12/09/2020 09:08 GMT+7

Đình chỉ học khác gì đuổi con khỏi nhà?

TS GIÁP VĂN DƯƠNG
TS GIÁP VĂN DƯƠNG

TTO - Bộ GD-ĐT vừa ra dự thảo về khen thưởng và kỷ luật học sinh, trong đó có một nội dung đáng chú ý, được đánh giá cao là bãi bỏ hình thức đuổi học sau 32 năm quy định trong thông tư 08 năm 1988.

Đây là một thay đổi tốt, song chưa trọn vẹn, bởi vì thay vào đó học sinh vi phạm sẽ vẫn bị đình chỉ tối đa hai tuần.

Là một người làm giáo dục phổ thông, việc khen thưởng và kỷ luật học sinh nằm trong quy trình vận hành của nhà trường, nhưng chưa bao giờ chúng tôi tính đến việc đuổi học hay đình chỉ học tập của học sinh. Vì sao?

Lý do, theo tôi, đuổi học hay đình chỉ học tập là thừa nhận sự thất bại của nhà trường trong giáo dục với học sinh. Bằng cách sử dụng hình thức đình chỉ học tập, nhà trường đã tự tước đi điều kiện đạt được mục tiêu giáo dục của mình. Nói cách khác, không có cách nào để đạt được các mục tiêu giáo dục thông qua việc đình chỉ giáo dục.

Tuy dự thảo nói rằng đình chỉ học tập để chuyển sang hình thức "giáo dục riêng", có thể các em không ở nhà mà vẫn đến trường để "giáo dục riêng", nhưng với nội dung chương trình và cách thức tổ chức giáo dục cũng như thực tế học hành hiện nay, khó có cách nào học sinh và gia đình có thể tổ chức kế hoạch "giáo dục riêng". Chưa kể kế hoạch "giáo dục riêng" đó là gì, ai soạn thảo, ai ban hành, ai chịu trách nhiệm... thì chưa có.

Những trải nghiệm và quan sát của cá nhân tôi cho thấy học sinh nếu đã bị đình chỉ học, tức rời khỏi lớp học, dù chỉ một hay hai tuần thì sẽ rất có thể có xu hướng bỏ học luôn, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Học sinh khi đó sẽ rơi vào một trong hai trạng thái: hoặc sẽ xấu hổ vì mang tiếng bị đuổi học (hay gọi là đình chỉ học), hoặc sẽ bất cần nên dễ tiếp tục phạm lỗi sau khi trở lại trường.

Hiện chúng ta đang áp dụng thông tư 08 ra đời năm 1988 cho các hình thức khen thưởng, kỷ luật các học sinh này. Nhưng hoàn cảnh xã hội hiện nay đã rất khác năm 1988. Thời điểm đó, học sinh nghỉ học có thể trực tiếp tham gia lao động sản xuất để thấy được sự vất vả, mệt nhọc của lao động mà thức tỉnh. Nhưng ngày nay, học sinh bị ra khỏi lớp rất dễ sa vào các trò chơi điện tử, lang thang đường phố, lang thang trên mạng...

Đây đều là những nơi ẩn chứa quá nhiều rủi ro mà chính gia đình và nhà trường cũng không kiểm soát được. Việc áp dụng hình thức đình chỉ học tập cho học sinh như thế sẽ rất dễ phản tác dụng với cả học sinh và nhà trường.

Nếu nói rằng đình chỉ học tập nhưng học sinh vẫn đến trường để "giáo dục riêng" thì dù đạt được kết quả tích cực nhất cũng đã tách các em ra khỏi lớp học, trở thành một học sinh cá biệt rất khó khăn khi trở lại lớp như trước.

Đình chỉ học tập hai tuần có khác gì đuổi con ra khỏi nhà hai tuần? Khi đó, trường học không còn là trường học, giống như gia đình không còn là gia đình nữa. Tôi rất mong một khi Bộ GD-ĐT mạnh mẽ đổi mới bỏ việc đuổi học học sinh đã duy trì dài 32 năm, nên đổi mới mạnh mẽ hơn nữa: thay việc đình chỉ học sinh bằng một hình thức khác, nhân văn hơn, thực tế hơn, hiệu quả hơn.

Kỷ luật học sinh không phải là trừng phạt Kỷ luật học sinh không phải là trừng phạt

TTO - Nhiều trường quốc tế, có yếu tố quốc tế ở Việt Nam quan niệm học sinh mắc lỗi là chuyện bình thường, việc xử lý kỷ luật không nhằm mục đích trừng phạt, mà là cơ hội để giáo dục học sinh.

TS GIÁP VĂN DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên