Trường ĐH Đông Đô cơ sở 1 tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trong khi theo quy định, các cơ sở đào tạo phải báo cáo Bộ GD-ĐT về việc tuyển sinh, cấp văn bằng, chứng chỉ.
Trường ĐH Đông Đô có báo cáo Bộ GD-ĐT không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - khẳng định theo quy định của Bộ GD-ĐT, hằng năm các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ, số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo, số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học, số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in, đã sử dụng...
Tuy nhiên trả lời câu hỏi về "báo cáo của Trường ĐH Đông Đô với Bộ GD-ĐT theo quy định trên thế nào?", đại diện Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết mới nhận nhiệm vụ này chưa lâu nên không nắm việc diễn ra trong thời gian trước đó.
Thông tin cho Tuổi Trẻ ngày 3-8, Trung tâm truyền thông Bộ GD-ĐT cho biết đã đề nghị Vụ Giáo dục ĐH kiểm tra việc này. Lãnh đạo vụ sẽ mở hồ sơ lưu để kiểm tra, đồng thời cũng rà soát trách nhiệm của cán bộ được phân công tiếp nhận báo cáo, giám sát hoạt động tuyển sinh, đào tạo của trường này để có câu trả lời sớm.
Có hai giả thuyết đặt ra. Thứ nhất, Trường ĐH Đông Đô đã bỏ qua quy định báo cáo các nội dung như ông Mai Văn Trinh nêu ở trên. Thứ hai là Trường ĐH Đông Đô có báo cáo đầy đủ nhưng nội dung báo cáo gian dối không đúng sự thật.
Dù là trường hợp nào thì trách nhiệm giám sát của Bộ GD-ĐT cũng chưa được làm tốt. TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho rằng Bộ GD-ĐT cần sớm làm rõ việc này để xác định trách nhiệm liên quan sai phạm của Trường ĐH Đông Đô.
"Trước đây, Trường ĐH Đông Đô cũng từng một lần bị ra tòa vì sai phạm trong tuyển sinh. Sai phạm xuất phát từ việc trường xin chỉ tiêu và được Vụ Giáo dục ĐH duyệt. Nhưng khi đó vụ không kiểm soát được sai phạm của trường.
Đây là lần thứ hai trường ĐH này dính vào sai phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra có thể sẽ xác minh quá trình vi phạm của Trường ĐH Đông Đô liên quan tới trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng tôi nghĩ, trước hết Bộ GD-ĐT cần chủ động kiểm tra, làm rõ trách nhiệm về phía mình" - ông Lê Viết Khuyến trao đổi.
Cũng theo ông Khuyến, cho dù phân cấp cho các trường nhưng không thể buông lỏng trách nhiệm giám sát. Việc để kéo dài một sai phạm như thế do không biết hay do biết mà cố tình lờ đi là việc phải được xác định cụ thể.
Người học mất tiền, không dễ kêu oan
Theo trả lời của bà Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - với Tuổi Trẻ thì những người học thật, thi thật, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện tuyển sinh đầu vào, điều kiện đầu ra, quá trình tổ chức quản lý đào tạo đúng quy chế, có hồ sơ lưu minh chứng đầy đủ thì nhà trường phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người học.
Nhưng trong sai phạm đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh ở Trường ĐH Đông Đô thì việc xác định những điều kiện để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người học rất phức tạp và nhiều khả năng không đáp ứng được.
Về điều này, ông Lê Viết Khuyến bày tỏ quan điểm: "Nếu quá trình điều tra xác định cơ quan quản lý nhà nước (Bộ GD-ĐT) có trách nhiệm trong việc để Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng thì phải tùy tình hình, có thể linh hoạt xem xét công nhận hợp thức bằng cho người học đã hoàn thành chương trình. Nhưng nếu quá trình điều tra xác nhận trường tự ý thực hiện toàn bộ việc tuyển sinh, đào tạo sai thì đương nhiên không thể công nhận văn bằng đã cấp cho người học được.
Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ đổi mới GD-ĐT - cho rằng nếu việc lựa chọn, đăng ký vào học một chương trình mà ngay từ đầu vào và cả quá trình học đều không thực chất, gian dối thì có nghĩa văn bằng là giả. Trường hợp này, người học mất tiền mà không thể kêu oan được.
"Từ sự việc sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô, ngoài cảnh báo về quản lý lỏng lẻo trong việc tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở ĐH, còn nên xem lại các quy định về bằng cấp mang tính hình thức.
Ví dụ, quy định văn bằng tiếng Anh với nghiên cứu sinh nếu chỉ cần nộp bằng mà không có cơ chế kiểm tra chất lượng (trình độ thực tế) thì sẽ chỉ sinh ra tình trạng đi mua bằng. Việc học giả, bằng giả này không chỉ ở Trường ĐH Đông Đô mà có ở những nơi khác" - ông Hoàng Ngọc Vinh nêu vấn đề.
Hiện Vụ Kế hoạch - tài chính của bộ sẽ "giám sát" chỉ tiêu của các trường; khâu quản lý văn bằng chứng chỉ do Cục Quản lý chất lượng thực hiện; quản lý về tuyển sinh và đào tạo lại do Vụ Giáo dục ĐH, còn nơi cấp phôi cho các cơ sở (trong đó có Trường ĐH Đông Đô) lại do Văn phòng bộ đảm nhiệm (theo quy định mới, từ 1-7-2019, Văn phòng bộ đã không còn thực hiện chức năng này). Kẽ hở có thể từ chính quy trình này. Một văn bằng chứng chỉ phân tán về nhiều đơn vị quản lý!
Có sự lỏng lẻo giữa các bộ phận của cơ quan quản lý?
Ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: "Nếu như việc giám sát tuyển sinh khối trường ĐH tư thục chỉ giao cho 1-2 người, nhưng không có sự kết hợp giữa các bộ phận, không có sự hợp tác chặt chẽ giữa các vụ, cục trong Bộ GD-ĐT sẽ rất dễ dẫn tới sơ hở, không phát hiện được sai phạm như đã xảy ra ở Trường ĐH Đông Đô".
Ông Hoàng Ngọc Vinh phân tích: Để giám sát việc tuyển sinh, những người có trách nhiệm phải phối hợp với bộ phận khác để rà soát kỹ xem cơ sở đào tạo được phép mở những ngành nào, những ngành mới tuyển sinh thì đã xin mở ngành chưa. Bên cạnh đó cũng phải rà soát việc Vụ Kế hoạch - tài chính xác định chỉ tiêu thế nào đối với ngành/trường mình đang rà soát. Việc phối hợp này sẽ lọc ra được các trường hợp có dấu hiệu sai phạm, không để kéo dài.
"Trước đây, trong quá trình rà soát chặt chẽ như thế, chúng tôi phát hiện được nhiều trường hợp làm sai để chấn chỉnh ngay" - ông Vinh cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận