24 năm kể từ lúc khoác áo blouse trắng, đã chứng kiến không ít mất mát lẫn hạnh phúc, song với bác sĩ - tiến sĩ Trần Thừa Nguyên, khoa nội tổng hợp lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế, chuyến chi viện cho TP.HCM lần này là dấu ấn đặc biệt theo anh đến suốt đời.
Hoàn thành 7 ngày cách ly sau khi về Huế ngày 15-10, bác sĩ Trần Thừa Nguyên đã về nhà nhưng vẫn thương các đồng nghiệp còn ở lại TP tiếp tục cuộc chiến với COVID-19.
Đoàn Bệnh viện Trung ương Huế vào TP.HCM từ ngày 12-8, nhận nhiệm vụ nơi được xem là tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch: Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) ở quận Tân Phú.
Nhận nhiệm vụ tại khu thoát hồi sức và khu chuẩn bị ra viện, bác sĩ Nguyên ví nơi mình phụ trách giống ngã ba đường bởi khu này tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị và theo dõi. Nếu người bệnh khỏe dần thì chuyển qua khu bệnh nhẹ, chuẩn bị ra viện, còn nặng hơn sẽ chuyển lên khu bệnh nặng, nguy kịch.
Ngày 24-8, trung tâm ICU bắt đầu "chạy", số lượng bệnh nhân trở nặng ở tuyến dưới được các bệnh viện vệ tinh chuyển về tăng rất nhiều.
"Là bác sĩ chứng kiến bệnh nhân tử vong không ít. Nhưng khi làm việc ở trung tâm ICU mới thấy rõ sự khủng khiếp của dịch bệnh, chết chóc. Chứng kiến người tử vong nhiều và quá nhanh, có khi cả hệ thống, nhất là các bác sĩ trẻ ‘đứng hình’, tâm lý ảnh hưởng không nhỏ" - bác sĩ Nguyên nói và tâm sự luôn cố gắng tạo cú hích để xốc lại tinh thần anh em vì còn nhiều người bệnh đang cần mình.
Lật giở từng mảnh ký ức còn vẹn nguyên, cảm xúc vẫn bồi hồi, bác sĩ Nguyên kể hai ca bệnh không thể nào quên. Họ đều là nữ, có bệnh nền, mắc COVID-19 nặng, trong đó người lớn tuổi, nhiều bệnh nền đã vượt qua cửa tử trở về nhà, còn thai phụ 19 tuổi lại không may mắn như thế.
Chia sẻ niềm vui trước, bác sĩ Nguyên kể ca cứu sống nữ bệnh nhân 70 tuổi đó là một trong những quả ngọt cho nỗ lực không ngơi nghỉ của các y bác sĩ ở "cửa cuối".
"Bệnh nhân nhập viện trên nền bệnh đái tháo đường, biến chứng suy thận giai đoạn cuối, huyết áp cao, tim mạch. Vào viện thì xuất huyết toàn thân kèm mắc COVID-19, mức độ nguy kịch khi phổi bị đông đặc, không còn chức năng trao đổi khí.
Chúng tôi cho dùng các loại thuốc điều trị thì thuốc này ảnh hưởng bệnh kia nên anh em hội chẩn với nhau, điều trị theo phác đồ COVID-19 mức độ nặng + nguy kịch, dùng thêm thuốc Insulin và kháng đông Heparin.
Cứ 6 tiếng một lần phải xét nghiệm máu để điều chỉnh liều dùng kháng đông. Mỗi ngày đều nhìn phim chụp phổi để đánh giá mức tiến triển của phổi. Ngoài ra còn sử dụng máy oxy dòng cao - HFNC" - anh cho biết.
Từ tiên lượng tử vong cao, bệnh nhân dần đỡ khó thở và hồi phục thần kỳ sau gần 1 tháng rưỡi nằm giữa lằn ranh sinh tử. Hôm được đẩy xe lăn ra viện, người phụ nữ gửi lời cảm ơn các ân nhân và nhờ cắt tóc giùm bà.
"Nhìn bệnh nhân chuyển biến tốt, chúng tôi có thêm động lực và sự phấn chấn. Đây là thành quả lớn lao vì trước đó tiên lượng tử vong của bà rất cao" - anh chia sẻ.
Bệnh nhân COVID-19 có đặc điểm chuyển biến bất chừng và rất nhanh, khiến y bác sĩ không kịp trở tay. Và thai phụ trẻ tuổi tử vong khi vừa sinh con vài ngày là một trong những ca làm bác sĩ Nguyên xót xa nhất.
19 tuổi, quê Đắk Nông, bệnh nhân trẻ được bệnh viện tuyến dưới chuyển vào trung tâm ICU khi đang mang thai 34-35 tuần kèm viêm phế quản, viêm xoang.
"Khi vào đây tình trạng đã trở nặng, bệnh nhân suy hô hấp, SPO2 tuột dần. Chúng tôi giữ cho tình trạng khó thở không tăng và cố gắng duy trì tuổi thai, chờ tới ngày sinh nở. Bệnh nhân thở oxy qua mask, qua túi đến oxy dòng cao.
Đến ngày sinh, bệnh nhân mệt và được chuyển qua Bệnh viện Từ Dũ để mổ bắt con, sau đó đưa về lại trung tâm ICU. Lúc này tim phổi cô đã tổn thương nặng, tri giác kém. Chúng tôi cho thở máy, dù cố hết sức nhưng đành xót xa chứng kiến bệnh nhân ra đi sau 4-5 ngày hôn mê" - bác sĩ Nguyên kể.
Với bác sĩ Nguyên, những ngày tháng qua là một trong những dấu ấn nhắc nhở anh hoàn thiện hơn trong chuyên môn cũng như dìu dắt những thế hệ sau.
"Tôi cũng nhận ra khi khó khăn, các nhân viên y tế dù đến từ nhiều bệnh viện, địa phương khác nhau nhưng đều đồng tâm hiệp lực và đoàn kết để giúp người bệnh sớm phục hồi" - vị bác sĩ 47 tuổi nói.
Chuyến công tác gần hai tháng để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên trong suốt 17 năm cứu người cũng chính là tâm sự của ThS Nguyễn Văn Dũng (trưởng khoa hồi sức tích cực 1 Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa) khi cùng đồng nghiệp vào TP.HCM 2 ngày trước khi Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) hoạt động, 15-7.
"Đây là lần đầu tôi được trải nghiệm thực tế công việc trong miền Nam và học được sự tận tụy, cách làm việc chuyên nghiệp như vậy" - anh bày tỏ.
Thời điểm đó, dịch bệnh ở TP bắt đầu bùng mạnh, số ca nặng tăng dần. Thường sau khi cởi bộ đồ bảo hộ, kết thúc ca trực 4h chiều anh mới… ăn trưa và ăn tối lúc 11h đêm với những vết lằn khẩu trang hằn trên khuôn mặt.
Bác sĩ Dũng tâm sự nếu ở khu cấp cứu, một bác sĩ có thể giải quyết 10 bệnh nhân, thì ở khu hồi sức 10 bác sĩ mới cứu được một người.
"Những người vào ICU thường nặng, tỉ lệ qua khỏi không nhiều. Ở đó lúc nào cũng phải giành giật từng sự sống cho bệnh nhân nên khi nhìn họ tốt lên từng ngày ai cũng xúc động. Vì vậy lúc đã về Thanh Hóa, tôi vẫn đau đáu, cứ gọi vào xem họ thế nào" - anh cho hay.
Ở khoa ICU 2B, nhiều lần chứng kiến những ánh mắt mong muốn níu kéo sự sống của người bệnh, anh kể có bệnh nhân nam sinh năm 1984 mắc COVID-19 diễn biến nặng, suy hô hấp, tràn khí màng phổi và phải đặt ống thở máy.
Có vợ đang mang bầu 3 tháng, ngoài sự tận tình điều trị của bác sĩ, anh cũng cố gắng sinh tồn, mong sớm được về với vợ con. Khi bác sĩ Dũng rời Sài Gòn, nam bệnh nhân vẫn còn nằm ở bệnh viện. Ngày gọi vào hỏi thăm biết người cha 37 tuổi vừa xuất viện, anh mừng ứa nước mắt.
Kể ngắn gọn về hành trình 50 ca trực sáng - chiều - đêm, bác sĩ Dũng chia sẻ: "Có những giây phút lặng nhìn bệnh nhân trong cơn sinh - tử. Có những giọt nước mắt rơi khi nhìn bệnh nhân xuất viện. Khi mệt mỏi không còn là cảm giác, mà đó là khó khăn thực sự, đòi hỏi nỗ lực mỗi ngày vì sự bình phục của bệnh nhân và cuộc sống quý báu".
Ngày rời TP.HCM, bác sĩ Dũng và các đồng nghiệp không khỏi lưu luyến. Anh cho biết vẫn muốn ở lại nhưng quê nhà đang có dịch nên phải trở về. Hiện anh là phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian này, nhiều đoàn y tế chi viện đã rời TP.HCM khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Tuy nhiên, một số đoàn vẫn tiếp tục ở lại điều trị F0 từ nhẹ đến nặng. Thậm chí, có người còn xin ở lại "đến khi dịch bệnh ở TP ổn định hơn" dù đã hết thời hạn công tác.
Cùng 29 người của đoàn 1 (Bệnh viện 71 trung ương) vào chi viện cho TP.HCM từ ngày 14-7, khi Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) mới thành lập, sau 2 tháng hoàn thành nhiệm vụ, những người trong đoàn đã trở về địa phương, nhưng điều dưỡng Lê Văn Hoan là người duy nhất ở lại.
Đến nay đã gần 100 ngày anh công tác tại nơi điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch - khoa ICU 2A, trước đó là ICU 2B.
Làm việc tại bệnh viện tuyến cuối cùng trong tháp 3 tầng điều trị COVID-19 đầy áp lực và căng thẳng, nhưng đến giờ anh vẫn chưa có kế hoạch về dù rất nhớ nhà.
"Có 2 lý do để tôi xin ở lại. Thứ nhất, về sức khỏe, tôi thấy mình vẫn còn đảm bảo tốt để cống hiến tiếp. Thứ hai, ngay từ ngày đầu tiên bước chân vào Bệnh viện hồi sức COVID-19, chứng kiến cảnh tượng người bệnh chết quá nhiều khiến tôi không bao giờ quên và muốn góp sức mình..." - điều dưỡng 42 tuổi nói, giọng run lên vì xúc động.
Cùng các bác sĩ giành giật sự sống cho bệnh nhân ở "cửa cuối", anh Hoan trải qua nhiều điều khó quên nhất trong nhiều năm khoác áo nghề y.
"Đa số bệnh nhân vào đây đều đã nặng và phải thở các loại máy, sự sống gần như rất thấp. Ngoài chăm sóc, điều trị, tôi cũng giúp họ kết nối điện thoại với gia đình khi người nhà nhờ do bị mất liên lạc. Dù bệnh nhân không thể nói chuyện được, nhưng người thân ở xa nhìn thấy cũng yên tâm phần nào" - anh Hoan chùng giọng cho biết đến giờ anh đã kết nối giúp cho một số người, nhưng chỉ một người còn sống trở về nhà.
Người may mắn vượt cửa tử một cách thần kỳ là anh T., 44 tuổi. Anh T. và anh Hoan còn có cơ duyên đặc biệt mà sau khi cấp cứu xong anh mới nhận ra.
Anh T. vào bệnh viện trong tình trạng gần như không qua khỏi khi suy hô hấp nặng, SPO2 chỉ còn 60%. Anh Hoan hỗ trợ êkip đặt ống nội khí quản cho anh T. thở máy tức khắc. Tạm qua cơn nguy kịch, anh T. tiếp tục được anh Hoan trực tiếp chăm sóc.
Ngày thứ hai xem hồ sơ bệnh án, anh Hoan biết anh T. quê Thanh Hóa, đã sống và làm việc tại TP.HCM 30 năm nay.
"Cùng hôm đó, các bác sĩ ở khoa ICU 2A nhận được cuộc gọi của một người ngoài Bắc hỏi có biết bệnh nhân tên L.Đ.T. không. Chúng tôi tường thuật lại tình trạng của anh T., hỏi thăm dần thì hóa ra anh ấy là người quen của bạn tôi ở Hà Nội và một số người ở xứ Thanh quê tôi" - nam điều dưỡng chia sẻ.
Bệnh viện hồi sức COVID-19 đã có tín hiệu lạc quan sau bao nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y tế đến từ nhiều nơi.
Một tháng rưỡi làm nhiệm vụ tại khoa ICU 4A (khu bệnh nặng chỉ sau khoa 2A), ThS.BS Vũ Hoài Nam - trưởng đoàn Bệnh viện Hữu Nghị - chứng kiến nhiều bệnh nhân trải qua giai đoạn tưởng như khó cứu sống, nhưng sau đó "lội ngược dòng" về mức nhẹ hơn và xuất viện.
Một buổi trưa khi đang trực, bác sĩ Nam được yêu cầu trợ giúp đặt nội khí quản cho một bệnh nhân nữ béo phì. Các bác sĩ khẩn trương luồn ống nội khí quản và cho thở máy để cứu nữ bệnh nhân trên 60 tuổi.
"Bệnh nhân COVID-19 tổn thương phổi đến lúc này đã rất nặng, dự trữ oxy để duy trì sự sống rất ít. Nếu không nhanh, nguy cơ ngừng tuần hoàn và tử vong rất cao. Với bệnh bình thường, thời gian làm thủ thuật cho phép kéo dài hơn, nhưng với người mắc COVID-19 phải được tính bằng giây bởi diễn biến rất nhanh", vị bác sĩ 42 tuổi cho biết.
Không chỉ chữa bệnh, lực lượng y tế còn phải hỗ trợ tâm lý cho người bệnh, điều này rất quan trọng trong điều trị COVID-19.
Bác sĩ Nam nhớ lại trường hợp mới hồi phục tuần trước: "Ông cụ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh đó cơ bản đã khó thở và dễ suy hô hấp, thêm mắc COVID-19 nên tình trạng phổi xấu hơn. Ông thường xuyên không thở được, phải cho thở oxy dòng cao (HFNC) để cung cấp đủ oxy.
Những ngày đầu, chúng tôi rất lo khi ông luôn tỏ ra bế tắc, không muốn điều trị nữa. Chúng tôi động viên rất nhiều, khuyên ông cố gắng tập thở, hít sâu để không phải can thiệp máy thở xâm nhập vì nguy cơ dẫn đến các biến chứng khác rất cao".
Mỗi ngày anh và đồng nghiệp vừa điều trị vừa thăm hỏi, nhưng ông cụ càng lúc càng bi quan, phổi sau 2-3 tuần vẫn tổn thương rất nặng. Sau đó, các bác sĩ phải dùng thêm thuốc giãn phế quản để kết hợp điều trị COVID-19 và bệnh nền.
"May mắn cuối tuần thứ ba nằm viện tình trạng ông đỡ dần, chuyển sang thở oxy thông thường (cannula). Sáng hôm sau gặp ông rất vui, và giờ đã trở lại cuộc sống bình thường" - bác sĩ Nam chia sẻ.
Theo anh, bệnh nhân thoát nguy kịch ngoài sự cố gắng của y bác sĩ, còn phải dựa vào nỗ lực của người bệnh.
Từng tham gia điều trị COVID-19 ở Huế từ đợt dịch năm ngoái do các bệnh viện ở Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển ra, bác sĩ CKII Võ Đại Quyền - đoàn Bệnh viện Trung ương Huế - vẫn không khỏi căng thẳng khi làm việc tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách (Bệnh viện dã chiến số 14) từ ngày 8-9.
Nói về biến chủng mới làm tổn thương phổi và các cơ quan khác rất nhanh nên số ca bệnh nặng và tử vong nhiều, khó lường trước được, bác sĩ Quyền còn thảng thốt: "Năm nay quá khốc liệt!".
Ở khu bệnh nặng và nguy kịch, mọi người đều cố gắng nỗ lực hơn 100% sức lực tìm đường hồi sinh cho bệnh nhân. Bác sĩ Quyền nhớ nhất trường hợp một sản phụ chưa đến 30 tuổi mắc COVID-19 nặng được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 14, sau đó qua Bệnh viện Từ Dũ mổ bắt con xong lại đưa vào khoa anh.
"Chị ấy bị suy hô hấp nặng, phổi trắng xóa. Chúng tôi đã tích cực điều trị, theo dõi, can thiệp thở máy. Sau một tháng rưỡi sức khỏe mới có chuyển biến tốt, đưa xuống tầng nhẹ và xuất viện về nhà" - anh vui vẻ kể như chính người thân của mình vừa vượt qua cửa tử.
Lần thứ 2 thầy giáo Hải khoác balô lên vai dẫn học trò vào tâm dịch lớn nhất của cả nước, nhưng khác bởi TP.HCM khốc liệt hơn ở Bắc Giang. Đã có sinh viên F0 và phần lớn thành viên đoàn phơi nhiễm do tiếp xúc gần. 209 thầy trò của Trường ĐH Y dược Hải Phòng đã trải qua khoảng thời gian "thử lửa" khó quên cùng nhiều cảm xúc.
Sau 2 tháng hỗ trợ bà con miền Nam chống dịch, cũng là khoảng thời gian TP.HCM bị bao phủ nặng nề bởi dịch COVID-19, đoàn của tiến sĩ - giảng viên Nguyễn Thanh Hải đã trở về bình an, thầy trò vừa hoàn thành cách ly tập trung, bắt đầu cách ly tại gia đình thêm 7 ngày nữa.
Nhìn những con số đang lùi dần về 0 của các ca nhiễm, ca tử vong mỗi ngày, thầy Hải thấy lòng nhẹ hơn. Vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc, anh nói "đó là chuyến đi đặc biệt của bất kỳ tình nguyện viên nào vào tâm dịch TP.HCM".
Ngày xuất phát, đoàn có 208 thành viên, trong đó có 15 cán bộ giảng viên, 6 học viên nội trú và 187 sinh viên. Thêm một giảng viên vừa hoàn thành chống dịch ở Bình Dương sang hỗ trợ, tổng số 209 thành viên.
Vẫn giữ vai trò phó đoàn, thầy Hải cho biết đây là số lượng thành viên lớn nhất của trường lên đường hỗ trợ chống dịch. Trong đó anh và một giảng viên từng ở tâm dịch Bắc Giang.
"Đặt chân đến TP.HCM là những hình ảnh ám ảnh, như những ngày đầu đặt chân đến Bắc Giang, đường phố vắng lặng, tiếng còi xe cứu thương liên tục vang lên, ban đêm cảm giác ấy càng rõ rệt" - thầy Hải nhớ lại.
Đoàn chia ra ba nhóm công việc, bao phủ tất cả các khâu trong công tác phòng chống dịch. 101 người tham gia 2 bệnh viện dã chiến tầng cuối cùng (số 6 và số 13), nơi điều trị và chăm sóc những bệnh nhân nặng.
43 người tham gia 4 khu cách ly dành cho F0 của quận 8, nơi chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân tầng đầu tiên, được coi là bệnh nhân nhẹ. 65 người còn lại được chia thành các nhóm nhỏ hơn để hỗ trợ các trạm y tế phường và trạm y tế lưu động trong việc theo dõi, quản lý, chăm sóc F0 tại nhà.
Ngoài ra, các thành viên còn tham gia lấy mẫu cộng đồng, hỗ trợ các chiến dịch tiêm vắc xin và các thủ tục hành chính…
"Những ngày đầu thật sự khó khăn, hằng ngày chúng tôi phải tiếp xúc với vô vàn F0, từ ngoài cộng đồng đến trong các bệnh viện dã chiến. Mức độ và nguy cơ phơi nhiễm khi làm việc rất lớn với tất cả thành viên" - giọng thầy Hải vẫn căng thẳng.
Số liệu về ca mắc, ca bệnh nặng, thở máy, ca tử vong khi nghe phản ánh không thể cảm nhận hết sự khốc liệt bằng việc trực tiếp chứng kiến, tiếp xúc. Nếu ở Bắc Giang, thầy trò chỉ tham gia lấy mẫu xét nghiệm thì ở TP.HCM chủ yếu hỗ trợ điều trị cho các ca F0.
Thầy Hải và các trưởng, phó đoàn đã lên phương án và quy trình xử lý khi có thành viên trong đoàn chẳng may bị nhiễm. Trong điều kiện làm việc cùng nhau, ăn ở theo nhóm, nếu một thành viên bị nhiễm sẽ ảnh hưởng đến thành viên khác và ảnh hưởng đến việc chung.
"Dù có sự chuẩn bị trước, nhưng khi thành viên đầu tiên bị nhiễm, cảm xúc vẫn thật khó diễn tả" - thầy Hải kể.
"Hôm đó đã 23h đêm, tôi đang chuẩn bị đi nghỉ sau một ngày làm việc mệt mỏi thì tiếng chuông điện thoại reo lên. Nhìn cuộc gọi là nhóm trưởng nhóm 4, linh cảm không được tốt vì chỉ khi có việc gấp sinh viên mới gọi giờ này.
Giọng bạn sinh viên nghe hơi hoang mang nhưng vẫn rõ và rành mạch: "Thầy ơi, nhóm em vừa về tới nơi, hôm nay bạn B.V.K. ho, vừa tự test nhanh 2 vạch rồi ạ…". Sau vài giây định thần lại, tôi cố gắng trấn an nhóm trưởng: "Em nhắn K. và tất cả các bạn trong nhóm bình tĩnh. Ai ở đâu ở yên đó, thực hiện nghiêm 5K, sẽ có người xuống làm lại test cho các em ngay…".
Ngay lập tức, tôi tập hợp nhóm 3 thầy cô phó đoàn, trong đó có tôi, hội ý trong vòng chưa đầy 5 phút, để bàn kế hoạch triển khai mà tôi đã lên phương án dự phòng từ trước.
Trong khi một người đi làm lại test nhanh tại chỗ cho F0 nghi ngờ và các F1, tôi lên danh sách tất cả F1, F2 của đoàn phòng trường hợp F1 này dương ngay thời điểm đó. Đồng thời yêu cầu các bạn được test báo cáo lại kết quả qua Zalo ngay khi có.
Vừa lên danh sách, tôi vừa hồi hộp đợi kết quả test của các bạn. Lần lượt các F1 âm tính, tôi thở phào.
Đến F0 nghi ngờ, tôi vẫn mong một điều thần kỳ xảy ra. Tuy nhiên 15 phút sau, nhóm trưởng gửi ảnh kết quả của F0 nghi ngờ, 2 vạch rõ ràng.
Sau 3 giây hít thở sâu, lập tức tôi thông báo cho trưởng đoàn và họp khẩn, sắp xếp chỗ ăn nghỉ cho các thành viên và tiến hành liệu pháp tâm lý cho F0 và F1. Thật may, tâm lý của các bạn vẫn rất tốt. Đặc biệt bạn F0, dù tôi vẫn cảm nhận được sự bất định nào đó trong giọng nói.
Tôi nhắn nhủ K. thầy cô và các bạn trong khu cách ly sẽ luôn hỗ trợ em hết sức có thể, rằng em cố gắng tuân thủ điều trị. Khoảng 1-2 tuần nữa khỏi, lúc đó đi làm lại thoải mái không sợ bị lây nhiễm nữa… - tôi cố gắng "cường điệu" hơn một chút để bạn yên tâm.
Khi ngắt kết nối với K., đồng hồ điểm 1h07, trong đầu tôi vẫn quẩn quanh suy nghĩ và lo lắng, mong cho K. luôn vững vàng. Vì bắt đầu từ mai, bạn sẽ lại bước vào một cuộc chiến mới dự kiến còn khốc liệt hơn, đặc biệt về tâm lý, so với cuộc chiến mà bạn đã tham gia cùng cả đoàn trong hơn 10 ngày vừa qua tại tâm dịch TP.HCM.
1h30, nằm nhắm mắt nhưng tôi vẫn không ngủ được. Với lấy điện thoại, tôi nhắn thêm một tin nữa cho K.: "Cứ tuân thủ tốt là sẽ ổn thôi, nghỉ ngơi đi em nhé…"".
Điều kỳ diệu đã diễn ra, khoảng một tuần K. âm tính trở lại và tiếp tục hỗ trợ bà con chống dịch. Sau K., còn 5 thành viên khác của đoàn cũng thành F0 và may mắn khỏe mạnh trở lại.
"Số ca phơi nhiễm rất ít so với số lượng thành viên, đây không phải là một ‘thành công’, mà là kết quả của sự nỗ lực tuyệt vời. Chính các thầy cô và tất cả sinh viên đã tạo ra vì mục đích chung của đoàn. Tôi thật sự rất biết ơn tất cả các thành viên về điều đó" - thầy Hải vui vẻ nói.
Chuyến đi lần này vào vùng dịch nguy hiểm hơn ở Bắc Giang nên gia đình lo ngại và không ủng hộ nhiều, bởi thầy Hải còn 2 con nhỏ mới hơn 1 tuổi và 6 tuổi, hơn nữa mẹ ruột thầy đang điều trị K tại Bệnh viện Huyết học. Trước chuyến đi, hai mẹ con ít có cơ hội gặp nhau vì giãn cách xã hội.
Thầy Hải cho biết sau khi cách ly tại nhà sẽ bù đắp thời gian bên mẹ. Chắc chắn bà sẽ vui và tự hào vì con trai đã giúp ích cho đồng bào vùng dịch.
"Hồi sức là ‘thành trì’ cuối cùng để chiến đấu với bệnh tật, không giữ được thành tức không giữ được mạng sống cho bệnh nhân" - bác sĩ Phạm Thế Thạch nhắc lại những chuyện không thể nào quên trong những ngày ở Trung tâm hồi sức COVID-19.
"Chưa bao giờ chúng tôi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng như thế - bác sĩ Phạm Thế Thạch - phó trưởng khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), nhớ lại - Mỗi ngày chuyển đến trung tâm 500-600 bệnh nhân, những bệnh nhân đã rất nặng".
Trong những tuần đầu tiên, hầu hết bệnh nhân chuyển đến không liên lạc được với người nhà. Hầu hết số điện thoại ghi trong bệnh án lại chính là số điện thoại của người bệnh.
COVID-19 quá tàn khốc! Một người mắc gần như cả nhà mắc, cả nhà nằm viện, rồi mỗi người chuyển đi một nơi. Họ tự lo cho họ còn không nổi, thở cũng khó khăn và chẳng biết gia đình, vợ con ở đâu. Chỉ biết chuyển tuyến thôi. Không ít gia đình có người được ra viện rồi, trở về nhà mới biết người thân còn sống.
Được coi có "thâm niên" trong chống dịch COVID-19, bác sĩ Thạch đi khắp các bệnh viện dã chiến trong các đợt cao điểm bùng phát dịch bệnh, từ Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng… Trở về công việc chính ở khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai chưa ấm chỗ, anh lại nhận được tin nhắn của cấp trên. Lại đi.
Những ngày đầu tiên ở Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 16 (TP.HCM), ngoài công việc chuyên môn, anh và đồng nghiệp đau đáu chuyện làm thế nào để người bệnh bớt cô độc.
Sự sống và cái chết ở trung tâm hồi sức mong manh như sợi tóc. Nhiều người mất rồi không ai biết số điện thoại người thân mà liên lạc. Mỗi ngày, bộ phận công tác xã hội của trung tâm gọi cỡ 300 cuộc điện thoại để thông báo tình trạng sức khỏe cho người nhà bệnh nhân.
"Một điều rất nhỏ thôi là giữ liên lạc cho người thân của họ cũng cần phải làm tốt. Để họ còn có điều an ủi, còn có nơi để nghĩ mà gắng gượng vượt qua bệnh tật", bác sĩ Thạch nói.
Anh không thể nào quên những cuộc gọi của cháu bé 6 tuổi trong những ngày điều trị ở trung tâm hồi sức. Nữ bệnh nhân 37 tuổi, mới sinh con thứ hai được hơn 20 ngày. Chị nhiễm COVID-19 rồi vết mổ sinh nhiễm trùng huyết dẫn đến suy đa tạng.
Trở bệnh 2 tuần, chị được các bác sĩ chuyển đến trung tâm hồi sức. Người trong nghề đều hiểu 37 tuổi mà bé gái đầu lòng mới 6 tuổi, sinh bé thứ 2 phải phẫu thuật là người khao khát có con lắm.
"Mấy ngày đầu bệnh khá nặng, vào trung tâm sức khỏe chị khá lên được một chút, nghe được điện thoại. Nhìn thấy chị cười, mũi vẫn đặt ống thở mà vui lắm. Còn nghe tiếng bé con nhắn thoại: "Mẹ ơi cố lên! Sớm về với em nha mẹ!... Bác sĩ ơi cố lên! Chữa cho mẹ con lành bệnh nha bác sĩ…" thương lắm!" - bác sĩ Thạch kể.
Nhưng rồi chị lại trở nặng. Đến khi trút hơi thở cuối cùng rồi, chiếc điện thoại bên giường bệnh đổ chuông, một điều dưỡng mở ra, tin nhắn thoại của cháu bé lại vang lên: "Mẹ khỏe chưa? Mau về với em nha mẹ…".
Sau này, ở các bệnh viện quy định bệnh nhân phải có ít nhất 2 số điện thoại để liên lạc với người thân. Bác sĩ, điều dưỡng liên lạc được với họ thường xuyên hơn.
Đêm đầu tiên vận hành Trung tâm hồi sức tích cực, các bác sĩ tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân. Đây cũng là đêm đầu tiên hệ thống oxy trung tâm lớn nhất Việt Nam được vận hành. Hệ thống ống đồng đường kính 108mm dài tới 9km.
"Đêm đầu tiên vận hành, các máy thở oxy dòng cao HFLC ‘ngốn’ oxy khủng khiếp! Khi oxy từ thể lỏng chuyển sang thể khí quá nhiều, dẫn đến đóng đá đường ống. Cả một đoạn ống dài hơn chục mét bị đóng đá, nguy cơ tắc toàn bộ hệ thống" - bác sĩ Thạch kể.
"Tôi và anh phó phòng vật tư lúc ấy ngây người ra, tình thế quá nguy hiểm. Nếu đóng đá, các máy thở không có oxy thì vài chục bệnh nhân không qua khỏi".
Sau khi giảm bớt công suất các máy thở, hệ thống oxy mới dần trở lại ổn định. Theo bác sĩ Thạch, hệ thống cung cấp oxy trung tâm rất ít được quan tâm ở Việt Nam. Hầu hết các bệnh viện không có nên khi COVID-19 xảy ra, nhiều nơi bị động.
Mỗi một chiếc máy HFLC, mỗi phút tiêu thụ hết 60 lít oxy lỏng. Hệ thống máy thở của trung tâm hồi sức nếu phải vận hành cho 500 bệnh nhân phải tốn đến hơn 30 tấn oxy mỗi ngày. Trong khi đó nguồn cung oxy có nhưng vận chuyển thì không.
Trong nước mới chỉ có các loại bom oxy vài khối, những loại bom lớn từ 6m3 trở lên phải đặt từ nước ngoài nhiều tháng mới nhận được hàng.
Cánh cửa mở ra, tiếng "tít tít" của máy monitor trong một căn phòng vọng ra khiến bác sĩ Trần Nam Chung - phó trưởng khoa cơ - xương khớp Bệnh viện E (Hà Nội) - bất giác giật mình như một phản xạ trong nghề.
Gần hai tháng dốc sức trong Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức), bác sĩ Chung quay cuồng trong tiếng "tít tít" của các loại máy. Trong đoàn công tác của Bệnh viện E trở về, đã hơn nửa tháng trôi qua, nhiều người cứ nhắm mắt lại là nghe thấy âm thanh ấy ám ảnh trong giấc ngủ.
Cả sự nhiệp, nhiều bác sĩ chưa bao giờ phải xử lý nhiều ca nặng đến thế. Ở khoa bác sĩ Chung phụ trách, khi đi thăm khám cho bệnh nhân, vừa mới hỏi thăm người này xong, đi qua một vài giường, chiếc máy của người đầu tiên đã dồn dập kêu. Thế là lại chạy, cả bác sĩ, điều dưỡng quay lại có người đã tím ngắt vì thiếu oxy.
Sự sống và cái chết mong manh như sợi tóc.
Ở trong một phòng, hơn chục máy "tít tít" kêu đều khiến bác sĩ đã đủ ám ảnh. Nhưng chốc chốc lại có một cái "nổi điên" kêu dồn dập. Bệnh nhân nguy cấp, tiếng kêu đó càng ghi sâu vào trong tâm thức của người thầy thuốc. Mỗi khi tiếng kêu ấy dồn dập là cơ hội sống của một người như mất dần đi.
Bác sĩ Chung cho hay mỗi lần xử lý xong cái máy "nổi điên" ấy, bệnh nhân qua cơn nguy kịch là một lần bác sĩ vượt qua một cửa ải.
Những bác sĩ, điều dưỡng từng phục vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) chỉ mong được chứng kiến bệnh nhân ra viện. Nơi họ làm việc là nơi giành giật sự sống cho những bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng, giây phút bệnh nhân ra viện là kết quả của những nỗ lực thần kỳ.
Sau gần hai tháng phục vụ ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức), trở về Hà Nội, chị Cao Thị Thanh Thủy, điều dưỡng Bệnh viện E Hà Nội, được đồng nghiệp gửi cho bức ảnh chụp lá thư bệnh nhân.
Đó là lá thư tay gửi lại phòng hành chính Bệnh viện hồi sức, những dòng chữ run rẩy, vội vã vì xúc động khi vừa nghe thông báo ra viện. Chị Nguyễn Thị H., tác giả bức thư, đã gửi lại trong mớ giấy tờ của bệnh viện.
"… Chiều nay em được xuất viện, em mừng lắm, em muốn gửi lời cảm ơn đến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và các bạn tình nguyện viên đã tận tình chăm sóc cho em về thể lý và tâm lý. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa bệnh cho em để em được về với gia đình, chồng con…" - chị H. viết và nghĩ ra viện rồi chị không thể gặp lại những người đã giành giật sự sống cho mình suốt gần hai tháng trời điều trị.
"Mừng cho cô ấy…" - đọc bức thư được đồng nghiệp chụp lại, chị Thủy cười mừng cho cô gái vượt qua cái chết mà sống mũi cứ cay cay. Thế là bệnh nhân "quậy" nhất bệnh viện hồi sức đã được cứu.
Cô ấy "nổi tiếng" khắp các khoa, phòng vì bị kích thích, thuốc an thần, giãn cơ… đều không có tác dụng. Từ khi tiếp nhận bệnh nhân ở bệnh viện hồi sức đến khi đọc được bức thư đã hơn một tháng rưỡi. Bệnh nhân từng phải thở oxy dòng cao, rồi phụ thuộc hoàn toàn cho máy thở - nơi sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc.
"Hạnh phúc của chúng tôi là được chứng kiến bệnh nhân ra viện - chị Thủy bộc bạch - Khoa tôi phục vụ toàn bệnh nhân nặng, gần 2 tháng ngày nào cũng phải thu dọn đồ cho bệnh nhân không qua khỏi, bệnh nhân nhẹ hơn thì chuyển sang bệnh viện khác rồi họ ra viện ở nơi khác.
Có những hôm nghỉ thay ca một ngày, hôm sau lên khoa toàn bệnh nhân mới, bệnh nhân hôm trước đã mất cả…" - chị chùng giọng, ngập mừng hồi lâu mới kể tiếp câu chuyện những ngày tiếp sức ở Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM.
"Đêm đó tôi là người đầu tiên tiếp nhận H.. Bác sĩ đã cho dùng thuốc an thần nhưng không có công dụng với cô ấy. H. mất dần ý thức, liên tục gào thét, giật hết ống thở, đập giường đập chiếu… Chúng tôi phải xúm lại buộc tay, buộc chân rồi giữ ống cho H. thở. Nhưng cứ ngoảnh đi là cô giật hết ống ra, người tím ngắt" - chị kể lại.
Hôm sau bệnh nhân trở nặng phải chuyển sang phòng khác để thở oxy dòng cao nhưng vẫn tiếp tục "quậy". Đến khi buộc tay, buộc chân lại cô vẫn trườn lên, trườn xuống. Chị đồng nghiệp hiền nhất khoa giữ ống thở oxy không được phải cầu cứu.
Thiếu oxy lên não, bệnh nhân COVID-19 không ý thức được. Nếu không thở được vài phút là diễn biến nặng, khó qua khỏi. Và rồi bệnh nhân "quậy" nhất khoa ấy cũng vượt qua được. H. được chuyển dần về các khoa, phòng nhẹ hơn và hơn 1 tháng sau xuất viện. Khi ấy, chị Thủy đã về Hà Nội tiếp tục với công việc của mình ở Bệnh viện E.
"Đọc thư bạn ấy mình vui lắm! - chị nói - Gần hai tháng trời sống trong không khí u uất ấy. Bệnh nhân chỉ có một mình, không vượt qua được, họ ra đi cô quạnh lắm. Chưa bao giờ mình làm nhiều như thế và cũng chưa bao giờ hình dung được cái chết lại tàn khốc như vậy".
Là thành viên đoàn bác sĩ, điều dưỡng đầu tiên vào tiếp sức Bệnh viện hồi sức COVID-19, chị Thủy nhớ bệnh viện ấy chính là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cơ sở 2 vừa mới khánh thành được vài ngày thì trưng dụng làm bệnh viện hồi sức.
Người bệnh chuyển đến bệnh viện gần như đã mất dần ý thức. Những bệnh nhân phải thở máy gần như không còn nhận thức được gì, nhưng bệnh nhân khác nhẹ hơn thì bị kích thích. Họ hay giằng giật, la hét.
"Ngoảnh đi ngoảnh lại họ đã rút hết ống thở ra, người tím ngắt! Nếu không kịp xử trí là không vượt qua được" - chị nói.
Chị Thủy làm ở lầu 7, nơi chỉ toàn bệnh nhân nặng. "Mới đầu cũng sợ lắm! Ai chẳng sợ tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 sẽ bị lây. Nhưng đến ngày thứ hai, tất cả đều bị cuốn vào công việc" - chị Thủy kể.
Mỗi người phụ trách 6-8 bệnh nhân, toàn ca nặng. Có người phụ trách tới 4 bệnh nhân thở máy, việc quá sức với một điều dưỡng bình thường. Bệnh nhân đã vào đó chỉ có một mình, điều dưỡng phải làm hết mọi việc từ đặt thuốc, thay tã, thay ga giường, đến đút từng thìa sữa…
"Có những hôm nhận ca lúc 7h30 sáng, hết xoay bên này lại chạy bên kia. Lúc nào cũng nghe bệnh nhân gọi ‘cô ơi cho xin miếng nước’, ‘cô ơi thay tã cho tôi’, ‘cô ơi, cô ơi’… Cứ thế ngẩng mặt lên đã 12h30 từ lúc nào" - chị tâm sự.
Chưa bao giờ chứng kiến những ca bệnh diễn biến nhanh như vậy, chị kể có khi vừa nói chuyện được vài phút, quay lại họ đã trở nặng phải chuyển phòng thở máy. Có người lúc nhập viện chưa kịp gọi điện cho người thân vì quá mệt, đến hôm sau đã không qua khỏi.
Tóc mái thưa không che được cặp lông mày nhíu lại, đôi mắt ngân ngấn nước, chị nhớ hình ảnh những người mình từng chăm sóc lần lượt rời đi. Có người sang phòng khác nhẹ hơn nhưng cũng có người sang phòng thở máy rồi chị phải dọn đồ đạc cho họ. Lúc ấy là lúc bác sĩ tìm lại số điện thoại người thân trong hồ sơ bệnh án, gọi điện thông báo ngày, giờ họ mất…
Đến giờ chị vẫn không thể nào quên được hình ảnh bệnh nhân hơn 70 tuổi từng ở buồng bệnh chị phụ trách.
"Chú ấy vào được mấy ngày thì tỉnh táo, nói chuyện được. Nhà chú có 8 người, 7 người đã chết vì COVID-19, chú là người cuối cùng - chị nghẹn giọng kể - Đến ngày thứ năm thì chú chuyển biến nặng, phải sang phòng khác điều trị. Rồi cũng chính tôi là người thu dọn đồ đạc và giúp đưa thi thể chú vào túi... Bác sĩ cũng không biết gọi cho ai để thông báo vì cả nhà họ không còn ai!".
Chị cũng nhớ cô gái tên D. rất trẻ, vừa mới sinh con. Ngày nhập viện, vết mổ bắt con chưa cắt chỉ. Vào viện được hai hôm thì D. diễn biến nặng chuyển sang phòng thở máy. Và đứa trẻ ấy không bao giờ được bú sữa mẹ nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận