06/01/2020 16:26 GMT+7

Đồng minh ở Trung Đông đang bỏ rơi Mỹ sau vụ giết tướng Iran?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Lo sợ bị vạ lây và không muốn gặp rắc rối với Iran, các đồng minh Trung Đông của Mỹ hoặc là im lặng hoặc giữ khoảng cách với Washington, đẩy nước Mỹ vào thế “thân cô thế cô” sau vụ ám sát tướng Soleimani.

Đồng minh ở Trung Đông đang bỏ rơi Mỹ sau vụ giết tướng Iran? - Ảnh 1.

Những người ủng hộ Hezbollah ở Lebanon đổ xuống đường biểu tình phản đối Mỹ và tưởng nhớ cái chết của tướng Soleimani - Ảnh: REUTERS

Nói như tờ New York Times của Mỹ, dù có hài lòng trước cái chết của tướng Soleimani - tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, các đồng minh của Mỹ cũng không dám hó hé.

Tướng Hossein Dehghan, một cố vấn cấp cao của đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, hôm 5-1 đã tuyên bố thẳng các hành động trả đũa của Iran "chắc chắn là quân sự".

Một số nhà phân tích cho rằng để tránh một cuộc xung đột quy mô lớn với Mỹ và giữ lời thề báo thù, Iran sẽ nhắm vào các nước đồng minh của Washington. 

Câu hỏi chung của vùng Vịnh giàu có ngay lúc này chính là: Nếu điều đó thực sự xảy ra, liệu Mỹ có đứng sau chống lưng cho các đồng minh không hiệp ước?

Trong suốt những năm qua, Tehran đã tạo dựng và nuôi dưỡng được một mạng lưới chống phá Mỹ và các nước thân Mỹ tại Trung Đông. Tổng số tay súng của mạng lưới này có thể lên tới gần 200.000, chưa kể các loại vũ khí hiện đại do Iran cung cấp.

Đó là Hamas tại dải Gaza nằm sát Israel, là Houthi tại Yemen - lực lượng sẵn sàng bắn tên lửa đạn đạo nhắm vào Saudi Arabia một khi nhận được đèn xanh từ Iran, hay Hezbollah - lực lượng quân sự và chính trị mạnh nhất ở Lebanon, cũng như vài nhóm nhỏ khác ở Syria.

Quy mô của mạng lưới ủy nhiệm này cho phép Iran tấn công phá hoại bất kỳ địa điểm nào trong khu vực nhưng vẫn có thể phủ nhận mọi trách nhiệm trực tiếp theo kiểu "ném đá giấu tay".

"Saudi Arabia và tất cả các nước vùng Vịnh thân Mỹ đều im lặng. Họ không muốn đối đầu với người Iran bởi tình thế lúc này là vô cùng căng thẳng và nhạy cảm đến mức tất cả đều không muốn khuấy cho nước đục thêm nữa", tiến sĩ Khalid al-Dakhil, một nhà xã hội học chính trị Saudi Arabia, nhận định với báo New York Times.

Vụ tấn công các nhà máy lọc dầu lớn nhất của Saudi Arabia hồi năm ngoái đã cho thấy cơ sở hạ tầng và các mỏ dầu của vùng Vịnh là mục tiêu dễ bị tổn thương như thế nào. Mỹ và các nước phương Tây khi đó tuyên bố Iran đứng đằng sau sự việc - một cáo buộc luôn bị Tehran phủ nhận.

Đồng minh ở Trung Đông đang bỏ rơi Mỹ sau vụ giết tướng Iran? - Ảnh 2.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei (giữa) đứng trước quan tài tướng Soleimani trong tang lễ ngày 6-1. Những hình ảnh này sẽ còn được sử dụng trong nhiều năm nữa ở Iran như một bằng chứng về "tội ác của đế quốc Mỹ" - Ảnh: REUTERS

Đối với người Israel, Soleimani là kẻ thù không đội trời chung. Các lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn dưới bàn tay sắp xếp của Soleimani đã đặt nhà nước Do Thái vào thế bị bao vây bởi hàng ngàn tên lửa và rocket.

Nhưng dù sự thù ghét có đặc biệt cao hơn những nước khác, Tel Aviv vẫn thận trọng tránh đưa ra những thông tin có thể khiến họ bị hiểu là người tiếp tay cho Mỹ giết Soleimani.

Trong khi tán dương hành động của Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tránh nhắc tới người Israel trong bài phát biểu ngày 5-1.

Ông mô tả Soleimani là tay đồ tể dính đầy máu "lính Mỹ và người vô tội" thay vì "lính Mỹ và Israel", bỏ qua một thực tế là không ít binh sĩ lẫn dân thường Israel đã chết dưới đạn pháo của Hamas và Hezbollah.

Một số nước vùng Vịnh đã bắt đầu cho thấy sự lo lắng sau vụ ám sát tướng Soleimani. Hoàng tử Khalid bin Salman, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Saudi Arabia, đã vội bay đến Washington hồi cuối tuần trước để tham khảo ý kiến của các quan chức Mỹ.

Tại Trung Đông, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cũng lên đường tới Iran ngày 4-1. Căn cứ không quân Al Udeid của Qatar là nơi chiếc máy bay không người lái của Mỹ xuất kích và phóng tên lửa giết chết tướng Soleimani. Đây cũng là căn cứ quân sự lớn nhất mà Mỹ có ở Trung Đông, có khả năng hỗ trợ tất cả các máy bay của quân đội Mỹ, bao gồm cả pháo đài bay B-52.

Các nước vùng Vịnh rõ ràng đang cần một sự trấn an từ Mỹ và những cam kết về mức độ hỗ trợ của Washington nếu họ trở thành mục tiêu của sự trả đũa đến từ Iran. Nhưng trước khi nhận được những điều đó, im lặng có lẽ là cách tốt nhất để tránh rắc rối với nhà nước Cộng hòa Hồi giáo.

Mỹ tiêu diệt tướng Iran trên đất Iraq: Dựa trên luật nào? Mỹ tiêu diệt tướng Iran trên đất Iraq: Dựa trên luật nào? Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran: Những câu hỏi Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran: Những câu hỏi Iran nói sẽ trực tiếp đáp trả Mỹ bằng quân sự Iran nói sẽ trực tiếp đáp trả Mỹ bằng quân sự
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên