25/10/2020 10:57 GMT+7

'Đi trên dây với vô vàn biến cố'

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - Có một sự trùng hợp khi Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận điều trị thành công cho hai ca bệnh nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam.

Đi trên dây với vô vàn biến cố - Ảnh 1.

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương trao quà tri ân cho PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không lâu sau, một kỳ tích lại được lập nên khi chính nơi đây hồi sinh sự sống cho bệnh nhân 91, người nhiễm COVID-19 nặng nhất, có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam.

Đảm nhiệm vai trò điều hành chuyên môn, nhân sự, phối hợp cấp cứu trong suốt hành trình điều trị cho bệnh nhân 91, PGS.TS PHẠM THỊ NGỌC THẢO - phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nói: 

"Đây là một trong những ca đặc biệt, thế giới không có nhiều ca như vậy. Khi được giao trọng trách, chúng tôi chỉ tâm niệm làm hết sức để cứu sống người bệnh".

* Được biết bệnh nhân này nhập điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Vậy, đơn vị nhập cuộc điều trị cho bệnh nhân trong hoàn cảnh nào, thưa bác sĩ?

- Đó là sau cuộc gọi báo động đỏ từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Lúc này, tải lượng virus của bệnh nhân rất cao. Ngay lập tức, các bác sĩ của khoa hồi sức cấp cứu nhanh chóng được điều động khoác balô lên đường.

Trong 65 ngày điều trị đầy cam go tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy có 43 ngày đêm phối hợp điều trị. Khoảng thời gian ấy, có lúc tính mạng của bệnh nhân mong manh như "ngọn đèn trước gió". Và để cứu sống người bệnh, Việt Nam đã sử dụng tất cả mọi nguồn lực có thể từ thuốc men, trí tuệ của các chuyên gia hàng đầu ở tất cả các chuyên ngành.

* Nhiều chuyên gia đánh giá đây là ca bệnh rất đặc biệt, y văn thế giới không nhiều ca như thế...

- Đúng vậy. Vì là ca đặc biệt nên chúng tôi phải đọc rất nhiều tài liệu bởi nhiều điều quá mới. Đặc biệt là hiểu biết về SARS-CoV-2 còn hạn hẹp vào thời điểm đó.

Chúng tôi hội chẩn liên tục nhiều nhóm (điều trị, cận lâm sàng, chăm sóc tích cực...). Có lúc khiến tôi mệt lả người. Nhưng tôi biết mình phải hết sức vững vàng, động viên đồng nghiệp không được mất tinh thần, cố gắng hết sức cứu sống bệnh nhân với tâm thế "còn nước còn tát". Tinh thần ấy đã đồng hành cùng với tôi trong suốt khoảng thời gian chống dịch.

* Và cuối cùng bệnh nhân đã hồi sinh ngoạn mục, trở về cố hương. Cảm xúc của bác sĩ như thế nào khi đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về...

- Tất cả mọi quá trình điều trị cho bệnh nhân 91 là cả một nghệ thuật. Tôi có cảm giác những thời khắc ấy như thể "người diễn viên xiếc đang đi trên dây". Chỉ khác rằng diễn viên bị rơi xuống có thể bị thương, còn với êkip điều trị, chỉ cần tuột tay bệnh nhân sẽ chết.

Khi bệnh nhân tỉnh, mỉm cười và nói câu đầu tiên "fantastic" (tuyệt vời), chúng tôi mới trút bỏ được áp lực sau quãng thời gian "đi trên dây với vô vàn biến cố".

Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất phương án đưa bệnh nhân 91 về nước Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất phương án đưa bệnh nhân 91 về nước

TTO - Với nguyện vọng của bệnh nhân 91 sớm được về quê hương Scotland, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tính toán, đề xuất bệnh nhân có thể mua vé ngồi hạng thương gia kèm theo nhân viên y tế hộ tống, chi phí không nhiều.

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên