30/07/2019 08:05 GMT+7

Dẹp 'chợ luận văn' được không?

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TTO - Dư luận nhiều lần phản ảnh, Bộ GD-ĐT vào cuộc nhưng "chợ luận văn" thạc sĩ, tiến sĩ vẫn hoạt động nhộn nhịp và phát triển tỉ lệ thuận với số lượng gia tăng người học thạc sĩ, tiến sĩ.

Cái giá quá rẻ, "Chi 15 triệu đồng có ngay luận văn thạc sĩ" (Tuổi Trẻ 29-7). Chợ tồn tại như thách thức các quy định của Bộ GD-ĐT và làm vạ lây cả những người đã "dùi mài kinh sử".

Bộ GD-ĐT trong quy chế đào tạo thạc sĩ yêu cầu luận văn thạc sĩ đã rào chắn rất kỹ, nếu được tuân thủ sẽ khó có chuyện "cầm nhầm". 

Như luận văn "phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ; việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác hoặc của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ, rõ ràng tại vị trí trích dẫn và tại danh mục tài liệu tham khảo; kết quả nghiên cứu trong luận văn phải là kết quả lao động của chính tác giả, chưa được người khác công bố trong bất cứ một công trình nghiên cứu nào"...

Ngoài rất nhiều quy định chi tiết về quy trình giao đề tài luận văn thạc sĩ, cử người hướng dẫn, lập hội đồng chấm luận văn, nhiều hàng rào kỹ thuật khác cũng được dựng lên để đảm bảo chất lượng luận văn thạc sĩ. Trong đó có thể kể đến việc đưa vào sử dụng phần mềm chống đạo văn, cũng như yêu cầu công khai luận văn lên mạng...

Chặt chẽ, kín kẽ nhưng nhiều "luận văn chợ" vẫn lọt lưới giáo viên hướng dẫn, cán bộ phản biện, ra tới hội đồng và bảo vệ thành công?

Tình trạng này kéo dài đã ít nhiều làm méo mó hình ảnh tấm bằng thạc sĩ dưới mắt mọi người. Các đơn vị, cá nhân liên quan đều có lỗi. Trước hết là chủ sở hữu "luận văn chợ", kế đến là cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và chính những người cầm tấm bằng thạc sĩ mà luận văn tốt nghiệp được thuê viết. Cũng không thể không nhắc tới các đơn vị sử dụng nhân lực chạy theo bằng cấp khi bố trí quy hoạch, cất nhắc, đề bạt mà không dựa vào năng lực, hiệu quả công việc.

Do vậy, chừng nào thạc sĩ vẫn là "giải pháp rửa bằng" cử nhân, để đánh bóng hồ sơ cá nhân, là giấy thông hành để tiến tới những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp... chừng đó "chợ luận văn" vẫn tồn tại. Vì mục tiêu của việc học thạc sĩ không phải là năng lực, là kiến thức, là kỹ năng mà đơn giản chỉ là tấm bằng, vốn có thể giúp chủ nhân của nó đổi đời.

Càng ngày, số người học sau đại học càng nhiều. Nhu cầu học tập, nâng cao trình độ là chính đáng và lành mạnh. Nhưng nếu những "chợ luận văn" này vẫn tồn tại, đó là sự bất công với những người miệt mài học tập để có được tấm bằng đúng với công sức "dùi mài kinh sử" của họ.

Chẳng lẽ cứ mãi kéo dài sự bất công trong giáo dục đại học, chấp nhận giả dối trong đào tạo nhân lực chất lượng cao, chấp nhận "những người có năng lực nghiên cứu, phát triển và giải quyết các vấn đề của hiện tại và tương lai" lại cầm trên tay tấm bằng có được nhờ luận văn chợ!?

Chấm dứt tình trạng này được không? Có thể. Nhưng bắt đầu từ đâu? Không ai khác, chính Bộ GD-ĐT phải thúc các đơn vị, cá nhân có liên quan sửa lỗi của mình, làm đúng các quy định mà bộ đã ban hành về đào tạo sau đại học. Việc này cần làm ngay, quyết liệt, nếu không càng khoét sâu bất công trong đào tạo, làm méo mó tấm bằng thạc sĩ.

Chi 15 triệu đồng có ngay luận văn thạc sĩ Chi 15 triệu đồng có ngay luận văn thạc sĩ

TTO - Có bằng thạc sĩ được tăng lương, mới được đưa vào diện quy hoạch, đi dạy… Thế là người người đi học thạc sĩ. Và vô số dịch vụ ăn theo cũng nở rộ, nhất là viết thuê luận văn thạc sĩ.

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên