12/09/2020 08:29 GMT+7

Kỷ luật học sinh không phải là trừng phạt

TRỌNG NHÂN - VĨNH HÀ
TRỌNG NHÂN - VĨNH HÀ

TTO - Nhiều trường quốc tế, có yếu tố quốc tế ở Việt Nam quan niệm học sinh mắc lỗi là chuyện bình thường, việc xử lý kỷ luật không nhằm mục đích trừng phạt, mà là cơ hội để giáo dục học sinh.

Kỷ luật học sinh không phải là trừng phạt - Ảnh 1.

Học sinh trong một tiết học toán tại Trường VFIS - Ảnh: NHƯ HÙNG

Kỷ luật tích cực là lựa chọn của nhiều trường quốc tế khi xử lý học sinh vi phạm.

Học sinh phạm lỗi: cho đọc sách

Chị Hoàng Thị Thùy Dung (Q.10, TP.HCM), có hai con đều học trường quốc tế, kể lại vào một buổi chiều tan trường cách đây hai năm, đứa con lớn học lớp 6 cầm về một quyển sách mới tinh. Đó là quyển Hạt giống tâm hồn, chủ đề "Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống". 

Con chị nói cô chủ nhiệm yêu cầu về đọc hết quyển sách trong hai ngày cuối tuần và vào ngày thứ hai kế tiếp sẽ phải kể lại những mẩu chuyện mà mình tâm đắc.

Nguyên do là bởi con chị đã "lãnh đạo" một nhóm bốn học sinh đi bẻ những cành cây trong trường để "dàn trận" trong lớp học. 

Vụ việc bị phát hiện, nhóm học sinh bị mời lên làm việc nhưng cả bốn bạn đều đổ trách nhiệm cho nhau. Thế là cuối buổi tường trình, cô giáo đưa cho mỗi người một quyển sách, giao nhiệm vụ cho cuối tuần.

"Kết quả thật bất ngờ. Thứ hai đến, con tôi chủ động nhận lỗi mình đã rủ các bạn làm bậy. Cô giáo sau đó gọi điện thoại báo cho gia đình toàn bộ sự việc. Ngoài khen con ngoan thì cô nhắc nhở gia đình nên để tâm đến cháu hơn vì cháu đang ở độ tuổi dậy thì" - chị Dung nói.

Đó là một trong nhiều câu chuyện về các hình thức kỷ luật mang tính tích cực đang được áp dụng tại một số trường quốc tế ở Việt Nam.

"Hậu quả hợp lý" thay bằng "hình phạt"

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, phó tổng hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS), chia sẻ các biện pháp kỷ luật ở trường tập trung để trẻ ý thức được cái chưa đúng, giúp các em tiến bộ, hơn là tập trung xem xét trẻ đã sai ra sao và cần chịu hình phạt tương ứng như thế nào.

Cô Huyền nói thêm: các giáo viên ở trường được yêu cầu không dùng từ "hình phạt" hay "trừng phạt", mà thay bằng từ "hậu quả hợp lý". Với mỗi hành vi của mình, trẻ sẽ phải có trách nhiệm với hậu quả tương ứng. 

Chẳng hạn những hành vi nói năng chưa chuẩn mực với thầy cô giáo, hậu quả đơn giản chỉ là phải nói lại cho đúng. Hay các em chạy nhảy nguy hiểm trong trường, hậu quả sẽ là buộc phải ngồi lại ít phút để bình tĩnh hơn.

Trường hợp nặng hơn một chút như ồn ào, làm phiền bạn bè nhiều lần trong lớp học, thầy cô có thể cho xuống ngồi cuối lớp, nhưng không để các em một mình mà thường kèm theo một trợ giảng để hỗ trợ tâm lý và bài giảng. 

Nếu trong tiết không làm bài tập, hậu quả các em phải nhận là bớt 5 - 10 phút giờ chơi cùng thầy cô để hoàn thành nhiệm vụ.

Những trường hợp khó như đánh nhau, phá hoại tài sản, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên phân tích kỹ lưỡng vấn đề. Một cú tát do các em chưa biết kiềm chế bản thân rất khác so với một cú đấm có chủ ý làm đau, nhục mạ. 

Giáo viên cũng cần cân nhắc học sinh đó có rối loạn cảm xúc không hay có gặp phải bất kỳ điều gì về tâm lý trước đây hay không. 

"Không thể nhìn vào bề nổi của hành vi mà đánh giá trẻ được. Bản chất của kỷ luật là để lại sự hướng dẫn, giúp học sinh tốt hơn. Trước hết giáo viên cần lắng nghe và không được giữ quan điểm các em sai ngay từ đầu" - cô Huyền nói.

Lỗi lầm là cơ hội để giáo dục học sinh

Trường THPT Wellspring (Hà Nội), một trong những trường tư có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội, xây dựng một bộ quy định, nội quy về khen thưởng và kỷ luật dành cho học sinh, trong đó cập nhật tất cả các lỗi vi phạm tương ứng với thời điểm hiện tại. Các lỗi vi phạm này được gọi chung một cách nhẹ nhàng là "những điều không mong đợi".

Bày tỏ quan điểm về việc này, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn, hiệu trưởng Trường THPT Wellspring, cho biết: "Việc mắc lỗi của học sinh trong nhà trường là điều hết sức bình thường. Chúng tôi coi những lỗi lầm của học sinh là cơ hội để chúng tôi giáo dục học sinh thay đổi hành vi, hoàn thiện bản thân".

Theo thầy Sơn, trường đưa ra 5 hình thức kỷ luật theo mức độ tăng dần từ nhắc nhở đến đưa lên hội đồng kỷ luật nhà trường. Tuy nhiên kỷ luật không phải là trừng phạt, mà nhằm thay đổi hành vi của học sinh. 

Giáo viên sẽ trao đổi, chia sẻ, nói chuyện với học sinh để tìm hiểu nguyên nhân của việc vi phạm lỗi; cùng học sinh phân tích về lỗi đã vi phạm để giúp học sinh nhận thức được mức độ của hành vi và những hậu quả có thể xảy ra; trao đổi, chia sẻ, thống nhất cách thức, hình thức kỷ luật học sinh với phụ huynh học sinh; theo dõi và hỗ trợ quá trình thay đổi hành vi của học sinh.

Chỉ đình chỉ khi phạm nhiều lần lỗi nghiêm trọng

Theo phó hiệu trưởng người Việt tại một trường quốc tế ở Bình Thạnh (TP.HCM), tại nhiều trường quốc tế, quy định đình chỉ học tập vẫn có nhưng thường chỉ áp dụng khi các em phạm lỗi nhiều lần những hành vi nghiêm trọng, chẳng hạn dùng vũ khí tấn công người khác hoặc phá hoại tài sản công.

"Một số trường, trong đó có trường tôi, vẫn phải giữ quy định này để có biện pháp xử lý trong trường hợp cần cân bằng việc giáo dục một học sinh với sự an toàn và việc học tập của các bạn khác" - vị này nói.

Để trẻ tự làm lành với nhau

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền kể có lần một nhóm học sinh mâu thuẫn với nhau, cô gọi ba bạn ngồi lại, trao cho mỗi người một tờ giấy và yêu cầu trả lời các câu hỏi như: "Chuyện gì đã xảy ra? Con đã làm gì, và nếu lặp lại con có nghĩ sẽ làm khác không?".

Để các bạn hòa thuận với nhau sau sự cố, cô yêu cầu các bạn viết ra ưu điểm của bạn mình cùng những điều các bạn muốn đối phương thay đổi.

"Qua các buổi như vậy các em thường tự làm lành được với nhau. Tôi nghĩ trẻ con thường ít khi tự nhiên mà hư hỏng" - cô Huyền nói.

Đừng coi học sinh vi phạm là tội đồ

hoc sinh

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Báo Tuổi Trẻ ngày 9-9 có bài viết "Sau 30 năm, không còn "buộc thôi học" học sinh". Đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành giáo dục đều đồng tình. Cũng có ý kiến lo lắng, băn khoăn, nhân đây tôi chia sẻ mấy điều.

Một, bất kỳ hành vi nào của giáo viên - dù là vô thức đi nữa - đều phải mang tính giáo dục. Kỷ luật học sinh là một trong những biện pháp của nhà trường nhằm giáo dục học sinh.

Hai, tùy mức độ, tác động và hậu quả hành vi vi phạm (của học sinh), nhà trường lường hết tác dụng, cân nhắc biện pháp giáo dục để quyết định hình thức kỷ luật tích cực.

Nếu làm tốt, ngoài tác dụng đối với học sinh vi phạm sẽ còn cho hiệu ứng tích cực đối với tập thể học sinh ở lớp, trường (có học sinh vi phạm).

Ba, kỷ luật học sinh vi phạm cần theo đúng quy trình, lý - tình trọn vẹn, được vậy thì trong phụ huynh, học sinh, tập thể giáo viên có sự đồng thuận. Nóng vội, chủ quan ra quyết định kỷ luật có khi vướng khiếu kiện, rắc rối, gây bức xúc trong dư luận.

Với trường hợp không nghiêm trọng, hiệu trưởng trao đổi với thầy cô liên quan, thống nhất hình thức kỷ luật, mời học sinh lên phòng hiệu trưởng công bố. Công bố ở trước lớp, tuyệt nhiên không công bố kỷ luật học sinh trước toàn trường, tội nghiệp học sinh vi phạm lắm.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đừng xem học sinh vi phạm kỷ luật là tội đồ. Thành lập hội đồng kỷ luật học sinh với các trường hợp nghiêm trọng là cần thiết nhưng theo tôi, không nên có học sinh vi phạm.

Các thành viên trong hội đồng kỷ luật phân tích hành vi vi phạm rồi quyết định. Sau đó, đại diện hội đồng kỷ luật gặp riêng học sinh vi phạm trao đổi, thông báo hình thức kỷ luật, chỉ ra những việc cần làm sau kỷ luật.

Cuối cùng, việc thông báo hình thức kỷ luật học sinh về địa phương, đành rằng là biện pháp phối hợp giáo dục giữa ba môi trường (nhà trường, gia đình, cộng đồng), theo tôi, cần được làm rõ trong dự thảo thông tư.

Nếu phải thông báo (đừng lạm dụng rồi thông báo tràn lan), nội dung thông báo cần quản lý theo chế độ quản lý lý lịch cá nhân. Tuyệt nhiên, địa phương không đem nội dung đó ra phê bình mang tính chất bêu riếu, làm nhục.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

Bỏ quy định ‘buộc thôi học’, áp dụng kỷ luật tích cực Bỏ quy định ‘buộc thôi học’, áp dụng kỷ luật tích cực

TTO - Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó không còn quy định "buộc thôi học".

TRỌNG NHÂN - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên