09/09/2020 09:18 GMT+7

Sau 30 năm: Không còn 'buộc thôi học' học sinh, bỏ cảnh cáo trước lớp, trường

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh thay thế thông tư trước đây, trong đó không còn điều khoản 'buộc thôi học' học sinh như trước. Việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được bỏ.

Sau 30 năm: Không còn buộc thôi học học sinh, bỏ cảnh cáo trước lớp, trường - Ảnh 1.

Điều khoản 'buộc thôi học' học sinh vi phạm sẽ bị xóa bỏ

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Linh - vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT - cho biết vấn đề khen thưởng, kỷ luật học sinh phổ thông nằm trong nhiều quy định pháp luật khác nhau. Thay đổi thông tư cần xem xét trên nguyên tắc nhất quán với các văn bản pháp lý khác.

Theo công ước về quyền trẻ em

Ông Linh nói: "Bộ GD-ĐT được giao xây dựng quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh, phù hợp với tinh thần của Luật giáo dục mới ban hành và có hiệu lực trong năm nay, phù hợp với những quan điểm đổi mới trong một số bộ luật vừa được Quốc hội ban hành, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em và Luật trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016. Khi xây dựng thông tư mới cũng đã đánh giá việc thực hiện thông tư 08, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, sự đóng góp ý kiến của chuyên gia và kinh nghiệm của một số quốc gia".

Ngoài ra, ông Linh nói thêm: "Quy định về xử lý kỷ luật học sinh theo thông tư 08 mang tính hành chính, nặng về xử lý vi phạm. Trong khi đó, các trường học và địa phương áp dụng quy định rất khác nhau. Cùng là sai phạm mức độ tương tự nhưng có nơi đuổi học 1 tuần, có nơi đuổi học 2-3 tuần, có nơi 1 tháng. Các hình thức kỷ luật chưa hướng tới mục đích để học sinh tự giác nhận thức khuyết điểm và có cơ hội khắc phục, sửa chữa".

Theo ông Bùi Văn Linh, dự thảo thông tư về khen thưởng kỷ luật học sinh sẽ khắc phục được những bất cập là "khen tràn lan" và "xóa bỏ các kiểu xử phạt tiêu cực, xúc phạm nhân phẩm học sinh, tăng cường đưa ra các giải pháp giúp học sinh điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm".

Một trong những nội dung của thông tư 08 bị phản ứng gay gắt vì "phản giáo dục" là việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường nay đã được xóa bỏ trong dự thảo thông tư mới.

Thay vào đó, dự thảo đưa ra các biện pháp kỷ luật tích cực như: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm. Hoặc phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường; thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường; tham gia hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa học tốt để cùng tiến bộ...

Chú trọng giải pháp giáo dục tích cực

"Những sáng tạo, đổi mới cách kỷ luật học sinh theo hướng tích cực trong một số nhà trường thời gian qua là cơ sở thực tiễn để chúng tôi xây dựng nội dung thông tư mới. Thay vì chỉ đưa ra các mức phạt, thông tư chú trọng đến quá trình và giải pháp giáo dục, hỗ trợ học sinh.

Trong dự thảo cũng yêu cầu giáo viên có trách nhiệm thu thập thông tin khách quan, xác định đúng nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, đặc điểm tâm lý của học sinh mắc khuyết điểm để lập kế hoạch giáo dục cho học sinh sửa chữa" - ông Bùi Văn Linh cho biết.

Tại dự thảo thông tư, mức kỷ luật cao nhất chỉ là tạm đình chỉ học tập đối với học sinh vi phạm, tối đa là 2 tuần. Và thay vào quy định "giao cho gia đình và địa phương quản lý, giáo dục" thì dự thảo mới đưa ra các biện pháp linh hoạt.

Trong đó, các nhà trường không "đứng ngoài" mà vẫn phải phối hợp với gia đình học sinh và địa phương có kế hoạch hỗ trợ giáo dục học sinh, giám sát quá trình thực hiện của học sinh. Học sinh mắc khuyết điểm được tạo điều kiện chuyển trường theo nguyện vọng và các nhà trường phải có trách nhiệm bàn giao hồ sơ kỷ luật học sinh để tiếp tục theo dõi, giúp đỡ.

Các mức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ học tập trong dự thảo thông tư trên không áp dụng với học sinh tiểu học, chỉ áp dụng với học sinh THCS, THPT. Cùng với việc thay đổi quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh bằng thông tư thay thế thông tư 08, điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường THCS, THPT cũng sẽ điều chỉnh nội dung liên quan tới việc này theo tinh thần mới.

Sau 30 năm: Không còn buộc thôi học học sinh, bỏ cảnh cáo trước lớp, trường - Ảnh 2.

Thư khen là cách để động viên học sinh chăm ngoan - Ảnh: H.HG.

Tồn tại 30 năm

Dự thảo mới sẽ thay thế quy định tồn tại hơn 30 năm. Thông tư 08 trước đây quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông của Bộ GD-ĐT ban hành năm 1988 và tồn tại tới bây giờ. Các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh trong điều lệ trường tiểu học, điều lệ trường THCS, THPT cũng được xây dựng theo tinh thần thông tư này.

Thông tư 08 đưa ra 5 hình thức kỷ luật: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm. Các trường hợp đuổi học, giao cho gia đình và địa phương giáo dục. Ngoài ra các nhà trường có thể tạm đình chỉ học tập đối với học sinh để giáo dục những học sinh mắc lỗi ở mức độ không nghiêm trọng...

Trong 30 năm, quy định trên đã bộc lộ nhiều nhược điểm khi chỉ nghiêng về "phạt", không đặt nặng trách nhiệm giáo dục, đồng hành để học sinh thay đổi. Nhiều học sinh bị đuổi học 1 tuần hoặc 1 năm đã không còn quay lại trường học.

TS Nguyễn Tùng Lâm - chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), người sáng lập ngôi trường duy nhất trên cả nước vào năm 1989 "tiếp nhận học sinh bị đuổi học theo thông tư 08" - cho biết: "Tôi đã đề xuất mở ngôi trường này, vì nếu không có chỗ để đón nhận, giáo dục thì những học sinh phạm lỗi sẽ đi về đâu?". Trong hơn 30 năm, ngôi trường này đã giáo dục trên 10.000 học sinh. Nhiều học sinh "hư" ngày trước nay đã thành đạt, trở thành các kỹ sư, bác sĩ...

Nhưng cho tới bây giờ kể từ khi thông tư 08 ra đời - ngoài các trường giáo dưỡng nhận học sinh vi phạm pháp luật, những ngôi trường ít ỏi dám "nhận học sinh bị đuổi học" lại chỉ là các trường tư thục.

Và điều đáng nói những ngôi trường dám "thu dung học sinh hư" đã trở thành những điểm sáng về thực tiễn giáo dục đạo đức học sinh như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội). Đã có những đề tài nghiên cứu thực tiễn giáo dục đạo đức học sinh chính từ các ngôi trường như thế này.

* Thầy Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie Hà Nội):

Tôi ủng hộ

Tôi vào ngành giáo dục năm 1972, đến nay đã gần 50 năm. Từ giáo viên cho đến khi làm hiệu trưởng, chưa bao giờ tôi phải ký văn bản đuổi học học sinh dù gặp những tình huống có thể áp dụng quy định đuổi học. Khi đã đưa ra quyết định đuổi học học sinh có nghĩa là nhà trường đã bất lực. Tôi cho rằng làm sao để học trò vi phạm dù ở mức độ nào thì cũng cảm thấy được tha thứ chứ không phải sẽ bị trừng trị. Vì thế tôi ủng hộ việc áp dụng những biện pháp mềm để giải quyết.

* Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (giáo viên Trường THCS Đức Trí, quận 1, TP.HCM):

Nhiều điểm mới tích cực

Dự thảo về thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh của Bộ GD-ĐT có nhiều điểm mới tích cực và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trong đó, điểm nổi bật nhất của dự thảo chính là việc tạo điều kiện cho học sinh có dịp bình tĩnh nhìn lại mình, có cơ hội sửa sai thay vì xử phạt nặng tay như trước kia. Thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh cũ có hình thức kỷ luật rất nặng là buộc thôi học học sinh trong 1 năm. Trong khi hiện nay học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường sống, từ hoàn cảnh gia đình. Nhiều em có hoàn cảnh rất đặc biệt như cha mẹ thường xuyên cãi nhau, đánh nhau, ly hôn, phải ở với ông bà hoặc cha mẹ mải lo làm ăn không có thời gian quan tâm, dạy dỗ con cái.

Những trường hợp như trên rất cần sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, giáo dục từ các thầy cô giáo trong nhà trường. Nếu học sinh có sai phạm mà bị buộc thôi học 1 năm là một hình thức đẩy các em vào bước đường cùng. Và rất có thể sau 1 năm đó, chúng ta còn khó dạy em học sinh đó hơn.

* Thầy Trương Minh Đức (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM):

Thể hiện tính nhân văn

Nhìn chung, dự thảo thể hiện tính nhân văn khá rõ, đề cao biện pháp giáo dục trên tinh thần trách nhiệm của giáo viên, nhà trường thay vì xử phạt học sinh. Biện pháp này cũng được khẳng định là biện pháp hữu hiệu trong việc giáo dục học sinh chưa ngoan.

Các hình thức giúp đỡ học sinh sửa sai mà dự thảo đưa ra cũng khá bài bản và phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay như: Tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như: hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường...

V.H. - H.HG. ghi

Băn khoăn một số điểm

Thầy Trương Minh Đức - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM - nói: "Tôi hơi băn khoăn ở một số điểm trong dự thảo, trong đó điểm b của điều 13 với hình thức kỷ luật "tạm dừng học tập trên lớp" có nội dung: "Vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật".

Tôi cho rằng những lỗi như trên là rất nghiêm trọng mà chỉ tạm dừng học tập trên lớp 2 tuần e sẽ không đủ sức răn đe học sinh. Chưa kể, trong 2 tuần đó, ai sẽ là người trực tiếp quản lý học sinh? Nhất là trong điều kiện học sinh không nhận được sự quan tâm, giáo dục cần thiết từ gia đình mà để các em không đến trường trong 2 tuần thì rất có thể lại gây tác dụng ngược.

H.HG. ghi

Đánh giá học sinh tiểu học chủ yếu qua lời nói, quan sát, vấn đáp, không cho điểm Đánh giá học sinh tiểu học chủ yếu qua lời nói, quan sát, vấn đáp, không cho điểm

TTO - Vẫn tiếp nối quan điểm đánh giá học sinh tiểu học đã thực thi trong các năm qua, thông tư 27 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành đưa ra yêu cầu "đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh".

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên