23/04/2020 08:10 GMT+7

Dệt lại tấm lưới an sinh xã hội

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Đã hai ngày nay, ông Thực (Tân Phú, TP.HCM) - tổ trưởng tổ dân phố - gõ cửa từng nhà để gửi bản kê khai 'Là người lao động không giao kết hợp đồng lao động bị dừng, mất việc bởi dịch COVID-19'.

Dệt lại tấm lưới an sinh xã hội - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Phương Nga - Hội Chữ thập đỏ phường 4 (Q.Tân Bình, TP.HCM) - lập hồ sơ cho bà Nguyễn Thị Thành theo chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Ông đang đi tìm những người lao động tự do, buôn gánh bán bưng để làm danh sách nhận trợ cấp từ gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

"Mỗi người phụ trách chừng 50 hộ, phải hỏi kỹ rồi đưa bản kê khai vì hộ nào ở đây cũng có người làm tự do", ông Thực nói. 

Đây chỉ là 1 trong 105 tổ dân phố của phường này với hơn 5.000 hộ dân. Thế mới biết người lao động tự do ở thành phố này nhiều vô kể. 

Với họ, mất việc là chông chênh. Là lao động tự do, họ không có tên trong bất kỳ danh sách nào để được quản lý, được xác nhận. 

Dù là người gặp khó nhiều nhất trong đại dịch và cần được hỗ trợ nhiều nhất nhưng chính quyền lại phải đi tìm từng người trong số họ để trao hỗ trợ.

Trong thuật ngữ ngành lao động, người ta gọi họ với cái tên lao động phi chính thức. Tổ chức Lao động quốc tế tại VN chỉ ra rằng trong thập kỷ qua, tỉ lệ việc làm phi chính thức tại VN đang giảm đi nhưng số lao động khu vực này vẫn rất lớn. 

Lao động phi chính thức không được hưởng các chế độ phúc lợi cơ bản bao gồm cả chế độ bảo trợ xã hội, vì thế trong đại dịch COVID-19 Nhà nước phải hỗ trợ bằng một chính sách "chưa từng có".

Năm 2019, con số lao động phi chính thức là 38,1 triệu người, trong đó gần 13 triệu lao động làm việc trong các lĩnh vực phải đối diện với cú sốc kinh tế nặng nề nhất. 

Họ đã lọt ra khỏi "tấm lưới" an sinh xã hội, vốn để che chắn, bảo vệ cho các thành viên của xã hội trước mọi biến cố xã hội bất lợi.

Trong "tấm lưới" ấy, bảo hiểm xã hội được xem là trụ cột của an sinh xã hội. Bảo hiểm xã hội giúp người lao động trích một phần thu nhập để làm của để dành khi không còn khả năng lao động, tai nạn, bệnh tật, về già hay ngay thời điểm hi hữu cả đời mới thấy một lần là đại dịch COVID-19. 

Nhưng với hàng chục triệu lao động tự do, thường có thu nhập thấp, tay làm hàm nhai, họ còn xa lạ với tấm lưới an sinh xã hội, tức là không có trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp ốm đau, về già không có lương hưu.

Điều đáng lo hơn là gần đây, xu hướng chuyển sang tham gia lao động tự do lại tăng lên. Nhiều công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp "nhảy" ra làm tài xế công nghệ để có thu nhập cao hơn. Những người này đã lãnh khoản trợ cấp xã hội một lần để làm vốn. 

Đúng là lao động tự do thu nhập có cao hơn, nhưng họ cũng mất đi luôn tấm lưới bảo hiểm xã hội. Vì thế, không ít người lao đao khi xảy ra rủi ro trong cuộc sống, kể cả trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh COVID-19.

Đại dịch xảy ra có thể chỉ vài tháng, còn rủi ro bệnh tật, đau ốm, những năm tháng tuổi già là không thể lường trước. 

Từ đại dịch COVID-19 cũng là tiếng chuông cảnh báo Nhà nước cần thiết kế lại tấm lưới an sinh xã hội, để có thêm người lao động tự do như tài xế công nghệ, người bán hàng tạp hóa, người phục vụ quán ăn... cũng có của để dành phòng thân. Được như vậy mới đúng với mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau".

Ai được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tại TP.HCM? Ai được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng tại TP.HCM?

TTO - Giáo viên mầm non ngoài công lập tại TP.HCM được hỗ trợ khó khăn ra sao? Ai thuộc diện được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng ở TP? Thủ tục ra sao? Khi nào có thể được nhận tiền?

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên