19/01/2025 17:25 GMT+7

Đề xuất quy định mới quản hàng triệu người bán hàng online, 'siết' sàn xuyên biên giới

Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát chủ thể tham gia giao dịch.

Đề xuất quy định mới quản hàng triệu người bán hàng online, 'siết' sàn xuyên biên giới - Ảnh 1.

Người bán hàng cá nhân trên các nền tảng số phải thực hiện định danh - Ảnh: Q.Đ.

Lý do sửa đổi luật, theo Bộ Công Thương, bởi hiện nay nhiều nền tảng thương mại điện tử chưa định danh và xác thực điện tử đối với người bán, dẫn đến việc khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán. 

Đặc biệt với người bán ở nước ngoài hoặc người bán không tuân thủ quy định pháp luật.

Khó xử lý vi phạm giao dịch thương mại điện tử

Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước cũng không nắm được một người bán hoạt động trên bao nhiêu nền tảng, dẫn tới khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm khi chưa có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán. 

Vì vậy, công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch thương mại điện tử trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng thương mại điện tử có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. 

Người tiêu dùng cũng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn thương mại điện tử nếu thông tin về người bán không được rõ ràng và minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh việc cần thiết tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Mặc dù nghị định 85 đã đưa ra những quy định cơ bản về điều kiện áp dụng cho các chủ thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam nhưng các quy định này vẫn chưa đủ mạnh mẽ và hiệu quả. 

Hơn nữa, các quy định pháp lý đối với thương mại điện tử xuyên biên giới hiện tại nhìn chung còn "nhẹ nhàng" hơn so với các quy định áp dụng cho các chủ thể có hoạt động đầu tư chính thức tại thị trường trong nước, gây ra sự thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh. 

Vì vậy, trong dự thảo luật đã đưa ra thêm các biện pháp quản lý, trong đó quy định rõ về các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đẩy mạnh phân cấp phân quyền. 

Yêu cầu thêm trách nhiệm với các chủ sàn

Trong đó, với hoạt động thương mại điện tử bán hàng phải có trách nhiệm cụ thể về chính sách, quy định, thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng. 

Quy định về cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng. Với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể. 

Đối với người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử phải thực hiện định danh theo quy định về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Cung cấp thông tin cho nền tảng trung gian về tên, địa chỉ, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.

Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời phải có trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm trên nền tảng.

Theo Bộ Công Thương, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, hiện Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng. 

Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử B2C tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỉ USD năm 2014 đến 20,5 tỉ USD năm 2023, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn. Mức tăng trưởng này đã đóng góp 8% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2023. 

Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. 

Với sự phát triển của kênh này, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm của mình hiệu quả. 

Đề xuất quy định mới quản hàng triệu người bán hàng online, 'siết' sàn xuyên biên giới - Ảnh 3.Nợ nước ngoài giảm dần, năm 2024 tập trung thu thuế trên nền tảng số

Chưa hết năm nhưng thu ngân sách đã vượt dự toán 80.000 tỉ đồng, đến nay đã tích lũy được hơn 500.000 tỉ đồng để chi cho tăng lương đến hết năm 2026.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên