16/03/2018 14:39 GMT+7

Đi bộ xuyên Việt 113 ngày đêm để kiểm chứng tình người

TIỂU HÀN
TIỂU HÀN

TTO - Có những lúc nửa đêm, chân sưng phồng, cơ căng cứng mà chưa biết sẽ ngủ ở đâu, Nhật Hà nản chí, nhưng chưa một lần nghĩ đến bỏ cuộc giữa chừng.

Đi bộ xuyên Việt 113 ngày đêm để kiểm chứng tình người - Ảnh 1.

Anh Nhật Hà sau đêm ngủ trên rừng dương ở gần khu du lịch Trung Lương, Bình Định - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đạp xe xuyên Việt, đi xe máy vòng quanh Đông Nam Á là những câu chuyện truyền cảm hứng, nghị lực vượt lên chính mình của nhiều bạn trẻ hiện nay. Thế nhưng đi bộ xuyên Việt thì không phải ai cũng đủ dũng cảm để thực hiện. Cũng như Khổng Minh Triết, Hồ Nhật Hà (sinh năm 1985, đến từ Phú Yên) lại là một người nữa dám dấn thân vào khó khăn không lường trước để đi tìm đáp án cho những thắc mắc tự sâu trong lòng.

Gác việc học một năm để đi bộ xuyên Việt Gác việc học một năm để đi bộ xuyên Việt

TTO - Với ước mơ khám phá những miền đất mới, 9x Khổng Minh Triết đã bảo lưu việc học để đi bộ dọc các tỉnh thành đất nước.

Hồ Nhật Hà đã đi xuyên Việt từ Sài Gòn tới Hà Giang trong 113 ngày. Ngày 18-10-2017, anh xuất phát tại dinh Độc Lập (TP.HCM). Ngày 8/2 vừa qua, anh đã có mặt tại điểm đến Lũng Cú, Hà Giang - hoàn thành chuyến đi xuyên Việt bằng đường bộ.

Hành trang anh mang theo chỉ là 3 bộ quần áo, một số vật dụng cá nhân cần thiết nhất, cây đàn guitar và 100.000 đồng.

Đi để kiểm chứng tình người

Hà tự nhận mình là người hay suy nghĩ và thường xuyên đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời mình. Nhiều câu chuyện tiêu cực về niềm tin trên mạng xã hội như hôi của, dàn cảnh cướp của hay đánh ghen… khiến chàng trai đến từ Phú Yên trăn trở về niềm tin trong cuộc sống, về chuyện sống tử tế.

Chính vì vậy, anh có ý tưởng thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt từ Nam ra Bắc với mục đích kiểm chứng lòng tin và tình người. Đồng thời, đây cũng là một dịp để Nhật Hà thử thách bản thân, vượt qua chính mình.

Nhật Hà hát bài tự sáng tác tại thôn Lệ Mỹ, Phú Mỹ, Phù Ninh, Phú Thọ. Anh đi theo tuyến đường làng dọc sông Lô - Video do nhân vật cung cấp

Ngày 18-10-2017, Nhật Hà lên đường với 3 câu hỏi muốn tìm đáp án: Liệu người Việt còn tình thương mến thương với nhau hay không? (Không phân biệt vùng miền nào); Liệu một người trẻ có thể thực hiện ước mơ của họ mà không phải bắt đầu từ tiền như rào cản "đầu tiên"?; Liệu mình có đủ sức mạnh tinh thần để vượt qua được thử thách và mình sẽ học được gì sau chuyến đi?

Đi bộ xuyên Việt 113 ngày đêm để kiểm chứng tình người - Ảnh 4.

Hành trang nhỏ gọn của chàng trai Phú Yên - Ảnh do nhân vật cung cấp

Với suy nghĩ, nếu thành công, mình sẽ trả lời được những trăn trở đó và có thể tạo được nguồn cảm hứng sống cho những người xung quanh, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, Nhật Hà đã xách ba lô lên và bắt đầu hành trình đi bộ.

Trước khi đi, anh tập luyện sức khỏe bằng cách leo núi Bà Tây Ninh vào ban đêm và tập ngủ lại trên núi đến sáng mới về. Trong suốt hành trình 113 ngày, anh không hề dùng viên thuốc nào mình mang theo. Đó cũng chính là niềm vui không nhỏ của Hà, bởi anh không muốn gia đình phải lo lắng.

Với 100.000 đồng trong túi, Hà ưu tiên việc xin ngủ nhờ nhà dân. Nếu không xin được, anh đành ngủ ngoài đường, nhà hoang, chùa địa phương, cây xăng, thậm chí là ngủ trong rừng.

"Ngoài những bữa cơm được người dân địa phương mời, suốt 113 ngày, mình chỉ ăn bánh mì và mì tôm để tiết kiệm tiền. Mình vừa đi vừa đàn, hát, thậm chí sáng tác nhạc để tặng những người mình gặp, những nơi mình đi qua. Việc này cũng giúp mình kiếm thêm chút chi phí dọc đường", Nhật Hà kể lại.

Nhật Hà đi dọc từ Nam ra Bắc, nhớ những ngày nắng như đổ lửa ở Bình Thuận, ngày mưa dầm dề ở miền Trung và những ngày rét thấu xương của miền Bắc.

Ngày 8-2, anh đã có mặt tại điểm đến Lũng Cú, Hà Giang. Sau đó, Nhật Hà bắt xe về Hà Nội và được một người bạn tặng vé máy bay về nhà. Sau chuyến đi, Hà tăng 2kg - điều chính anh cũng không tin được.

Nản chí rất nhiều nhưng luôn kiên định với mục tiêu

Đi bộ xuyên Việt 113 ngày đêm để kiểm chứng tình người - Ảnh 5.

Nhật Hà tại sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) cổ vũ cho đội tuyển U23 trong trận bán kết giải U23 Châu Á

Vác ba lô đi bộ khắp nơi, Nhật Hà đôi khi bị người dân địa phương nhìn với ánh mắt lạ. Họ coi anh là người điên, kẻ lang thang cơ nhỡ, một người ăn mày, kẻ lừa đảo, bắt cóc thậm chí là tội phạm.

"Mỗi lần như vậy, mình tổn thương lắm. Nhưng mình chọn đối mặt là chấp nhận và mỉm cười cho qua. Mình cần sức mạnh tinh thần để vượt qua, và biết rằng sức mạnh tinh thần không đến từ bất kỳ sự tranh đấu nào, chứng tỏ hay chỗ dựa nào, mà đến từ trạng thái chấp nhận hoàn toàn. Chấp nhận hoàn toàn mọi việc đang diễn ra, mọi phán xét, mọi tác động từ thế giới xung quanh là điều tuyệt vời nhất mình từng được biết", Nhật Hà chia sẻ.

Trong chuyến đi, Hà cũng gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách, từ điều kiện thời tiết tới sự mệt mỏi về tinh thần.

Chàng trai này cho hay mỗi ngày anh đi bộ nhiều nhất là 50km. Những ngày đầu, anh hay nghỉ trưa nhưng sau đó thì đi xuyên trưa đến khi mệt mới nghỉ, để tập cho cơ thể sức chịu đựng.

Đi bộ xuyên Việt 113 ngày đêm để kiểm chứng tình người - Ảnh 6.

Hà Giang là điểm dừng chân kết thúc chuyến đi bộ xuyên Việt 113 ngày của Nhật Hà. Ảnh chụp tại đèo Mã Pí Lèng - Ảnh do nhân vật cung cấp

"Khi đi một ngày, tinh thần mình sẽ thường như thế này: buổi sáng hăng hái, buổi trưa uể oải vì lo không biết tối sẽ ngủ ở đâu, buổi chiều cắn răng chỉ nghĩ về mục tiêu. Có khi mình đi tới gần 11h đêm mà chưa có chỗ nghỉ. Chân sưng phồng, căng cơ. Lúc ấy, mình chỉ nghĩ duy nhất là phải tiến về mục tiêu. Có lúc mình vô cùng nản, chán, nhưng đã chấp nhận đi là không bỏ cuộc", Nhật Hà chia sẻ.

Đi bộ xuyên Việt 113 ngày đêm để kiểm chứng tình người - Ảnh 7.

Nhật Hà chụp ảnh với các cô bốc gạo ở Quỳnh Lưu, Nghệ An - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nụ cười rạng rỡ khiến chàng trai này giành được không ít thiện cảm từ người dân. Nhật Hà nhớ người anh tên Duy tốt bụng, phóng khoáng và lạc quan đã cho mình ở nhờ tại Bà Rịa.

Anh nhớ một người chị ở Phan Rang không ngần ngại giúp đỡ, thường xuyên hỏi thăm anh trên hành trình đi bộ. Hà cũng nhớ những người dân Huế rất yêu âm nhạc, những người dân Khánh Hòa hào hiệp...

Cái mình có được là cảm xúc, là bài học, là những suy nghĩ sau chuyến đi. Mình tự tin hơn, dám nghĩ, dám làm nhiều hơn. Mình cũng rèn được tinh thần không sợ bất cứ sự phán xét nào để từ đó mình có thể tự do thực hiện những ước mơ kế tiếp.

Nhật Hà

Nhật Hà cũng đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc trước khi bắt đầu hành trình: "Thế giới bên ngoài là tấm gương phản chiếu nội tâm mỗi chúng ta. Có những nơi trước khi đến, mình bị nhắc nhở rất nhiều về vùng đó. Nhưng khi trải nghiệm, mình mới thấy người Việt ở đâu cũng có người tốt, sống tử tế. Họ giúp đỡ mình và vô cùng rộng lượng".

Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối sống đẹp cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống tử tế theo góc nhìn của chính bạn xin vui lòng gửi về email: tto@tuoitre.com.vn.

Bốn nữ phượt thủ Ấn Độ tới Việt Nam bằng xe máy Bốn nữ phượt thủ Ấn Độ tới Việt Nam bằng xe máy Rùng mình xem các phượt thủ đi xe máy lên đỉnh Tà Xùa Rùng mình xem các phượt thủ đi xe máy lên đỉnh Tà Xùa Phượt... giúp những trẻ Phượt... giúp những trẻ 'bụng to'
TIỂU HÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên