chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Hai khu tái định cư Long Đức, Long Phước đang xây dựng, còn hai khu tái định cư Tam Phước 31,5ha, Phước Tân 49ha còn thêm thời gian ghi vốn, duyệt dự án đầu tư, đăng ký chuyển mục đích đất lúa, thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng...
Do vậy, ban sẽ kiến nghị cần có chủ trương cho người dân có nhà ở, đất ở tại dự án cao tốc bốc thăm tái định cư theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt và hỗ trợ tiền tạm cư cho dân đến khi cơ sở hạ tầng tái định cư hoàn chỉnh.
Để làm dự án này, Đồng Nai phải thu hồi gần 290ha đất do nhiều tổ chức quản lý sử dụng và khoảng 3.700 hộ đang sử dụng, khoảng 1.800 hộ cần bố trí tái định cư.
Theo Ban Quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai, đến nay ở tiểu dự án thành phần 1 (đoạn TP Biên Hòa và huyện Long Thành), ban đã cơ bản kiểm đếm xong các thửa đất trên địa bàn. Tuy nhiên, còn 136 thửa đất chưa xác định được chủ, đang làm theo trình tự kiểm đếm vắng chủ.
Ở tiểu dự án thành phần 2 (qua huyện Long Thành) cũng đã kết thúc kiểm đếm ở các xã và niêm yết phương án bồi thường đối với 132 trường hợp đủ điều kiện. Ở tiểu dự án này vẫn còn 91 thửa đất vắng chủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận