Đồ họa: NGỌC THÀNH
* Bản tin cập nhật lúc 11h50 ngày 26-3
WHO dự báo dịch ở Ý lên đỉnh điểm trong tuần này, và cho rằng thế giới đã hành động chậm mất một tháng. Dù vậy tổ chức này cho biết thế giới vẫn còn cơ hội thứ hai để dập dịch COVID-19.
Thái Lan ghi nhận hơn 1.000 ca COVID-19
Theo hãng tin Reuters, chính phủ Thái Lan hôm nay 26-3 thông báo trên tài khoản Twitter đã ghi nhận thêm 111 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 cả nước lên 1.045 người.
Tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh COVID-19 đã có hiệu lực tại Thái Lan. Chính quyền thiết lập nhiều chốt kiểm soát tại những tuyến đường lớn kết nối các tỉnh để ngăn dịch. Người nước ngoài không phải cư dân Thái Lan hiện cũng đã bị cấm nhập cảnh.
Đến nay Thái Lan đã có 4 ca tử vong vì COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Thượng viện Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ kỷ lục 2.000 tỉ USD
Đây là gói cứu trợ kinh tế đặc biệt nhằm giúp nước Mỹ vượt qua những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Dự luật này có những điều khoản đáng chú ý như sẽ trợ cấp 1.200 USD cho hầu hết người trưởng thành Mỹ và 500 USD cho hầu hết trẻ em, thiết lập nguồn vốn vay ưu đãi 500 tỉ USD cho các doanh nghiệp, các thành phố và các bang.
Dự luật cũng dành 367 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ có nguồn tiền trả lương giữ chân người lao động trong giai đoạn khó khăn. 130 tỉ USD dành cho các bệnh viện và hỗ trợ 4 tháng bảo hiểm thất nghiệp trong đại dịch COVID-19.
Chuyên gia Trung Quốc: tỉ lệ chết vì COVID-19 ở Vũ Hán và Hồ Bắc là 5%
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn nhận định của một chuyên gia hàng đầu nước này cho biết tỉ lệ tử vong tổng thể vì COVID-19 ở Vũ Hán và Hồ Bắc là 5%.
Trong khi đó, tỉ lệ tử vong ở các nước khác, theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins, là gần 10% ở Ý, 7,86% ở Iran, 6,7% tại Tây Ban Nha và Anh là 5%.
New Zealand tăng kỷ lục 73 ca trong một ngày
Đài CNN (Mỹ) đưa tin New Zealand ngày 26-3 đã ghi nhận thêm 73 ca bệnh COVID-19 mới. Đây là số ca tăng cao nhất trong một ngày tại nước này kể từ khi bùng phát dịch.
Theo Bộ Y tế New Zealand, phần lớn các ca bệnh vẫn có liên hệ với việc đi lại ở nước ngoài. Tính tới sáng nay 26-3, nước này có tổng cộng 262 ca. 27 ca đã khỏi.
Mỹ ghi nhận hơn 68.500 ca nhiễm, hơn 1.000 người chết
Một người dân Mỹ đeo khẩu trang khi đi mua sắm trong siêu thị tại Brooklyn, New York, Mỹ ngày 25-3-2020 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin AFP dẫn số liệu cập nhật của ĐH Johns Hopkins cho biết tính tới ngày 25-3 giờ Mỹ, nước này ghi nhận 1.031 ca tử vong trong khi tổng số ca bệnh là 68.572.
Như vậy tới nay Mỹ là nước có số ca bệnh COVID-19 cao thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ý. Dẫu vậy, tổng số ca nhiễm trên thực tế ở Mỹ được cho là còn cao hơn nhiều.
Ngày thứ 2 liên tiếp Trung Quốc không có ca lây mới trong cộng đồng
Trung Quốc đại lục vừa có một ngày thứ 2 liên tiếp không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, ngay cả khi tỉnh tâm dịch Hồ Bắc đã kết thúc đợt phong tỏa. Tuy nhiên theo hãng tin Reuters, số ca bệnh "nhập khẩu" vẫn tăng dù Bắc Kinh đã đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát.
Cụ thể, theo Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc, tính tới cuối ngày 25-3 Trung Quốc đại lục có thêm 67 ca mới, tăng 20 ca so với 47 ca của ngày trước đó. Tất cả đều là các ca bệnh "nhập khẩu".
Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết 90% số ca bệnh COVID-19 nhập khẩu có hộ chiếu Trung Quốc, 40% trong họ là lưu học sinh về nước.
Tổng số ca bệnh của Trung Quốc hiện là 81.285. Tổng số người chết tính tới cuối ngày 25-3 là 3.287 ca, tăng 6 ca so với ngày trước đó.
Hàn Quốc tăng thêm 104 ca bệnh mới
Theo hãng tin Reuters, trong thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh sáng nay 26-3 của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này có thêm 104 ca bệnh mới, nâng tổng số ca COVID-19 cả nước lên 9.241 ca.
Tổng số người chết vì bệnh, sau khi tăng thêm 5 người, là 131 trường hợp.
Mỹ tạm dừng các hoạt động quân sự ở nước ngoài
Ngày 25-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố chỉ thị yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động của các lực lượng Mỹ ở nước ngoài trong thời gian lên tới 60 ngày để ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong quân đội Mỹ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết chỉ thị này được áp dụng cho tất cả các lực lượng Mỹ, công nhân viên quốc phòng và gia đình của họ. Tuy nhiên sẽ có một số ngoại lệ.
Hãng tin CNN cho hay chỉ thị mới sẽ tác động tới khoảng 90.000 quân nhân Mỹ, bao gồm cả lực lượng trở về nước và lực lượng được triển khai ra nước ngoài. Tuy nhiên, việc rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan vẫn được tiến hành theo kế hoạch. Cụ thể là Mỹ sẽ cắt giảm số binh sĩ đồn trú ở Afghanistan từ 13.000 quân xuống còn 8.600 quân trong vòng 135 ngày.
Cùng ngày, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ nâng cấp an ninh về y tế tại các căn cứ trên toàn thế giới trước tình trạng lây lan của virus SARS-CoV-2 sau khi đã ghi nhận 227 ca nhiễm trong toàn lực lượng.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nâng điều kiện bảo vệ y tế (HPCON) lên mức Charlie, cấp độ cao thứ 2, chỉ tình trạng truyền nhiễm liên tục trong cộng đồng.
Theo số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Mỹ do CDC ghi nhận hiện nay là 54.453 ca, trong đó có 737 ca tử vong.
* Tại Mexico, Thứ trưởng Y tế thông báo chính phủ liên bang Mexico sẽ dừng các hoạt động không thiết yếu từ 26-3 vì dịch bệnh COVID-19. Tính tới 24-3, Mexico ghi nhận 475 ca COVID-19, trong đó 6 người đã chết.
WHO: vẫn còn cơ hội thứ hai để dập dịch
Trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 25-3, giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng thế giới đã chậm mất một tháng để hành động chống dịch COVID-19.
"Thời điểm để hành động thật ra đã là một, hai tháng trước… nhưng chúng ta tin rằng cơ hội vẫn còn đó. Đây là cơ hội thứ hai và chúng ta không nên lãng phí mà phải làm mọi cách để kiểm soát virus. Đây là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, đặc biệt giới lãnh đạo chính trị là chủ chốt" - ông Tedros nói.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Mỹ: Số ca nhiễm ở New York giảm
Bang New York, hiện đang dẫn đầu nước Mỹ về số ca bệnh và tử vong do COVID-19, đang cho thấy những dấu hiệu dịch bệnh lây lan chậm lại: lần đầu tiên bang ghi nhận ca bệnh mới giảm trong ngày 24-3 với 4.790 ca, so với 5.707 ca của ngày trước đó.
Thống đốc bang, ông Andrew Cuomo ngày 25-3 (giờ Mỹ) thông báo tỉ lệ nhập viện ở bang này đã giảm trong những ngày qua nhờ các biện pháp giữ khoảng cách xã hội.
"Các số liệu quá tốt… Nếu giảm được mật độ, chúng ta có thể giảm được sự lây lan nhanh chóng" - đài CNN dẫn lời ông Cuomo.
Toàn bang New York đã có hơn 30.800 người nhiễm virus corona chủng mới, trong đó riêng thành phố New York là 17.800 ca.
Trong khi đó, thủ đô Washington DC ngày 25-3 thông báo đóng cửa lập tức toàn bộ các doanh nghiệp không thiết yếu tại thành phố. Ngoài ra, người dân cũng bị cấm tụ tập đông hơn 10 người.
Cùng ngày, một nhóm gồm 16 bộ trưởng tư pháp các tiểu bang kêu gọi Tổng thống Trump ngay lập tức sử dụng quyền hạn của mình theo luật quốc phòng nhằm thúc đẩy sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết nhằm chống lại dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Ý sắp đạt đỉnh dịch
Phó giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WTO) tại Ý, ông Ranieri Guera cho biết dịch COVID-19 tại nước này có thể sẽ đạt đỉnh điểm trong tuần này, sau đó sẽ giảm dần.
Phát biểu trên đài phát thanh Radio Capital, ông Guera nói rằng tuần này và những ngày tiếp theo sẽ mang tính quyết định, bởi đó sẽ là thời điểm mà các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan của chính phủ Ý đưa ra trong 15-20 ngày qua sẽ phát huy hiệu quả. Nếu đạt hiệu quả dịch COVID-19 sẽ suy giảm mạnh trong 5-6 ngày tới.
Theo ông Guera, sự suy giảm số ca mới dương tính với chủng mới của virus corona tại Ý là một dấu hiệu rất tích cực và một số khu vực đang gần tới điểm rơi của đường cong biểu đồ dịch bệnh.
Mỹ cảnh báo chuyện tự uống thuốc chống sốt rét
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo việc tự ý uống chloroquine phosphate được sử dụng cho hồ nuôi cá, nói rằng đây không phải loại thuốc tương tự chloroquine đã được phê chuẩn và đang được nghiên cứu dùng để điều trị COVID-19.
Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thuốc chống sốt rét chloroquine là một phương pháp điều trị tiềm năng đối với bệnh COVID-19, một người đàn ông 60 tuổi ở Arizona đã tử vong vì uống chất xử lý bể cá có chứa chloroquine phosphate.
Vợ ông, cũng rơi vào tình trạng nguy kịch do uống chất này, nói rằng bà lầm tưởng khi đọc thông tin trên vỏ hộp chất xử lý.
"Chúng tôi muốn cảnh báo người tiêu dùng rằng sản phẩm này được bán để trị ký sinh trong cá nuôi trong bể và có thể có tác dụng ngược, bao gồm gây bệnh nặng hoặc tử vong, ở người khi uống" - ủy viên Stephen Hahn của FDA nói.
Ông khẳng định đến nay FDA chưa cấp phép bất cứ phương pháp điều trị COVID-19 nào. Đối với chloroquine, hiện rất ít bằng chứng cho thấy loại thuốc này chống được virus. Các bác sĩ ở Trung Quốc, Pháp, Mỹ và một số nước đang thử nghiệm thuốc này để điều trị COVID-19.
Phó đại sứ Anh tại Hungary tử vong
Ông Steven Dick, phó đại sứ Anh tại Hungary, được xác nhận tử vong do COVID-19 vào 24-3. Hãng tin Reuter dẫn thông báo của cơ quan ngoại giao Anh xác nhận nhà ngoại giao 37 tuổi cũng là ca tử vong thứ 10 của Hungary.
Dân Nga nghỉ hưởng lương một tuần
Trong bài phát biểu dài gần 18 phút được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình Nga ngày 25-3, tổng thống Vladimir Putin thông báo hoãn tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc về việc sửa đổi Hiến pháp. Bản sửa đổi, ban đầu dự kiến bỏ phiếu vào ngày 22-4, có thể giúp ông cầm quyền đến năm 2036.
Đồng thời, ông Putin cũng thông báo người dân nước này sẽ được nghỉ việc có trả lương trong tuần tới nhằm giảm tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Chính phủ cũng sẽ hoãn mọi khoản thuế, trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vòng 6 tháng tới
Nhân viên vệ sinh khử trùng một đường hầm ở Budapest, Hungary ngày 25-3 - Ảnh: REUTERS
Pháp triển khai chiến dịch quân sự
Paris phát động chiến dịch quân sự Résilience để hỗ trợ người dân và các dịch vụ công trong thời gian dịch.
"Chúng ta đang trong cuộc chiến và đối mặt với đỉnh điểm dịch bệnh… Quân đội của chúng ta đã sẵn sàng. Chúng ta chỉ có một ưu tiên: đánh bại virus" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Tính đến tối 25-3, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1.331 bệnh nhân tại Pháp trong tổng số 11.539 người mắc bệnh. Số người chết đã tăng gấp 5 lần trong vòng một tuần và chỉ trong 24 giờ qua đã ghi nhận 231 người tử vong.
Số người tử vong vì COVID-19 tại Pháp được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng do nước này đang có tới 2.827 người phải chăm sóc đặc biệt.
Hơn nửa triệu người Anh tình nguyện chống dịch
Thủ tướng Anh Boris Johnson cám ơn những người đăng ký tình nguyện tham gia chống COVID-19, khẳng định đây là lực lượng quan trọng để đối phó với dịch.
Theo đài Sky News, đã có hơn nửa triệu người Anh đăng ký tình nguyện tham gia hỗ trợ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), cao gấp đôi mục tiêu đặt ra ban đầu của Chính phủ Anh, trong chiến dịch được phát động hôm 24-3.
Đội quân tình nguyện sẽ các công việc cụ thể như vận chuyển, cung cấp thực phẩm, thuốc men, chuyên chở người bệnh đi khám và gọi điện cập nhật tình hình… cho khoảng 1,5 triệu người đang cách ly tại nhà. Lực lượng này sẽ giúp NHS giảm tải áp lực trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan phức tạp tại Anh.
Số ca tử vong của Tây Ban Nha vượt Trung Quốc
Tây Ban Nha đã vượt Trung Quốc về số ca tử vong do COVID-19 sau khi có thêm 738 người chết trong ngày 25-3, nâng tổng số ca tử vong lên 3.434. Trung Quốc có 3.281 người thiệt mạng kể từ khi virus corona chủng mới bùng phát từ cuối năm ngoái. Đến nay, trên toàn cầu, chỉ có Ý có số ca tử vong cao hơn Tây Ban Nha với 7.503 ca.
Tại Anh, cơ quan y tế chỉ thông báo đến nay có 465 ca tử vong, tăng thêm 28 ca.
Trong khi đó, Mỹ có ít nhất 63.109 ca mắc COVID-19 và 877 ca tử vong, theo thống kê của đài CNN.
Trung Quốc ghi nhận thêm 6 ca tử vong do COVID-19 và 67 ca nhiễm mới tại đại lục tính đến hết ngày 25-3, tăng so với 4 ca tử vong và 47 ca nhiễm của ngày 24-3.
Như vậy, đến nay đã có 3.287 ca tử vong và 81.285 ca bệnh tại Trung Quốc. Số ca tử vong do COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh trong một đêm từ 15 lên 59 ca vào ngày 25-3, với tổng số ca nhiễm tăng 561 ca lên 2.433 ca.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận