25/07/2020 08:40 GMT+7

Dốc sức chặn lây nhiễm cộng đồng

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Sau 99 ngày không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, hôm qua (24-7) một nam bệnh nhân 57 tuổi ở Đà Nẵng bất ngờ 3 lần dương tính với các xét nghiệm COVID-19.

Dốc sức chặn lây nhiễm cộng đồng - Ảnh 1.

Khu vực cách ly đang chữa trị cho bệnh nhân T.V.D. tại Bệnh viện Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Điều đáng nói là trường hợp dương tính với COVID-19 này vẫn chưa xác định được nguồn lây. Nhiều người lo ngại F0 vẫn còn đâu đó trong cộng đồng.

Chúng tôi đã chỉ đạo phải cố gắng truy vết để tìm ra nguồn lây, xác định rõ ràng để có biện pháp phù hợp. Nếu đây là một ca dương tính thì ngành y tế phải nỗ lực hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn

Dốc sức chặn lây nhiễm cộng đồng - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Đặc biệt và phức tạp

Lúc 18h ngày 24-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế chưa chính thức công bố đây là một ca nhiễm COVID-19 mới bởi còn chờ kết quả xét nghiệm lần cuối từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. 

"Tuy nhiên chúng tôi xác định các biện pháp triển khai, truy vết nguồn lây theo đúng tinh thần đây là ca nhiễm COVID-19" - Thứ trưởng Sơn nói.

Sáng cùng ngày, bệnh nhân T.V.D. (57 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), người có ba lần xét nghiệm dương tính với COVID-19, đã được chuyển viện từ Bệnh viện C Đà Nẵng sang Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị. Hiện trạng ca bệnh này trong tình trạng suy yếu, diễn tiến nặng và đang phải thở máy. 

Vào trưa cùng ngày, tiểu ban điều trị COVID-19 cũng đã tổ chức hội chẩn trực tuyến ca bệnh này với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện lớn trong cả nước. 

"Đây là ca bệnh nặng do có tiền sử nang trung thất, đã được phẫu thuật cách đây hai năm. Hiện bệnh nhân có tổn thương phổi phải thở máy. Đó cũng là lý do khó khai thác, điều tra lý lịch dịch tễ của bệnh nhân" - một bác sĩ cho biết.

Trước đó sáng 20-7, bệnh nhân này có biểu hiện sốt, ho, đàm nhiều nên đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng và được chẩn đoán viêm phổi do vi trùng không phân loại nơi khác. Bệnh nhân này được nhập viện vào khoa nội hô hấp, sau đó được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm theo chương trình giám sát SVP (viêm phổi nặng do virus), đồng thời lấy mẫu xét nghiệm tác nhân COVID-19. 

Kết quả xét nghiệm sàng lọc lần 1 và lần 2 cùng trong sáng và chiều 23-7 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) bằng phương pháp Real time RT-PCR cho thấy kết quả dương tính với virus corona.

Ngay trong đêm 23-7, đơn vị này đã gửi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang, kết quả xét nghiệm sáng 24-7 tiếp tục cho kết quả không thay đổi. Mặc dù CDC Đà Nẵng được phép xét nghiệm khẳng định virus corona, tuy nhiên theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh - giám đốc CDC Đà Nẵng, do đây là ca bệnh đặc biệt nên mẫu bệnh phẩm được gửi đi nhiều nơi. Sáng 24-7, CDC Đà Nẵng tiếp tục gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm.

"Sau hơn 3 tháng nước ta không có ca nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng nên đây là trường hợp rất đặc biệt và phức tạp. Việc điều tra dịch tễ gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân đang thở máy. Các nhân viên điều tra dịch tễ chủ yếu khai thác thông tin từ vợ của bệnh nhân" - bác sĩ Thạnh nói.

Sáng 24-7, CDC Đà Nẵng tiếp tục gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để công bố dịch.

Dốc sức chặn lây nhiễm cộng đồng - Ảnh 4.

Từ chiều 24-7, Bệnh viện Đà Nẵng, nơi bệnh nhân T.V.D. đang điều trị, triển khai đo thân nhiệt và giám sát nghiêm ngặt thân nhân vào thăm bệnh - Ảnh: TẤN LỰC

Cách ly bệnh viện, xét nghiệm diện rộng

Ngay trong đêm 23-7, các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân D. tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C Đà Nẵng, gia đình bệnh nhân, con gái bệnh nhân và mẹ bệnh nhân đều được "khoanh vùng" và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả 103/103 mẫu âm tính với tác nhân COVID-19. Hiện các trường hợp này đã được cách ly y tế tại các trung tâm y tế quận huyện trong thời gian 14 ngày theo quy định. 

CDC Đà Nẵng cho biết cũng sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm đối với những trường hợp này trong quá trình cách ly, đồng thời điều tra dịch tễ, xác minh thêm những trường hợp tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp khác để có biện pháp kịp thời.

Theo ghi nhận sáng cùng ngày, Bệnh viện C Đà Nẵng đã dừng hoạt động tại khoa khám bệnh và các khu nội trú tầng 7 và tầng 10. Một số bệnh nhân nhẹ được các bác sĩ chỉ định thuốc và cho xuất viện. Việc kiểm soát người ra vào cổng bệnh viện này cũng được tiến hành gắt gao. 

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện - giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, việc áp dụng biện pháp phong tỏa từ tối 23-7. Bệnh viện không nhận thêm ca bệnh mới, những bệnh nhân cũ và người nhà chưa được xuất viện. Đồng thời tất cả nhân viên y tế đều túc trực, tập trung tại bệnh viện để khoanh vùng, các nhân viên trực tiếp điều trị cũng sẽ chịu sự cách ly. 

"Chúng tôi thực hiện đúng tinh thần của thông báo số 14 và của Bộ Y tế" - ông Thiện nói.

Tương tự, sau khi tiếp nhận điều trị ca bệnh này, Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã kích hoạt quy trình đón tiếp, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo tiêu chuẩn quốc tế về phòng chống bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Trong tối 24-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có mặt tại Đà Nẵng để nắm tình hình phòng dịch tại hai bệnh viện và tình hình điều trị bệnh nhân này. Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về nguồn lây của ca bệnh, ông Sơn cho biết CDC Đà Nẵng đang điều tra, tuy nhiên vẫn chưa biết lây từ nguồn nào. 

"Chúng tôi đã chỉ đạo phải cố gắng truy vết để tìm ra nguồn lây, xác định rõ ràng để có biện pháp phù hợp. Nếu đây là một ca dương tính thì ngành y tế phải nỗ lực hơn nữa" - ông Sơn khẳng định.

Theo thông tin Chính phủ, các chuyên gia đầu ngành cũng đã tiến hành hội chẩn liên viện để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho bệnh nhân, một kíp y bác sĩ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được cử đến Đà Nẵng hỗ trợ trực tiếp cho công tác điều trị. 

Đặc biệt, trong đợt này Bộ Y tế tiến hành một biện pháp chưa từng áp dụng là rà soát và xét nghiệm diện rộng tại tất cả các khu vực có nguy cơ ở Đà Nẵng bằng xét nghiệm kháng thể với kit thử do Việt Nam sản xuất bằng máy ELISA. Bộ Y tế cũng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống truy vết những người đã tiếp xúc với người nghi nhiễm.

Dốc sức chặn lây nhiễm cộng đồng - Ảnh 5.

Phun thuốc khử trùng tại nhà trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân T.V.D. ở Đà Nẵng nghi nhiễm COVID-19 - Ảnh: TTXVN

Ca bệnh bất thường

Nhận định đây là ca bệnh bất thường, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng phải nâng cao cảnh giác hơn nữa. Ông Sơn nói: "Chắc chắn cần quyết liệt nhưng chúng ta cũng cần hiểu chúng ta đang mở cửa cho du lịch trong nước mà Đà Nẵng lại là điểm đến hứa hẹn, chúng ta cần tạo điều kiện cho người dân đi du lịch an toàn. Chúng tôi sẽ có kiến nghị sau khi công bố đây là ca COVID-19 mới".

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam phải "bao đê cho chặt"

vu duc dam

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp triển khai công tác phòng chống dịch hôm 24-7 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cuộc chiến chống dịch được xác định còn rất dài, bởi dịch thực sự chỉ hết khi nào thế giới có vắcxin và thuốc đặc trị.

Tiếp tục nhấn mạnh quan điểm "chúng ta ở cánh đồng trũng. Bên ngoài nước to, gió lớn. Chúng ta phải bao đê cho chặt", Phó thủ tướng lưu ý "một tuyến đê" trên bộ dài tới 4.000km. Việt Nam vẫn phải đón chuyên gia sang làm việc, đón công dân về nước, đặc biệt là một số lao động ở châu Phi với hơn 100 người nhiễm... "Tuyến đê" không thể tránh khỏi những chỗ rò rỉ.

Phó thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục kiểm soát chặt, có kế hoạch đón người Việt Nam về phù hợp với khả năng điều trị, kiểm soát dịch bệnh trong nước. Đặc biệt là ngay khi phát hiện các chỗ "rò rỉ" thì phải lập tức bịt lại, xử lý gọn ngay từ đầu, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng.

Về trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng, ông Đam nhấn mạnh dù kết quả xét nghiệm thế nào thì vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp giống như ca bệnh đã bị dương tính để xử lý. Khoanh vùng sớm nhất, quy mô nhỏ nhất ngay từ ban đầu để dập dịch.

Ông lưu ý các địa phương coi đây giống như tín hiệu để siết lại mức độ sẵn sàng của ngành y tế, hệ thống phòng chống dịch. Ông yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng, trước hết là y tế, quân đội, công an nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan.

"Nếu sẵn sàng và làm đúng các yêu cầu đã được hướng dẫn, tập huấn từ trước đến nay, dù tới đây có thể có những ca nhiễm trong cộng đồng nhưng chúng ta tập trung xử lý gọn ngay từ đầu sẽ không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng" - ông Đam nói.

NGỌC AN

Đà Nẵng có ca nghi nhiễm COVID-19, Quảng Nam tăng cường phòng dịch Đà Nẵng có ca nghi nhiễm COVID-19, Quảng Nam tăng cường phòng dịch

TTO - Tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tăng cường chốt chặn biên giới, đường mòn, lối mở và quản lý chặt những người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên