TS Nguyễn Thị Ánh Ngọc phát biểu tại hội thảo sáng 26-10 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Hội thảo khoa học "Đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0" do Trường ĐH Tài chính - marketing và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 26-10 thu hút gần 100 chuyên gia và sinh viên.
Vận dụng kỹ năng mềm cho mục đích sống tốt đẹp
ThS Nguyễn Đăng Đệ - Trường ĐH Văn Lang, đặt câu hỏi khiến hội thảo trở nên sôi nổi: "Hiện nay tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy việc… đang gây nhiều bức xúc. Nhiều giảng viên thuê người viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, thuê người khác viết luận văn, luận án… Đây có phải là kỹ năng mềm hay không?".
Trả lời câu hỏi này, ThS Phạm Ngọc Dũng - Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, khẳng định: "Đó là kỹ năng mềm. Điều quan trọng là chủ thể vận dụng kỹ năng đó đem lại cho mình sự thành công và định nghĩa mục đích sống, giá trị sống là gì, thái độ sống ra sao.
Đối với hệ thống giáo dục chúng ta sẽ truyền đạt giá trị sống tích cực cho người học, từ đó vận dụng kỹ năng mềm phục vụ cho giá trị sống và mục đích sống tốt đẹp".
PGS.TS Hà Nam Khánh Giao - Trường ĐH Tài chính - marketing, cũng cho rằng việc đào tạo sinh viên gắn với ba mảng kiến thức - thái độ - kỹ năng. "Việc áp dụng kiến thức và kỹ năng vào việc gì là phụ thuộc vào thái độ của người đó", ông Giao nhấn mạnh.
Đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo, ông Đỗ Thanh Năm - chủ tịch, giám đốc Công ty đầu tư công nghệ Win Win, cũng cho rằng giảng viên phải khơi tính khát vọng, ý chí vươn lên cho sinh viên. Đồng thời giáo dục cho họ có thái độ sống tích cực. Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng.
Các trường chưa xác định được kỹ năng cần thiết
Các chuyên gia đều cho rằng ngày nay, trình độ học vấn và bằng cấp chưa đủ để nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động quyết định trong việc tuyển dụng lao động.
"Họ còn căn cứ vào yếu tố cá nhân và yếu tố tương tác như: kỹ năng, sự nhạy bén khi xử lý công việc và giao tiếp của mỗi người lao động, các yếu tố này được gọi là kỹ năng mềm", ông Giao cho biết.
Theo TS Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Trường CĐ Kinh tế - tài chính Vĩnh Long, thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị.
"Kỹ năng mềm không được dạy trong quá trình học mà phải do chúng ta tự học và tích lũy từ thực tế nhưng kỹ năng mềm sẽ quyết định chúng ta là ai, làm việc thế nào. Muốn đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, chúng ta phải hội tụ đủ kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn) và kỹ năng mềm", bà Ngọc nói.
ThS Nguyễn Đăng Đệ lại cho rằng việc đào tạo kỹ năng mềm cho tất cả sinh viên như nhau trong khi chí hướng mỗi người mỗi khác là không phù hợp. Vì vậy cần phân loại sinh viên của từng ngành học để đào tạo từng loại kỹ năng mềm phù hợp.
Trong khi đó ThS Phạm Ngọc Dũng nhận định những năm gần đây, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn, các trường đại học đã quan tâm đến việc đào tạo các kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng các nhu cầu thích ứng của sinh viên khi ra trường.
Tuy nhiên, việc xác định các kỹ năng nào là cần thiết để đào tạo cho sinh viên thì mỗi cơ sở đào tạo đi theo một hướng hoặc phụ thuộc vào các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm bên ngoài. Bên cạnh đó nhân lực đào tạo lĩnh vực này còn thiếu và yếu khi phần lớn được chuyển ngang từ các lĩnh vực chuyên môn sang đào tạo kỹ năng mềm.
"Việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên đã trở thành yêu cầu tất yếu không chỉ là yêu cầu sống còn của sinh viên khi ra trường mà còn là tiêu chuẩn cạnh tranh của các trường đại học", ông Dũng nói.
Phát biểu tại một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình đào tạo nghề, ông Đỗ Năng Khánh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng ở các nước phát triển, kỹ năng mềm được coi là chương trình cơ bản, mang tính bắt buộc. Chương trình kỹ năng mềm là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công cho người lao động, nhất là khi chúng ta đã hội nhập và đang tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện nay, người lao động vẫn yếu trong kết hợp làm việc nhóm nên tới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ triển khai dạy kỹ năng mềm vào chương trình chính khóa trong toàn ngành giáo dục nghề nghiệp. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp là lấy người học làm chủ thể trung tâm của quá trình. Đó là thước đo cho sự đổi mới, thước đo cho sự tự chủ của mỗi nhà trường trong vai trò chuẩn bị các điều kiện để tạo cho học sinh được học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận