24/09/2021 16:58 GMT+7

Doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị hủy bỏ giấy đi đường vì quá nhiêu khê

TẤN LỰC
TẤN LỰC

TTO - Không có giấy đi đường, nhân viên trúng tuyển không đến được doanh nghiệp để làm việc còn các công ty nhiều lao động mướt mồ hôi mỗi khi xin giấy đi đường cho nhân viên, vì thế đề nghị bỏ giấy tờ này.

Doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị hủy bỏ giấy đi đường vì quá nhiêu khê - Ảnh 1.

Nhà máy của Công ty TNHH Niwa Foundry VN, vốn đầu tư Nhật Bản, trong Khu công nghệ cao TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 24-9, ông Ikeda Naoatsu, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, chi hội Đà Nẵng, đề nghị TP Đà Nẵng sớm bãi bỏ giấy đi đường, cho phép người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 được di chuyển tự do toàn quốc.

Ông Ikeda Naoatsu cho biết các chính sách chống dịch nghiêm khắc của Đà Nẵng khiến doanh nghiệp Nhật Bản rất khó khăn khi duy trì hoạt động. Đối mặt với tình trạng mất khách hàng, lao động mất việc làm, khó có khả năng khôi phục.

"Các công ty chúng tôi phàn nàn rằng tuyển được nhân sự mới mà không có giấy đi đường nên nhân sự không tới được công ty, không ký được hợp đồng và làm việc được. Chúng tôi mong muốn hủy bỏ giấy đi đường để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, có thể thay vào đó là chứng nhận đã tiêm chủng. Ngoài ra, các công ty quy mô lớn tốn rất nhiều nhân lực để làm thủ tục xin giấy đi đường cho hàng ngàn nhân viên, nhiều lúc không kịp thời hạn chính quyền đặt ra" - ông nói.

Theo ông Ikeda Naoatsu, do hàng hóa không có sự kết nối lưu thông giữa các địa phương, không vận chuyển được nguyên vật liệu nên thiệt hại kinh tế rất nặng

Vì thế, ông đề xuất cho phép tài xế đã tiêm vắc xin được hoạt động dễ dàng hơn và di chuyển bình thường giữa các khu vực, những người đã tiêm đầy đủ vắc xin được lập tức đi lại trong nước, cũng như căn cứ trên hộ chiếu vắc xin và kết quả xét nghiệm RT-PCR để rút ngắn thời gian cách ly chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Kim Jinmo, Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, cho hay không nhất thiết phải đóng băng di chuyển giữa các địa phương.

Ông Kim nhận định TP Đà Nẵng có sự cứng nhắc và khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch so với các địa phương phía Bắc và phía Nam. Điều này khiến doanh nghiệp cảm nhận có sự khác biệt giữa Đà Nẵng và các khu vực khác trong nước, không có lợi cho thu hút FDI thời gian tới và ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội TP.

Đại diện Công ty LG Electronics Việt Nam tại Đà Nẵng, cho biết do dịch bệnh phải duy trì làm việc tại nhà, có lúc 100%. Hiện doanh nghiệp đang khó khăn trong việc tuyển dụng và điều chuyển nhân sự các tỉnh thành và các nước đến Đà Nẵng, vì thế mong muốn TP sớm ban hành chính sách phù hợp về việc di chuyển trong và ngoài nước.

"Việc luân chuyển nhân sự giữa các chi nhánh là rất cần thiết với chúng tôi trong bối cảnh việc tuyển dụng khó khăn do nhân sự các tỉnh thành không di chuyển được. Rất mong TP nhanh chóng khôi phục dịch vụ vận chuyển để doanh nghiệp điều chuyển nhân sự và đưa trang thiết bị từ nước ngoài về Đà Nẵng phục vụ sản xuất" - đại diện Công ty LG Electronics VN cho biết.

Ông Nguyễn Văn Quảng, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết TP rất quan tâm hỗ trợ trong việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc này có thể liên hệ Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng để được tháo gỡ.

Đối với những khó khăn trong lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, ông Quảng cho biết đã ghi nhận và sẽ trao đổi với các tỉnh lân cận để tháo gỡ.

Đà Nẵng dự kiến hạ cấp chống dịch, mở các hoạt động kinh tế -  xã hội từ ngày 1-10 Đà Nẵng dự kiến hạ cấp chống dịch, mở các hoạt động kinh tế - xã hội từ ngày 1-10

TTO - Trước tình hình kiểm soát được dịch bệnh, chính quyền Đà Nẵng dự kiến hạ cấp chống dịch, chuyển sang thực hiện chỉ thị 19 và bắt đầu mở lại nhiều hoạt động kinh tế - xã hội từ ngày 1-10 tới đây.

TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên