Chiều 4-12, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn chính sách và pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024.
Theo TS Võ Trí Thành - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, kinh nghiệm đàm phán các khung khổ hội nhập cho thấy lĩnh vực bán lẻ là khó nhất vì liên quan trực tiếp đến vấn đề thị trường, thị phần bán lẻ, từ đó liên quan mật thiết đến đời sống của người dân.
Có hàng rào kỹ thuật, bán lẻ nội vẫn lo cạnh tranh
“Với thị trường bán lẻ, tôi cho rằng trái tim của thị trường là cạnh tranh. Cho nên chính sách cần hoàn thiện và thực thi đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, làm sao xây dựng được môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp phát triển” - TS Thành nêu quan điểm.
Bà Đoàn Thị Hương Thanh, giám đốc pháp chế của Wincommerce, cũng cho hay các chính sách ban hành cần đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ hệ thống bán lẻ trong nước. Trong đó cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện liên quan đến việc tham gia thị trường bán lẻ và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Bà Trần Thị Phương Lan, phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cho hay để đảm bảo quyền lợi và sự cạnh tranh trên thị trường, khi nhà đầu tư nước ngoài mở điểm bán tại Việt Nam đều phải thực hiện ENT (kiểm tra nhu cầu kinh tế).
Đây được xem là một công cụ vô cùng hữu ích, là hàng rào kỹ thuật áp dụng với các “đại gia” bán lẻ nước ngoài nhằm hỗ trợ ngành bán lẻ trong nước vốn còn non trẻ.
Dù vậy tại Hà Nội, các thương hiệu bán lẻ lớn của nước ngoài đều hiện hữu. Điều này tạo nên sự cạnh tranh, buộc các hệ thống bán lẻ trong nước cũng phải vươn mình, thay đổi tư duy, làm mới mình, cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI. Đến nay, các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước đều tăng trưởng tốt.
Để cạnh tranh được, bà Lan cho rằng khi xây dựng quy hoạch địa phương, mạng lưới hệ thống bán lẻ cũng cần được tính toán rất kỹ trên cơ sở quy hoạch vùng, địa phương. Về lâu dài, ENT sẽ bỏ, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, góp phần phát triển tốt hệ thống bán lẻ trên địa bàn cả nước.
Tiến sĩ Đinh Dũng Sỹ, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), cho rằng thương mại hiện đại phát triển với tỉ trọng ngày càng cao, song chợ truyền thống vẫn chiếm 80% thị trường bán lẻ với 8.500 chợ, trong khi siêu thị là 1.080 và 240 trung tâm thương mại.
Lưu ý từ quy hoạch đến sửa đổi chính sách
Dù vậy, ông Sỹ đánh giá việc quy hoạch chợ truyền thống hiện vẫn chưa thành công. Bởi có thực trạng là người tiêu dùng không đến chợ truyền thống mới xây dựng, mà vẫn quen mua bán ở chợ cũ, thậm chí là chợ cóc.
"Tại sao chúng ta không thành công trong quy hoạch và phát triển, tiêu chuẩn hóa các chợ truyền thống? Người làm quy hoạch cần phải biết văn hóa chợ truyền thống. Đó là sự nhanh chóng, thuận tiện và phải đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là đảm bảo tính an toàn" - ông Sỹ nói.
Dù vậy, đối với kênh thương mại điện tử lại đang phát triển rất nhanh, mặc dù người tiêu dùng vẫn còn băn khoăn, lo ngại về chất lượng hàng hóa, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hàng giả… Ông Sỹ cho rằng cần có giải pháp để tạo niềm tin của người tiêu dùng. Bởi đây sẽ là xu hướng giao dịch thương mại tất yếu của tương lai.
Trong khi đó, một điểm nghẽn lớn được chỉ ra đó là Luật Thương mại được ban hành 20 năm nhưng chưa được sửa đổi, nhiều quy định không còn phù hợp với thương mại hiện đại, đặc biệt là thương mại điện tử.
Do vậy, ông Sỹ khuyến nghị cần có kế hoạch sửa đổi các quy định liên quan. Bao gồm Luật Giao dịch điện tử năm 2023, các nghị định về sàn giao dịch hàng hóa, thương mại hàng hóa, đặc biệt là Luật Thương mại.
Ông Phan Văn Chinh - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết sẽ tập trung thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại. Trong đó đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận