Ít ai biết rằng sau buổi biểu diễn, 11 nhạc công trong đội kèn tây ấy lại trở về với đủ nghề mưu sinh. Có người lái taxi, người là nhạc công nhạc cụ cổ truyền, có người lại đi chở gas dạo... Với những nhạc công nghiệp dư ấy, được chơi nhạc là niềm hạnh phúc và họ biểu diễn hoàn toàn không vì tiền.
Mỗi người một ngả mưu sinh
Niềm đam mê âm nhạc đã gắn kết những con người xa lạ ấy tụ lại với nhau phục vụ cộng đồng.
Chiều đầu tháng 4 vừa rồi với anh Đinh Như Hùng (25 tuổi) là một buổi chiều thật đặc biệt. Đó là ngày anh cùng những người bạn trong CLB dàn nhạc kèn Huế biểu diễn tưởng niệm 22 năm ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người mà các anh vô cùng mến mộ.
Buổi biểu diễn sẽ lên đèn vào 17h nên anh Hùng quyết định đến sớm trước vài tiếng để chuẩn bị. Lái chiếc xe taxi đậu gọn gàng vào một góc gần công viên 3-2, anh Hùng chậm rãi mở cốp xe lấy ra một chiếc hộp chữ nhật màu đen. Bên trong hộp là bộ âu phục như đồng phục của dàn nghi lễ quân đội, mũ kepi và một chiếc kèn saxophone vàng óng ánh.
Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế với chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ phương Tây, anh Hùng từng là tay chơi saxophone cự phách và thường đi biểu diễn nhiều nơi như phố đi bộ, cung văn hóa, nhà hành. Rồi dịch ập đến khiến anh thất nghiệp.
Không thể đeo đuổi nghệ thuật vì cơm áo, anh Hùng quyết định tạm gác đam mê để xin làm ở hãng taxi đặng mưu sinh qua ngày. Cuối năm 2020, anh bất ngờ biết thông tin có một CLB kèn tây đang "tuyển quân" nên đến xin nhập hội.
Chỉ liếc qua đầu ngón tay là biết chàng trai trẻ có nghề, nhạc sĩ Lê Quang Vũ (phụ trách CLB dàn nhạc kèn Huế) đã vui mừng đưa Hùng vào nhóm và tiếp tục truyền lửa đam mê âm nhạc cho cậu trai trẻ. Kể từ đó, cây saxophone luôn nằm sẵn trong cốp xe taxi của anh Hùng.
Mỗi lúc vãn khách, anh hay lôi chiếc kèn ra thổi để luyện tập, chờ đến chiều cuối tuần lại về bên công viên cùng những người bạn của mình biểu diễn phục vụ công chúng.
Cũng chơi saxophone nhưng "nghiệp kèn" đến với anh Phan Đức Hậu thật tình cờ. Anh Hậu vốn là một nhạc công thổi sáo trúc cung đình và vẫn đang công tác tại Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế. Đầu năm 2022, một lần thấy dàn nhạc kèn tây biểu diễn ở công viên 3-2, giai điệu du dương của những bản nhạc cổ điển khiến anh mê đắm.
Sau buổi diễn, anh Hậu đến gặp nhạc sĩ Lê Quang Vũ xin tham gia và học chơi... saxophone. Ngày đầu học kèn, anh "khổ tâm" vô cùng bởi thứ nhạc cụ trước mắt anh khác biệt hoàn toàn với cây sáo trúc từ ngoại hình cho đến nguyên lý chơi. Nhưng với sự chỉ bảo của nhạc sĩ Lê Quang Vũ, anh dần làm chủ được cây saxophone.
"Tôi còn nhớ như in buổi biểu diễn đầu tiên của mình. Đứng trước khán giả, tôi thổi trật nhịp. Cũng nhờ thầy Vũ và anh em trong dàn kèn động viên giúp tôi nhanh chóng lấy lại sự tự tin và thổi đúng theo điều khiển của nhạc trưởng", anh Hậu nhớ lại.
Dàn nhạc của những đam mê
Buổi biểu diễn mang tên Nhớ Trịnh bắt đầu với bản nhạc hòa tấu ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội, do dàn nhạc kèn Huế biểu diễn.
Nép mình vào một góc cạnh sân khấu là một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần, tóc ngả hoa râm chăm chú không rời mắt khỏi dàn nhạc kèn. Tiết mục biểu diễn đầu tiên vừa dứt, ông liền chạy vội đến bên dàn nhạc kèn để đưa nước cho từng người trong đội, ân cần, chu đáo. Người đó chính là nhạc sĩ Lê Quang Vũ (phụ trách CLB dàn nhạc kèn Huế).
Ông Vũ trước đây là chánh văn phòng Hội Âm nhạc TP.HCM. Năm 2017, ông Vũ rời Sài thành để về Huế chăm lo cha mẹ già. Khoảng thời gian ở Huế, ông Vũ tình cờ gặp ông Phan Ngọc Thọ - khi đó đương chức chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
"Tôi được bác Thọ giao quản lý một dàn nhạc kèn tây với lời nhắn: "Anh cố gắng khôi phục dàn kèn tây có tuổi đời cả trăm năm ở Huế để phục vụ cộng đồng". Biết ông tâm huyết với nền tân nhạc, tôi nhận lời ngay", ông Vũ nhớ lại.
Bằng sự động viên của chủ tịch tỉnh, CLB dàn nhạc kèn Huế được ra mắt công chúng vào ngày 1-1-2021 với hơn 40 nhạc công. CLB trực thuộc Hội Âm nhạc tỉnh Thừa Thiên Huế. Ra đời chưa được bao lâu thì dịch COVID-19 ập đến. CLB dàn kèn Huế phải tạm ngưng hoạt động một thời gian dài. Mọi hoạt động tập luyện của nhóm đều diễn ra... online.
Sau đại dịch, phần lớn thành viên của CLB đều rời đi vì cơm áo. Từ hơn 40 người, hiện nay dàn kèn chỉ còn 11 thành viên và họ đều có điểm chung là không xem việc chơi nhạc là nghề chính.
Động lực để ông Vũ cùng các bạn trong dàn kèn tiếp tục nuôi ước mơ chơi nhạc đó chính là nụ cười, những điệu lắc lư thích thú của khán giả mỗi lần xem họ biểu diễn ở công viên vào chiều chủ nhật hằng tuần...
Sau buổi biểu diễn nhạc Trịnh, nhạc sĩ Lê Quang Vũ tập hợp dàn kèn lại rồi ân cần căn dặn mọi người ra về cẩn thận. Người nhạc sĩ già nán lại sân khấu, âm thầm kiểm tra lại các nhạc cụ của dàn kèn rồi tập hợp chúng lại để đem về nơi cất giữ.
Từ khi ra mắt vào đầu năm 2021, CLB dàn kèn Huế hoạt động nhờ một khoản kinh phí tài trợ của các nhà hảo tâm sau lời kêu gọi của nguyên chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ. Sau những buổi diễn, mỗi nhạc công trong CLB được hỗ trợ vài trăm nghìn đồng trích từ khoản kinh phí ấy. Cộng thêm các chi phí thuê loa máy, đến nay nguồn kinh phí ấy dần cạn đi.
"Tôi có nói chuyện này với các anh em trong dàn kèn và họ nói rằng sẵn sàng không nhận bồi dưỡng, dành tiền đó thuê loa máy để miễn sao họ được chơi nhạc vui vẻ hằng tuần là được", ông Vũ tâm huyết nói.
Kèn tây chơi nhạc ta
Theo nhạc sĩ Lê Quang Vũ, hiện nay dàn nhạc kèn tây Huế có thể chơi thuần thục được nhiều bài hợp tấu. Đặc biệt, dàn kèn còn có thể biểu diễn những bản cổ nhạc, nhạc cung đình Huế như Đăng đàn cung, Xuân phong - Long hổ và Tẩu mã do nhạc sĩ Lê Quang Vũ chuyển soạn.
"Trong dàn nhạc có bạn Hậu là nhạc công sáo trúc cung đình. Tôi tận dụng thế mạnh này để chuyển tấu những bản nhạc hợp xướng mang âm hưởng nhạc cung đình sáo trúc do Hậu thổi để tạo ra những giai điệu tươi vui, thú vị", ông Vũ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận