16/06/2015 10:03 GMT+7

​Đối phó với mưa dông

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Chỉ một trận mưa dông mà nhiều nơi ở Hà Nội đã tan hoang và hai người thiệt mạng, bảy người bị thương một cách thương tâm.

Một trận mưa dông dù đã được cơ quan khí tượng dự báo trước nhưng thiệt hại vẫn xảy ra, chứng tỏ khả năng ứng phó với thảm họa, thiên tai của cơ quan chức năng ở thủ đô rất có vấn đề.

Điều đáng trách thứ nhất dành cho đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn Hà Nội. Hơn 1.300 cây xanh bị gãy đổ là nguyên nhân khiến hai người tử vong, bảy người bị thương và nhiều tài sản của người dân bị hư hại.

Sau mưa dông, có những ý kiến cho rằng nếu thực hiện kế hoạch thay thế cây xanh gây tranh cãi trước đó thì đã không xảy ra cảnh tượng kinh hoàng trên đường phố. Thực tế, với cơn mưa dông chiều 13-6, dù là cây gì đi nữa thì việc gãy đổ vẫn không thể tránh khỏi.

Nhưng thiệt hại sẽ được giảm thiểu nếu trước đó đơn vị quản lý cây xanh có kế hoạch rà soát những cây có nguy cơ gãy đổ trong mùa mưa bão để có phương án phòng chống. Việc này rất cần thiết vì ai cũng biết Hà Nội đang bước vào mùa mưa bão mà những ngày qua, hầu như chiều tối nào cũng có mưa dông.

Điều đáng trách thứ hai dành cho các cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống thiên tai. Ông Lê Thanh Hải, phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết cơn mưa dông chiều 13-6 đã được trung tâm phát tin cảnh báo lúc 16g20 và mưa dông xảy ra lúc 17g.

Như thế, nếu cơ quan chức năng của Hà Nội có ý thức cảnh báo cho người dân thì khoảng thời gian hơn nửa giờ đó đủ để đưa thông tin cảnh báo tới mọi người. Hà Nội có một hệ thống loa phát thanh phường rộng rãi, chưa kể tại các giao lộ có loa phát thanh của ngành công an tuyên truyền về an toàn giao thông.

Nếu thông tin về trận mưa dông được thông báo trên hệ thống này thì người dân, đặc biệt là người đi đường, sẽ biết tìm cách trú tránh, thay vì tiếp tục di chuyển dưới trời mưa dông nguy hiểm.

Có vẻ như Hà Nội vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm kể từ sau trận lụt kỷ lục năm 2008. Khi đó, chính quyền thành phố lúng túng, dân tình hoang mang, cả thành phố chìm trong biển nước nhiều ngày, có ít nhất 20 người thiệt mạng.

Còn ở trận mưa dông chiều 13-6, theo thông tin từ cuộc họp giữa chủ tịch UBND TP với các cơ quan chức năng sáng 14-6, đã có 2.000 người được huy động tham gia công tác cứu hộ sau cơn dông.

Đưa 2.000 người ra cứu hộ sau mưa dông thì có thể hiểu được, nhưng nếu đưa ra ngay trong cơn mưa dông, khi mà mưa gió giật đùng đùng, cây đổ, mái tôn bay... thì chưa biết hiệu quả ứng cứu thế nào, ngược lại có khi lại nguy hiểm đến tính mạng của chính những người tham gia ứng cứu.

Chưa kể, dù lực lượng hùng hậu thế nhưng đến sáng 15-6, nhiều tuyến đường, tuyến phố vẫn chưa được giải tỏa, vẫn ngổn ngang cây gãy gây ách tắc giao thông.

Đối phó với mưa dông không phải cứ thấy dông là đưa lực lượng ra đường. Đối phó với mưa dông cần chủ động từ việc chỉnh trang đô thị trước mùa mưa bão đến việc thông tin sớm, kịp thời sự xuất hiện của mưa dông tới từng người dân để mỗi người có biện pháp phòng tránh.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên