Hiện nay, những cơn mưa lớn đã làm ngập sân bay, ảnh hưởng đến hoạt động bay của phi trường Tân Sơn Nhất - Ảnh: Khánh Băng |
Trước năm 1975, vành đai phi trường hoàn toàn không giống bây giờ. Nhiều khu vực nhà dân, cơ sở quân đội bây giờ ở ngay trên khu vực hàng rào bảo vệ và bãi đất trống để phát triển Tân Sơn Nhất trước đây. Chỗ sân golf rộng mênh mông hiện nay ngày trước là bãi đất trống được chính quyền Sài Gòn cũ để dự phòng mở thêm khu sân bay quốc tế |
Kỹ sư Nguyễn Trần Đỗ |
Tuy nhiên, Tân Sơn Nhất cũng đối diện nhiều vấn đề nghiêm trọng phát sinh. Những lần ngập lụt ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động bay làm người Sài Gòn ngỡ ngàng. Tình cảnh kẹt đường, người xe ken nhau trước cổng phi trường ảnh hưởng khách bay. Đặc biệt là sự khó khăn, trễ nải trong nỗ lực mở rộng diện tích hàng không dân dụng vô cùng cấp thiết. Chuyện gì đang xảy ra? Tại sao?
Đổi thay
“Rời quê hương từ năm 1976, rồi bao lần trở lại thăm Sài Gòn, tôi có thể là một chứng nhân của sự hiện đại dần lên ở Tân Sơn Nhất. Lần đầu tiên về phi trường này hồi còn bao cấp, chỉ thấy toàn sắc phục của công an, bộ đội. Khách ít mà xếp hàng suốt cả nửa ngày vẫn chưa được thông quan, nhận hành lý.
Từ Paris về nước, chỉ biết chọn Air France, hàng không Việt Nam chưa khai thác nổi tuyến này. Du lịch trong nước chủ yếu cũng được ngồi TU, loại máy bay ồn ào, đinh tai nhức óc của Liên Xô” - Việt kiều Pháp, kỹ sư Nguyễn Mạnh Đàn, nhân viên Bộ Công chánh Sài Gòn cũ, tâm sự.
Từ năm 2000, ông thường xuyên về nước và lần lượt được ngồi các loại máy bay hiện đại trong nước, từ Boeing 737, 767, 777, 787 đến Airbus 320, 321, 330, 350. Nhưng vui nhất là được bay thẳng từ Pháp về quê hương bằng chính hãng hàng không quốc gia. Cảm giác thật gần gũi, ấm cúng khi nghe cơ trưởng, tiếp viên nói chuyện bằng chính tiếng đồng bào mình...
Và không chỉ những Việt kiều xa quê như ông Đàn, mà nhiều người trong nước còn chứng kiến rõ hơn sự đổi thay ở phi trường quốc tế lớn nhất Việt Nam. Tháng 12-1991, Luật hàng không tuy còn nhiều điểm chưa hoàn thiện nhưng đã tạo cơ sở phát triển cho ngành hàng không Việt Nam.
Cùng với việc Chính phủ quyết định tách Tổng công ty Hàng không khỏi quốc phòng, về Bộ Giao thông vận tải, đã tạo cơ chế cho ngành hoạt động kinh tế độc lập và có nền tảng pháp lý phù hợp để quan hệ quốc tế.
Tháng 8-1992, Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp lại đường băng dài hơn 3.000m (chính quyền Việt Nam cộng hòa xây dựng từ trước năm 1975) đã xuống cấp nghiêm trọng sau thời gian dài sử dụng. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đây là đợt sửa chữa đường băng quy mô lớn nhất với tổng số vốn 36 tỉ đồng kể từ năm 1975.
Ba tháng sau, phi trường này đón hành khách thứ 1.000.000. Đây là con số kỷ lục nếu tính từ sau ngày đất nước thống nhất, bởi năm 1990 phi trường này mới đón được 430.000 hành khách, sang năm 1992 là 700.000 khách...
“Cánh cửa mở ra” của chính sách đổi mới đã làm cho ngành hàng không Việt Nam và Tân Sơn Nhất có điều kiện phát triển nhanh. Cũng năm 1992, Tân Sơn Nhất đón nhận những chiếc ATR72 hiện đại đầu tiên mua từ châu Âu.
Phi công kỳ cựu “chế độ cũ” Huỳnh Minh Bon tiếp tục là người hỗ trợ các phi công miền Bắc vốn quen máy bay Liên Xô học chuyển loại lái máy bay mới này. Nó được đưa vào khai thác ngay tuyến Sài Gòn - Hà Nội - Đà Nẵng và thỏa mãn ngay nhu cầu của hành khách, đặc biệt là Việt kiều và du khách quốc tế không quen hệ máy bay Liên Xô.
Những “nút thắt” phi trường
Từ thập niên 1990, Tân Sơn Nhất không ngừng đổi thay với hàng loạt sự kiện mới. Đội bay được hiện đại dần ngang tầm quốc tế. Các cơ sở hạ tầng như nhà ga, sân đậu, đường băng liên tục được sửa chữa, nâng cấp, đầu tư mới. Đầu năm 1997 xây dựng ga hàng hóa quốc tế Tân Sơn Nhất với tổng diện tích mặt bằng 22.000m2 đã tạo điều kiện cho phi trường phát triển thêm.
Ngày 11-12-2004, chuyến bay thẳng thương mại đầu tiên Mỹ - Việt với chiếc B747-400 hạ cánh ở Tân Sơn Nhất tiếp tục mở ra bước ngoặt lịch sử cho phi trường này. Theo Cục Hàng không, năm 2005 Tân Sơn Nhất đón gần 7,4 triệu lượt hành khách, đến năm 2014 hơn 22 triệu, năm 2015 là 26 triệu và sang năm 2016 đã vượt mức 32 triệu người...
Tuy nhiên, chính nhu cầu vận chuyển tăng nhanh ở Tân Sơn Nhất đã làm phi trường quá tải, trong khi suốt nhiều năm qua các kế hoạch mở rộng khu vực hàng không dân dụng luôn gặp khó khăn, mà đặc biệt là những trở ngại từ quỹ đất. Sau ngày thống nhất đất nước, cũng như tình hình chung ở nhiều nơi khác, Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm rất nhiều ở tất cả các hướng.
Kỹ sư Nguyễn Trần Đỗ kể: “Trước năm 1975, vành đai phi trường hoàn toàn không giống bây giờ. Nhiều khu vực nhà dân, cơ sở quân đội bây giờ ở ngay trên khu vực hàng rào bảo vệ và bãi đất trống để phát triển Tân Sơn Nhất trước đây. Chỗ sân golf rộng mênh mông hiện nay ngày trước là bãi đất trống được chính quyền Sài Gòn cũ để dự phòng mở thêm khu sân bay quốc tế”.
Theo ông Đỗ, không chỉ ông mà nhiều bạn bè từng sống ở Sài Gòn trước đây, giờ trở lại Tân Sơn Nhất cũng bị lạc lối. Ở những vành đai phi trường mênh mông phía Tân Bình, Gò Vấp trước đây họ có thể đứng nhìn ngắm thoải mái máy bay lên xuống, giờ đã bị bít kín hoàn toàn bởi công trình xây dựng dân dụng. Chẳng ai có thể còn nhận ra cảnh xưa nữa!
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng cho rằng ông vô cùng ngạc nhiên khi hiện nay nước mưa gây ngập trầm trọng trong phi trường, ảnh hưởng đến cả hoạt động bay. “Di cư vào thành phố này từ năm 1954, tôi chưa bao giờ thấy hoặc nghe chuyện phi trường ngập nước. Trước năm 1975, thi thoảng dân Sài Gòn có nghe Tân Sơn Nhất bị gián đoạn bay vì chiến sự, chứ chắc chắn không bao giờ bị ảnh hưởng vì ông trời như bây giờ”.
Theo ông Đầu, từng nguyên nhân cụ thể như thế nào thì đã có các nhà chuyên môn khảo sát, phân tích, nhưng chủ yếu vẫn là do đất đai phi trường bị lấn chiếm, xây dựng bêtông hóa tràn lan mới dẫn đến tình trạng ngập trầm trọng này. Các kỹ sư Pháp, rồi sau này là Việt, Mỹ từng khảo sát rất thận trọng. Họ đã nhìn thấy đây là một khu đất gò cao, có nền địa chất cứng phù hợp để làm phi trường.
Đặc biệt, hệ thống kênh rạch tự nhiên bao quanh và quỹ đất trống rộng rãi trong Tân Sơn Nhất rất thuận lợi cho phi trường tiêu thoát nước và phát triển rộng thêm sau này đã bị chặn đầu chặn đuôi, san lấp xây dựng công trình hoặc thu nhỏ mất rồi...
Cuối tháng 5-1995, đường băng Tân Sơn Nhất tiếp tục xuất hiện thêm chiếc Airbus 320 sơn màu Vietnam Airlines. Đây là chiếc A320 thứ 8 mà hàng không Việt Nam khai thác, nâng tổng số đội bay hiện đại của Việt Nam lên 15 chiếc với 3 chiếc B767, 8 chiếc A320, 4 chiếc ATR72. Chính nhờ đội máy bay mới này mà sau vụ tai nạn máy bay TU134 nghiêm trọng ở sân bay Pochentong - Campuchia, cục trưởng hàng không Việt Nam Nguyễn Hồng Nhị đã ký quyết định dừng hoạt động toàn bộ máy bay TU134. Một quyết định đúng đắn nhưng rất khó khăn, vì Việt Nam đã đầu tư nhiều cho đội máy bay Liên Xô, đặc biệt năm 1990 còn mua thêm sáu chiếc TU134 từ Đức về. Đây là vụ tai nạn hàng không làm thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong nước từ trước đến nay. Ngày 3-9-1997, chiếc TU134B, số hiệu VNA120, cơ trưởng Phạm Văn Tiêu, từ Tân Sơn Nhất đến Pochentong, chở 60 hành khách và 6 thành viên tổ bay đã bị rơi khi chỉ còn cách sân bay Campuchia 2km. Trừ hai trẻ Việt Nam và Thái Lan, toàn bộ đội bay và 58 hành khách đã thiệt mạng. Ba ngày sau tai nạn, hệ máy bay Liên Xô với toàn bộ máy bay TU134 không còn được sử dụng trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. |
_____________________________________________
Kỳ tới: Tương lai cho phi trường lớn nhất Việt Nam
Xem các kỳ trước: >> Kỳ 1: Những cánh bay đầu tiên trên bầu trời Sài Gòn >> Kỳ 2: Người phi công Việt Nam đầu tiên >> Kỳ 3: Đường băng đất đỏ >> Kỳ 4: Phi đạo 3.000m và sân bay hạng nhất >> Kỳ 5: Phi trường nhộn nhịp hàng đầu thế giới >> Kỳ 6: Mua đất mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất >> Kỳ 7: Tân Sơn Nhất - Phi trường rực lửa >> Kỳ 8: 100 năm phi trường Tân Sơn Nhất: Cuộc đổi thay lịch sử >> Kỳ 9: Phi trường Tân Sơn Nhất thời kỳ khó khăn >> Kỳ 10: Những chiếc B707 “chui” đầu tiên |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận