Ngoài ra ngành thuế đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý thuế, người kinh doanh online thời gian tới sẽ khó có cửa trốn thuế.
Có đầy đủ dữ liệu về người kinh doanh trên sàn
Theo ông Vũ Mạnh Cường - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, kiêm cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, từ kết quả thành công của đề án 06 và chỉ thị 18 của Chính phủ, Cục Thuế TP Hà Nội đã đồng bộ, khớp nối hơn 7,7 triệu mã số thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây là kho cơ sở dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống" và là tiền đề để Cục Thuế TP có thể triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế trên địa bàn.
Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết đã số hóa, kết nối thông tin, liên thông dữ liệu từ các nguồn, xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, website riêng quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Cục Thuế Hà Nội đã có cơ sở dữ liệu hoàn thiện, định danh, định vị chính xác 626.768 gian hàng tương ứng với 437.210 mã số thuế là chủ sở hữu, người kinh doanh trên sàn TMĐT, lập được danh bạ và sổ bộ quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT đối với 82.930 tổ chức, cá nhân với các thông tin chi tiết về tên, địa chỉ, căn cước công dân, email, số điện thoại, địa chỉ kho hàng, tài khoản ngân hàng, giá trị bán trên sàn TMĐT.
Ông Cường cho biết thêm qua thông tin dữ liệu đầy đủ của các cá nhân kinh doanh trên TMĐT, Cục Thuế TP Hà Nội đã phối hợp với công an trên địa bàn xác minh và phát hiện ra hơn 2.000 người kinh doanh online có dấu hiệu vi phạm về thuế.
Đáng chú ý trong năm 2024, cơ quan thuế chuyển 72 hồ sơ sang cơ quan công an xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý thuế, đặc biệt trong lĩnh vực TMĐT.
Nổi bật thời gian gần đây là khởi tố hai vụ án NAC và Đỗ Mạnh Cường. Lũy kế năm 2024, tổng số thu ngân sách đối với hoạt động TMĐT do cơ quan thuế TP Hà Nội quản lý là 38.871 tỉ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ứng dụng AI quản lý
Trong năm 2025, Tổng cục Thuế cho biết tiếp tục cập nhật, làm giàu kho cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành, các chủ thể tham gia vào hệ sinh thái TMĐT...
Ngành thuế sẽ tổ chức sắp xếp khoa học, hiệu quả nguồn dữ liệu này, trên cơ sở đó áp dụng AI, máy học để xử lý dữ liệu và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp.
AI còn giúp phân tích rủi ro hóa đơn, phát hiện các giao dịch mua bán lòng vòng, gian lận hoàn thuế và dùng AI để phân tích nhằm khai phá những dư địa chưa khai phá...
Song song đó là lập cổng thông tin TMĐT cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế...
Tổng cục Thuế cho biết đã tiên phong áp dụng AI để giám sát và quản lý doanh thu thuế, đặc biệt trên các sàn TMĐT xuyên biên giới. AI có thể phát hiện các trường hợp khai báo giá trị hàng hóa thấp hơn thực tế để trốn thuế nhập khẩu hoặc các trường hợp sử dụng địa chỉ giả để tránh nộp thuế.
Việc sử dụng AI trong phân tích rủi ro còn giúp cơ quan thuế tập trung nguồn lực vào các trường hợp có nguy cơ rủi ro cao, nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra và kiểm soát chống gian lận thuế.
Đồng thời Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và các quy trình, quy chế phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Nguyên tắc là tối đa hóa trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng, doanh nghiệp vận chuyển, trung gian thanh toán trong việc cung cấp dữ liệu và thực hiện khấu trừ, kê khai, nộp thuế, phát hành hóa đơn cho các giao dịch TMĐT, đảm bảo quản lý thuế hiệu quả ngay tại nguồn.
Trốn thuế sẽ bị xử phạt rất nặng
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 56, từ 1-4-2025, hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, nền tảng số thì chủ sàn phải có trách nhiệm thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trường hợp không thuộc đối tượng được khấu trừ, nộp thuế thay thì có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký, khai thuế, nộp thuế.
Như vậy tới đây người kinh doanh trên các sàn TMĐT sẽ bị "khấu trừ tại nguồn", tương tự với cách thu thuế đang áp dụng với cá nhân làm công ăn lương, do vậy sẽ khó mà lách thuế.
Trên thực tế thời gian qua nhiều trường hợp trốn thuế đã bị xử phạt rất nặng. Theo thông tin từ cơ quan công an TP Hà Nội, đầu tháng 11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường (sinh năm 1986, Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi trốn thuế.
Cường đã đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn TMĐT khác nhau (Shopee, Tiki, Lazada...) để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân.
Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu hơn 160 tỉ đồng nhưng Cường đã sử dụng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế khoảng 2,5 tỉ đồng.
Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết đã triển khai chuyên đề quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Theo đó, Cục Thuế TP.HCM đã kiểm tra, rà soát 4.119 tổ chức, cá nhân với số thuế truy thu và phạt là 256,4 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2023.
Theo Tổng cục Thuế, số thu thuế TMĐT năm nay đạt khoảng 116.000 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử với số thuế đã khai, nộp trực tiếp qua cổng là 8.687 tỉ đồng, bằng 126% số thu cùng kỳ năm 2023, đạt 174% dự toán.
Sẽ triển khai chuyên đề tổng quan về người nộp thuế
Vụ Kê khai (Tổng cục Thuế) cho biết sẽ triển khai chuyên đề tổng quan về người nộp thuế đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực và ngành nghề.
Trên cơ sở các chỉ tiêu thống kê về tình hình, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các hồ sơ khai thuế, báo cáo tài chính, hóa đơn điện tử... của 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Đồng thời căn cứ dữ liệu thống kê, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về quy mô, sự phát triển của các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế và các thông tin khác, Vụ Kê khai sẽ phân tích, đánh giá, nhận diện các vùng trũng tiềm ẩn nguy cơ thất thu, từ đó báo cáo Tổng cục Thuế để triển khai, chỉ đạo công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành.
Ngoài ra căn cứ kết quả nhận diện ban đầu, Vụ Kê khai sẽ tiếp tục phân tích sâu đối với một số ngành nghề, lĩnh vực để đưa ra danh sách các doanh nghiệp có rủi ro về việc kê khai chưa trung thực, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế để chỉ đạo toàn ngành tập trung lực lượng thanh tra, kiểm tra với mục tiêu phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế, hóa đơn; thu đúng, thu đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Kho dữ liệu khổng lồ, thu thập được từ nhiều phía
Bà Lê Thị Duyên Hải, vụ trưởng Vụ Kê khai (Tổng cục Thuế), cho hay thời gian qua ngành thuế đã từng bước xây dựng và tích lũy được một nguồn dữ liệu to lớn với lượng thông tin khổng lồ, phản ánh đầy đủ tình trạng hoạt động, kinh doanh, tình hình tài chính, thực hiện nghĩa vụ thuế của mọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ khi bắt đầu cho đến khi chấm dứt hoạt động.
Những thông tin này bao gồm đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tình hình tài chính (tài sản, nợ vay, vốn chủ sở hữu...), thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh (doanh thu, chi phí, lợi nhuận...), thông tin về chấp hành pháp luật thuế, thông tin về khoản nộp ngân sách nhà nước của hơn 1 triệu doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động, gần 3 triệu hộ cá nhân kinh doanh và hàng chục triệu cá nhân có nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Đặc biệt từ 10-7-2022 đến nay, cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử đã phản ánh gần như toàn bộ giao dịch mua bán của nền kinh tế ngay tại thời điểm phát sinh.
Bên cạnh đó nguồn dữ liệu thu thập được từ việc trao đổi thông tin, phối hợp công tác các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông hay từ chính người nộp thuế là các tổ chức quản lý sàn TMĐT...
"Năm 2024 trở đi là thời điểm chín muồi để ngành thuế chú trọng xây dựng, phát triển công tác thống kê thuế để khai thác hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu quý giá, to lớn này", bà Duyên Hải chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận