
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 15-5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Dự thảo đề xuất các quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nguồn nhân lực, phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá trong xây dựng pháp luật, một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp xây dựng pháp luật.
Đề xuất chi khoảng 12.500 tỉ đồng/năm cho xây dựng pháp luật
Về cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật, dự thảo nghị quyết có 3 nội dung cơ bản, trong đó dự thảo quy định ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Tờ trình nêu rõ quy định tỉ lệ ngân sách bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật của dự thảo nghị quyết là phù hợp, với dự kiến mức chi khoảng 12.500 tỉ đồng/năm.
Việc này đảm bảo giải quyết được thực trạng mức chi cho công tác xây dựng pháp luật hiện quá thấp, không đảm bảo chất lượng công tác xây dựng pháp luật, kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, đánh giá chính sách, xây dựng pháp luật chưa được bố trí kịp thời.
Dự thảo cũng quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật.
Một nội dung khác, dự thảo quy định về quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Được nhà nước bảo đảm vốn điều lệ từ nguồn ngân sách 0,5% nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật, được nhận các nguồn hỗ trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước...
Hỗ trợ 100% mức lương hệ số hiện hưởng, miễn thuế thu nhập cá nhân
Về chính sách liên quan đến bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo ông Ninh dự thảo nghị quyết có 2 nội dung cơ bản.
Trong đó, dự thảo quy định người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp).
Những người này gồm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế, nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định.
Đối tượng khác thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định. Đối tượng không thuộc quy định trên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định...
Quy định này không áp dụng với người giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo từ thứ trưởng và tương đương trở lên.
Việc thực hiện chính sách này cơ bản không làm tăng đáng kể ngân sách nhà nước. Tờ trình chỉ rõ, chi hỗ trợ hằng tháng dự tính là 216,369 tỉ đồng/năm dành cho cán bộ cả ở trung ương và địa phương.
Dự thảo cũng quy định thu nhập từ công tác xây dựng pháp luật theo quy định tại nghị quyết được miễn thuế thu nhập cá nhân và các nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước.
Dự thảo quy định cụ thể các giải pháp để nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cơ chế quy hoạch, biệt phái cán bộ; cho đến áp dụng cơ chế tự chủ lựa chọn cách thức hợp tác hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật...
Dự thảo cũng quy định cơ chế, chính sách cho xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), phát triển trợ lý ảo về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật trên cơ sở khai thác các nguồn cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu ủy ban cơ bản tán thành với quy định chế độ hỗ trợ hằng tháng với người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật.
Nội dung này được Quốc hội thảo luận tổ vào chiều nay, thảo luận hội trường vào sáng mai (16-5). Dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết vào sáng 17-5.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận