23/05/2024 13:48 GMT+7

Đòi bản sao chứng thực trong 6 tháng: Trị bệnh 'nghiện' giấy và dấu đỏ

Khi Tuổi Trẻ nêu câu chuyện "Sao lại đòi bản sao chứng thực trong 6 tháng: đòi hỏi gây lãng phí", nhiều bạn đọc đã phản hồi kể lại câu chuyện mà mình đã gặp phải khi đi làm giấy tờ.

Người dân làm hộ tịch tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân làm hộ tịch tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Điều này cho thấy căn bệnh "nghiện" giấy tờ, mộc đỏ vẫn còn có đất sống dù chúng ta đã sống trong kỷ nguyên số hóa. Thứ gì quý hơn hộ khẩu? Vậy mà chúng ta đã bỏ hộ khẩu giấy rồi mà...

Có thể nói bỏ hộ khẩu giấy là một bước tiến ngoạn mục, nhưng để thực thi nó không hề đơn giản. Các anh chị công an vất vả ngày đêm, kể cả những ngày COVID-19 hoành hành, để có kho dữ liệu. Nhưng rồi sau đó không ít nơi vẫn phải đánh vật với thói quen nghiện giấy, nghiện mộc đỏ.

Có lẽ có sao y (bản giấy), chứng thực (có dấu đỏ), lại thêm yêu cầu dưới 6 tháng mới khiến cán bộ thụ lý hồ sơ yên tâm. Cứ thử quan sát khi làm thủ tục sẽ thấy nhiều trường hợp khi người dân nộp bản giấy chứng thực, cán bộ liếc qua là xong. Có mộc đỏ là yên tâm rồi, hết lo trách nhiệm.

Cái bệnh "nghiện" giấy và mộc đỏ này gây tốn kém bao thời gian, tiền của xã hội. Khoảng 70% người dân chờ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các phường xã mỗi ngày để làm thủ tục sao y các loại giấy tờ.

Nơi đông dân hay có nhiều doanh nghiệp đóng trụ sở, cán bộ luôn tay ký. Lãnh đạo các phường than quá tải vì phải trực ký sao y nên sau đó phân công cho cán bộ tư pháp phường đủ tiêu chuẩn làm việc này.

Bất kể là thủ tục gì, nếu quy định yêu cầu bản sao, thường cán bộ tiếp nhận buộc phải nộp bản sao y trong thời gian 3 hoặc 6 tháng.

Từ hồ sơ xin việc, xin cấp giấy phép xây dựng, đến giấy đăng ký kinh doanh, hồ sơ lao động... đều yêu cầu bản sao y. Kể cả những hồ sơ cần nộp bản chính và bản sao của một loại giấy tờ thì bản sao đó cũng phải có mộc sao y.

Một cán bộ nhận hồ sơ hành chính giải thích rằng mỗi buổi cô nhận từ 30 - 40 hồ sơ, mỗi hồ sơ có ít nhất 5-7 loại giấy tờ, có bản chính, có bản sao.

Người thụ lý không có thời gian và đủ tỉnh táo để đối chiếu bản chính với bản sao nếu không có mộc đỏ bảo chứng của UBND phường hoặc đơn vị công chứng.

Rồi có những loại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (giấy chủ quyền nhà, cà vẹt xe) rất dễ thay đổi, có thể tài sản bị chuyển nhượng rồi nhưng hồ sơ vẫn nộp bản sao cũ thì sẽ làm sai kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Khi công dân cứ hàng hàng lớp lớp sao y, chứng thực theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì không rõ các đơn vị đó phải lưu trữ thế nào? Đó cũng là một kiểu lãng phí.

Nhưng cứ thế này thì làm sao chúng ta có thể "bước một bước" qua chuyển đổi số? Khi nào và bao giờ công dân đến cơ quan hành chính với căn cước trong bóp, mọi thông tin đã có trong kho dữ liệu và người thụ lý chỉ cần truy cập là có tất cả?

Công dân 4.0 sống và làm việc trong thời chuyển đổi số mà ai cũng mang một cặp hồ sơ căng phồng giấy tờ với đủ loại dấu đỏ có vẻ cũng khó coi!

Vì vậy, ngay lúc này cần phải xốc vào, xóa ngay cái thói quen "nghiện" giấy và dấu đỏ ở một bộ phận cán bộ thụ lý hồ sơ.

Phải làm mạnh tay để chuyển hóa tâm lý nơi người dân vốn lâu nay liên tục phải cung cấp giấy có mộc đỏ, để bà con chuyển sang đấu tranh đòi quyền được phục vụ bằng dữ liệu số, thay vì giấy có mộc đỏ. Đó là cách tốt nhất để triển khai nhanh chuyển đổi số phục vụ nhân dân.

TP.HCM cấm công chức đòi giấy xác nhận đổi tên khu phố khi giải quyết thủ tục hành chínhTP.HCM cấm công chức đòi giấy xác nhận đổi tên khu phố khi giải quyết thủ tục hành chính

Công chức, viên chức khi tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính không được yêu cầu người dân phải cung cấp giấy tờ, xác nhận việc đổi tên khu phố.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên