Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa có tờ trình về việc ban hành nghị quyết mới của Quốc hội thay thế nghị quyết 85/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.
Theo tờ trình, nghị quyết 85 chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cụ thể, tại nghị quyết 85 quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, nghị quyết này lại không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.
Tại dự thảo nghị quyết mới quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức.
Cạnh đó, Ban Công tác đại biểu cũng bổ sung quy định về thời hạn và thời điểm về nội dung này.
Đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận, thị xã, phường ở nơi không có HĐND thì kể từ thời điểm có đề nghị của HĐND quận, thị xã, chủ tịch UBND cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.
Cùng với đó, dự thảo nêu quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các địa phương tổ chức mô hình chính quyền đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định số 96.
Bổ sung nguyên tắc và căn cứ lấy phiếu tín nhiệm để phù hợp với quy định số 96.
Bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ việc lấy phiếu có giá trị thực tiễn rất lớn, giúp những người được Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn có điều kiện đánh giá, nhìn lại quá trình công tác.
Trên cơ sở kết quả phiếu giúp cán bộ "tự soi, tự sửa". Kết quả lấy phiếu là kênh để các cấp có thẩm quyền nhìn nhận, đánh giá cán bộ trong đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch ở các bước sau.
Những người có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, thực hiện quy trình, thủ tục cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ.
Phiếu tín nhiệm được lấy sẽ có 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Dự kiến, tại kỳ họp thứ 5 khai mạc vào ngày 22-5, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm này. Đồng thời, dự kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận