28/03/2013 10:34 GMT+7

Điểm mặt 5 "ông trùm" vũ khí toàn cầu

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Mỹ, Nga, Pháp, Đức vẫn là những nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất giai đoạn 2008 - 2012. Trung Quốc là “ngôi sao” mới khi không chỉ vượt mặt Anh và vào top năm nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất mà còn là một trong năm nhà nhập khẩu vũ khí lớn của thế giới.

l1UecWGp.jpgPhóng to
Máy bay chiến đấu F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin sản xuất là vũ khí bán chạy nhất của Mỹ - Ảnh: Reuters

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển), châu Á và châu Đại Dương là khách hàng lớn nhất của bốn nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Hơn một nửa đơn hàng của Mỹ đến từ châu Á và châu Đại dương, tỉ lệ này so với Nga là 65%, Đức 31% và Pháp 54%.

Châu Á: khách hàng số 1

Vũ khí đắt hàng nhất của Mỹ là máy bay chiến đấu (chiếm tới 60% tổng đơn đặt hàng). Chiến đấu cơ F-35 vẫn là chương trình xuất khẩu vũ khí quan trọng của Mỹ. Trong bối cảnh liên quân quốc tế chuẩn bị rút quân khỏi Afghanistan và bàn giao quyền kiểm soát an ninh cho quân đội địa phương, Afghanistan (và Iraq) trở thành khách hàng quan trọng của Mỹ. Trong năm năm qua, Afghanistan đặt mua nhiều xe bọc thép hạng nhẹ dùng trong các chiến dịch an ninh nội bộ, Iraq cũng mua nhiều xe tăng và hơn 30 máy bay chiến đấu F-16.

Đối tác truyền thống bền chặt của các công ty quốc phòng Nga vẫn là Ấn Độ, tiếp theo là Trung Quốc. Tương tự như Mỹ, máy bay vẫn là vũ khí được ưa chuộng nhất của Nga (46%), kế đến là tên lửa. Từ năm 2008 - 2012, Nga xuất khẩu hơn 343 trực thăng Mi-17 cho 26 quốc gia (một nửa trong số đó là tại châu Á và châu Đại Dương).

Xuất khẩu vũ khí Đức và Pháp sụt giảm so với giai đoạn 2003 - 2007 vì hai nước này chỉ hoàn thành những hợp đồng giá trị cao còn tồn đọng được ký kết từ những năm 2000 chứ không có thêm hợp đồng mới.

Trung Quốc: nhập - xuất đều cao

Lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc tăng 162% trong giai đoạn 2008 - 2012 so với 2003 - 2007. Kể từ sau thời chiến tranh lạnh, đây là lần đầu tiên Trung Quốc vào top năm nước cung ứng vũ khí nhiều nhất thế giới. Khách hàng lớn của Trung Quốc không khác biệt so với xu thế chung là tập trung ở châu Á và châu Đại Dương (74%). Pakistan là khách hàng đặc biệt của Trung Quốc khi mua tới 55% lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc và có khả năng tiếp tục trở thành khách hàng lớn nhất trong những năm tới. Điều này không khỏi khiến Ấn Độ lo ngại do quan hệ Ấn - Pakistan vẫn tiếp tục căng thẳng vì tranh chấp ở Kashmir. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường giao dịch với những khách hàng tiềm năng như Algeria, Morocco và Venezuela.

Nếu như trong giai đoạn 2003 - 2007 Trung Quốc là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thì nay thứ hạng này đã trao lại cho Ấn Độ, theo nghiên cứu của SIPRI. Trong năm 2012, Trung Quốc trình làng những vũ khí tự sản xuất mới như tàu sân bay, máy bay chiến đấu... như chứng tỏ quyết tâm giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn buộc phải phụ thuộc vào những thiết bị chính của nước ngoài. Chẳng hạn như tàu sân bay đầu tiên thì được tân trang và nâng cấp từ một tàu sân bay cũ của Ukraine. Hai loại máy bay chiến đấu quan trọng của Trung Quốc được đưa vào sản xuất hàng loạt là J-10 và J-11 lại vẫn phải sử dụng động cơ AL-31FN do Nga sản xuất. Nga vẫn là một đối tác chiến lược của Trung Quốc. Trong năm 2012, Trung Quốc đặt hàng 55 trực thăng vận tải Mi-17 của Nga, và năm 2013 tiếp tục mua các máy bay chiến đấu Su-35 và một số tàu ngầm của Nga.

Đông Nam Á chi 25,1 tỉ USD cho quốc phòng

Lượng vũ khí quốc tế được các nước Đông Nam Á nhập vào trong năm năm qua tăng đến 169% so với giai đoạn 2003 - 2007. Chính sách hiện đại hóa thiết bị quân sự các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng lớn từ Nga. Trong năm năm qua, Nga đã chuyển giao khoảng 37 máy bay chiến đấu Su-30MK và Su-27S cùng nhiều tên lửa khác cho các nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Việt Nam. Theo SIPRI, chi tiêu quốc phòng trong khu vực Đông Nam Á tăng 13,5% trong năm 2011 và đạt 25,4 tỉ USD, dự kiến đạt 40 tỉ USD vào năm 2016.

Nguyên nhân khiến các nước Đông Nam Á tăng cường hiện đại vũ trang xuất phát từ những tranh chấp trên biển. Do vậy, những vũ khí liên quan đến hải quân được ưu tiên nhập khẩu. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là nước sắm vũ khí nhiều nhất mà chủ hàng chính là Mỹ (44%), Pháp (30%) và Đức (11%). Các nước ASEAN cũng quan tâm đặt mua tàu ngầm để tăng cường bảo vệ lãnh thổ. SIPRI cho biết Singapore đã nhận tàu ngầm Vastergotland thứ hai từ Thụy Điển, Indonesia đặt sáu tàu ngầm Project-209 từ Hàn Quốc...

Làm ăn với khu vực châu Á cần lưu ý gì?

Trang Defense News khuyến cáo các công ty quốc tế cần học hỏi tập quán và phong tục châu Á để giành được những hợp đồng. Người châu Á rất coi trọng “mối quan hệ” và “thể diện”.

“Mối quan hệ” có nghĩa là không nên dành nhiều thời gian trong phòng họp mà hãy tăng cường “giao lưu” ở sân golf, nhà hàng, bàn nhậu... Ông Lance Gatling (Công ty tư vấn quốc phòng Nexial Research, Nhật Bản) cho biết: “Tại một số nước, mối quan hệ sẽ đẻ ra cơ hội, cơ hội lại mang đến mối quan hệ mới”.

Một cựu quan chức quốc phòng Mỹ, ông Ed Ross, cho biết các công ty nước ngoài cần nắm rõ luật chống tham nhũng của quốc gia sở tại. Tuy nhiên, những điều chắc chắn phi pháp ở Mỹ có thể lại được chấp nhận ngầm ở châu Á, như quà tặng đắt tiền, thẻ thành viên chơi golf hoặc thậm chí là tiền mặt. Ông Bruce Lemkin, cựu quan chức không quân Mỹ, phụ trách quan hệ quốc tế, nhận định: “Tham nhũng là một vấn đề rất quan trọng tại một số nơi nhưng không phải là tất cả!”.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên